Xã hội >> COVID-19 (nCoV)

Tình hình dịch Covid-19 ở Việt Nam ngày 26/3: Số ca nghi nhiễm vượt 1.600 cao nhất tính trong một ngày kể từ đầu dịch

Tính đến 8h ngày 26/3, cả nước có 1.643 người nghi nhiễm nCoV đang cách ly tại các bệnh viện, cao nhất tính trong một ngày, kể từ đầu dịch.

Tính đến 8h ngày 26/3, Việt Nam ghi nhận 148 ca Covid-19, trong đó 17 trường hợp đã điều trị khỏi. 131 bệnh nhân đang được điều trị tại 15 cơ sở khám chữa bệnh, trong đó có cả bệnh nhân điều trị tại trung tâm y tế huyện.

Trong 24 giờ qua, Việt Nam ghi nhận thêm 14 trường hợp mắc mới. Trong đó, 10 ca được cách ly ngay sau khi nhập cảnh và một là bác sĩ bị lây bệnh từ bệnh nhân đang được điều trị. 11 ca này không có nguy cơ lây lan ra cộng đồng. 3 trường hợp có thời gian sống trong cộng đồng.

Cả nước có hơn 45.000 người tiếp xúc gần hoặc nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe. Trong đó hơn 27.000 người cách ly tại nhà, nơi lưu trú. Họ là người có yếu tố dịch tễ, không có các triệu chứng như ho, sốt, khó thở, chưa xác định mắc bệnh.

Hà Nội đến 8h sáng 26/3 ghi nhận 54 ca Covid-19, tất cả đều được điều trị tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2. Chủ yếu là các ca xâm nhập từ ngoài về. Gần 700 trường hợp tiếp xúc gần đang được giám sát y tế, hơn 9.000 trường hợp đang theo dõi tại cộng đồng.

Hơn 5.000 trường hợp đang được theo dõi tại 15 khu cách ly tập trung. Các bệnh viện Hà Nội cũng đang điều trị cho 358 trường hợp, trong đó F1 có 288 người; 70 trường hợp nghi ngờ có triệu chứng và các yếu tố dịch tễ. Thành phố bố trí thêm 5 khu cách ly tập trung với quy mô 12.100 chỗ ở.

6 bệnh viện mũi nhọn bao gồm Bắc Thăng Long, Thanh Nhàn, Đa khoa Hà Đông, Đa khoa Đức Giang, Đa khoa Đống Đa cùng "tham chiến" chữa trị Covid-19. Ngoài ra, bệnh nhân Covid-19 nhẹ được chuyển đến các bệnh viện ngoại thành Hà Nội như Bắc Thăng Long, Mê Linh, thay vì đưa vào Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương.

Hà Nội yêu cầu đóng cửa hàng dịch vụ không thiết yếu

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung yêu cầu như trên tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống Covid-19 của thành phố, chiều 25/3. Ông nêu rõ các cửa hàng phục vụ những dịch vụ thiết yếu cho người dân vẫn hoạt động bình thường, còn lại cần tạm thời đóng cửa để ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh.

Người dân Hà Nội được khuyến cáo nên ở nhà, không ra ngoài trừ khi phải mua lương thực thực phẩm; khi ra đường phải đeo khẩu trang và giữ khoảng cách từ 2 - 3 m. Các trường hợp đi từ vùng có dịch về phải tự cách ly tại nhà và khẩn trương báo với cơ quan y tế để lấy mẫu xét nghiệm.

Tất cả các quán bar, karaoke, cafe, nhà hàng, tập gym... dừng hoạt động, bất kể nội hay ngoại thành.

Thành phố sẽ chỉ để 20% xe buýt hoạt động, khuyến cáo người dân không sử dụng phương tiện giao thông công cộng trong lúc này.

Lãnh đạo thành phố cho hay, với những trung tâm thương mại, siêu thị được phép mở cửa, Hà Nội đã có hướng dẫn cách phòng, tránh dịch như tổ chức đi một chiều vào, chiều ra; khuyến khích trang bị máy đo thân nhiệt...

Tình hình dịch Covid-19 ở Việt Nam ngày 26/3: Số ca nghi nhiễm vượt 1.600 cao nhất tính trong một ngày kể từ đầu dịch
Nguồn: Bộ Y Tế

TP HCM ghi nhận 34 ca dương tính, trong đó 3 người đã khỏi bệnh từ tháng trước. Thành phố có hơn 9.000 trường hợp đang cách ly tập trung; hơn 1000 trường hợp được theo dõi, cách ly tại nhà.

Thành phố tăng cường tổ chức kiểm tra, giám sát việc triển khai các cơ sở cách ly kiểm dịch cộng đồng; giám sát việc tổ chức cách ly tại nhà. Triển khai các hoạt động truyền thông nguy cơ và giám sát ở cộng đồng, bến xe để kiểm soát nguy cơ lây nhiễm từ các vùng dịch, ổ dịch trong nước.

TPHCM: Người dân phải khai báo y tế khi đến bệnh viện

Sở Y tế TPHCM vừa gửi công văn khẩn đến các cơ sở y tế trên địa bàn về việc đảm bảo an toàn cho nhân viên y tế trước nguy cơ lây lan dịch bệnh trong bệnh viện. Theo đó, trước ngày 30/3, tất cả cơ sở y tế công lập và ngoài công lập ở TPHCM đều phải tuân thủ các quy định sàng lọc kiểm soát nhiễm khuẩn, đồng thời phòng và kiểm soát lây nhiễm dịch bệnh COVID-19 trong các cơ sở khám chữa bệnh.

Theo Sở Y tế TPHCM, trước tình hình dịch bệnh trên diễn biến phức tạp, Việt Nam đã có nhân viên y tế bị nhiễm bệnh. Do đó, Sở Y tế TP yêu cầu thủ trưởng các đơn vị khẩn trương thực hiện việc sàng lọc thông tin qua tờ khai y tế đối với tất cả người bệnh, thân nhân và khách đến liên hệ công tác tại cơ sở y tế.

Nhân viên y tế hướng dẫn mọi người khi vào cơ sở khám, chữa bệnh phải mang khẩu trang, sát trùng tay nhanh hoặc rửa tay bằng xà phòng; tổ chức đo thân nhiệt nhanh và tổ chức đánh dấu để nhận diện người đã qua sàng lọc. Tất cả trường hợp có thông tin nghi ngờ qua sàng lọc cần bố trí ưu tiên khám theo lối đi riêng biệt.

Nếu không có cổng riêng đến phòng khám sàng lọc, cơ sở khám bệnh cần bố trí ngay gần cổng hoặc tiền sảnh ở vị trí thông thoáng, biệt lập với các khoa, phòng khác.

Tất cả nhân viên y tế tham gia tiếp nhận, sàng lọc, chăm sóc và điều trị người bệnh hoặc nghi mắc COVID-19 phải được tập huấn kiểm soát nhiễm khuẩn và hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh. Đồng thời phải được trang bị đầy đủ phương tiện phòng hộ cá nhân.

HP (Nguoiduatin.vn)