Hỏi - Đáp

Vì sao nhiều người quan niệm 'Mùng 5,14, 23, đi chơi cũng thiệt nữa là đi buôn'?

Ông bà ta có câu "Mùng năm, mười bốn, hai ba, đi chơi cũng thiệt huống là đi buôn" ý chỉ đây là những ngày xấu, không may mắn.

Thực tế cho thấy, từ xưa đến nay, nhiều người thường chọn ngày lành tháng tốt để tổ chức ăn hỏi, cưới xin, xuất hành, động thổ...Trước là trọn vẹn niềm tin về tâm linh, sau là yên tâm tư tưởng để tiến hành công việc. Vì thế, ít khi người ta chọn các ngày mùng 5, 14, 23 (âm lịch) này để ra đường, đi mua sắm hay khởi hành công việc,…

Có rất nhiều quan điểm về việc kiêng kị xuất hành ngày mùng 5, 14, 23. Đơn cử như theo kinh nghiệm của các ngư dân từ xa xưa, người ta đã nhận thấy cứ vào mùng 5 Tết là biển lại xuất hiện những dòng hải lưu bất thường có khả năng gây họa cho người dân. Hơn nữa, xưa kia khi các phương tiện lưu thông còn hạn chế, người dân nếu đi xa thường sử dụng tàu bè nên vào những ngày kể trên, việc xuất hành là vô cùng kiêng kị.

Vì sao nhiều người quan niệm 'Mùng 5,14, 23, đi chơi cũng thiệt nữa là đi buôn'?

Xét theo lịch của Trung Hoa, ba ngày mùng 5, 14 và 23 được gọi là ba ngày "nguyệt kị".

Các ngày 5, 14, 23 cộng lại đều bằng 5 (cụ thể là: ngày mùng 5, ngày 14 gồm 1 + 4 = 5, ngày 23 gồm 2 + 3 = 5). Và con số 5 là con số ở giữa, không cao không thấp nên thường được người dân coi là con số "nửa đời, nửa đoạn".

Ngoài ra, trong cuốn "Trâu kiết” có ghi, từ xa xưa, mỗi tháng nhà vua sẽ đi tuần tra, thị sát 3 lần. Mỗi lần cách nhau khoảng 9 ngày. Những ngày 5, 14 hay 23 là những ngày mà nhà vua thường xuyên chọn để vi hành.

Theo lệ ngày xưa, người dân tuyệt đối không được phép nhìn thấy mặt vua. An toàn nhất là buộc phải ở trong nhà, đóng chặt các cửa. Nếu phạm phải tội này, thường sẽ bị mang ra xử phạt rất nặng. Vì vậy, người dân đã ghi nhớ lịch vi hành của nhà vua và truyền miệng nhau, phải kiêng ra đường trong ba ngày này để tránh sự xui xẻo.

Lâu ngày thành quen, ba ngày này dần dà trở thành "ngày xấu", vào ngày này người dân kiêng ra đường và kiêng làm việc lớn.

Tuy nhiên, cũng chính vì câu chuyện nói trên mà nhiều người cho rằng không nên kiêng xuất hành ngày mùng 5, 14, 23 bởi những ngày trên có thể là những ngày đẹp. Sở dĩ vậy vì nếu đây là những ngày xấu, ngày đại kị thì nhà vua đã chẳng chọn để đi vi hành.

Vì sao nhiều người quan niệm 'Mùng 5,14, 23, đi chơi cũng thiệt nữa là đi buôn'? - 1

Xét ở góc độ khoa học, những ngày trên, con người bị tác động mạnh nhất của lực tương hỗ với mặt trăng. Nó làm ảnh hưởng tới sức khỏe, thần kinh dễ làm con người mất tự chủ dễ xảy ra sai lầm trong tính toán, hành động.

Ngày nay, cuộc sống hiện đại cởi mở, nhiều người không còn đặt nặng vào tục kiêng kỵ như trước đây. Với mọi người, mùng 5, 14, 23 cũng là một ngày bình thường và nhiều người vẫn chọn để làm những việc quan trọng. Và thực tế cuộc sống cho thấy rằng, không phải cứ câu dân gian nào cũng áp dụng vào đời sống hiện đại.

TH (Nguoiduatin.vn)