Xã hội

Xem xét thí điểm đưa phạm nhân ra lao động ngoài trại giam

Chính phủ vừa trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét bổ sung việc thí điểm đưa phạm nhân ra lao động ngoài trại giam vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022.

Ngày 18/1, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội họp phiên thứ 7 để xem xét đề nghị của Chính phủ về việc bổ sung dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm mô hình tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022.

Đây không phải là lần đầu tiên Chính phủ đề xuất nội dung này, trước đó năm 2018, việc cho phép đưa phạm nhân ra lao động ngoài trại giam đã được Bộ Công an đề xuất đưa vào luật Thi hành án hình sự sửa đổi.

Tuy nhiên, thời điểm đó, nhiều ý kiến trong Ủy ban Tư pháp không tán thành quy định nói trên vì cho rằng cần bảo đảm mục đích chính của công tác tổ chức lao động cho phạm nhân là nhằm giáo dục cải tạo phạm nhân, đồng thời phải đảm bảo an ninh, an toàn trong quá trình quản lý giam giữ và tổ chức lao động.

Tại các phiên thảo luận của Quốc hội sau đó, một số đại biểu khuyến nghị cần hết sức cân nhắc, xem xét tất cả các yếu tố và đặc biệt là không đưa vào áp dụng đại trà. Một số ý kiến lo ngại quy định nếu được thực thi sẽ không phù hợp với mục đích của hình phạt tù, tiềm ẩn nhiều rủi ro như nguy cơ phạm nhân trốn trại, không đảm bảo an ninh, an toàn...

Theo đề nghị mới của Chính phủ thì nội dung này sẽ không đưa vào luật mà thực hiện thí điểm bằng nghị quyết của Quốc hội. Khác với việc thông qua dự án luật phải thông qua theo quy trình ít nhất 2 kỳ họp, các nghị quyết của Quốc hội sẽ được thông qua theo quy trình rút gọn 1 kỳ họp.

Xem xét thí điểm đưa phạm nhân ra lao động ngoài trại giam
Đề nghị cho phạm nhân ra ngoài trại giam lao động từng gây tranh cãi và không được Quốc hội đồng ý đưa vào luật

Đối tượng áp dụng là các trại giam trong CAND; CBCS và phạm nhân tại các trại giam trong CAND; các cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Về tiêu chí, quy trình lựa chọn phạm nhân đưa ra lao động, hướng nghiệp, học nghề ngoài trại giam, dự thảo Nghị quyết quy định không đưa phạm nhân ra khu lao động, hướng nghiệp, dạy nghề ngoài trại giam thuộc một trong những trường hợp sau: Phạm nhân có từ 2 tiền án trở lên; Tái phạm nguy hiểm; Phạm nhân có kết quả xếp loại thi đua chấp hành án phạt tù loại "Trung bình" hoặc "Kém"; Phạm nhân đã có hành vi trốn khỏi nơi giam hoặc bỏ trốn khỏi cơ sở giáo dục bắt buộc; Phạm nhân là đối tượng chủ mưu, cầm đầu trong các vụ án, tổ chức tội phạm; Phạm nhân trong các vụ án kinh tế lớn dư luận xã hội quan tâm.

Phạm nhân phạm một trong các tội: Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Hiếp dâm; Hiếp dâm người dưới 16 tuổi; Chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép vũ khí quân dụng; Giết người (các trường hợp quy định tại khoản 1); Trộm cắp tài sản có tính chất chuyên nghiệp; Cướp tài sản hoặc Cướp giật tài sản có tính chất chuyên nghiệp hoặc sử dụng vũ khí (các loại súng quân dụng, kiếm, mã tấu) hoặc hành hung để tẩu thoát; Các tội xâm phạm an ninh quốc gia; Phạm nhân là người chưa thành niên; Phạm nhân là người nước ngoài; Phạm nhân liên quan đến an ninh quốc gia cũng thuộc diện không đưa ra khu lao động, hướng nghiệp, dạy nghề.

Theo dự thảo nghị quyết, phạm nhân đưa ra các khu lao động, hướng nghiệp, dạy nghề ngoài trại giam phải bảo đảm các điều kiện: có nơi cư trú rõ ràng; từ ngày đến trại giam có tư tưởng ổn định, yên tâm chấp hành án; có mức án trên 15 năm, chung thân phải thuộc trường hợp phạm tội lần đầu, đã được giảm thời hạn chấp hành án phạt tù còn dưới 5 năm; Phạm nhân mức án từ 15 năm trở xuống phạm tội lần đầu hoặc đã có 1 tiền án do phạm tội vô ý và phải bảo đảm các điều kiện: Phạm nhân có mức án từ trên 7 năm đến 15 năm phải chấp hành được 1/3 mức án, hạ loại giam giữ xuống B2; Phạm nhân có mức án từ trên 3 năm đến 7 năm đã có kết quả xếp loại thi đua chấp hành án phạt tù đạt loại "Khá" hoặc "Tốt" 6 tháng trở lên; Phạm nhân có mức án từ 3 năm trở xuống đã có kết quả xếp loại thi đua chấp hành án phạt tù đạt loại "Khá" hoặc "Tốt" 3 tháng trở lên.

Tuy nhiên, đối với số phạm nhân có tiền sử nghiện ma túy phải xem xét thận trọng, kỹ lưỡng, chỉ lựa chọn số phạm nhân không còn biểu hiện lệ thuộc về ma túy.

Đáng chú ý, phạm nhân lao động, hướng nghiệp, học nghề ngoài trại giam được đảm bảo quyền lợi, thực hiện nghĩa vụ và hưởng chế độ, chính sách như phạm nhân trong trại giam theo quy định của Luật Thi hành án hình sự và các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành. 

Trường hợp phạm nhân vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật với hình thức phạt giam tại buồng kỷ luật thì đưa phạm nhân đó về trại giam để xử lý kỷ luật theo quy định.

Dự thảo Nghị quyết cũng nêu rõ sẽ ưu tiên lựa chọn ngành nghề có dây chuyền sản xuất, phương thức tổ chức vận hành ổn định, có hàm lượng kỹ thuật, công nghệ cao, tạo điều kiện để phạm nhân có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm sau khi chấp hành xong án phạt tù.

Ngoài nội dung nói trên, tại phiên họp thứ 7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật Thi đua khen thưởng sửa đổi; xem xét, quyết định việc thực hiện trang phục xét xử của hội thẩm nhân dân.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ cho ý kiến việc bổ sung kế hoạch đầu tư vốn nước ngoài từ số vốn chưa phân bổ và điều chỉnh, dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách T.Ư giai đoạn 2021 - 2025 cho danh mục dự án của các bộ, cơ quan T.Ư và địa phương (đợt 2) và xem xét báo cáo công tác dân nguyện tháng 12/2021 của Quốc hội…

HL (Nguoiduatin.vn)




https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/docbaovn/xem-xet-thi-diem-dua-pham-nhan-ra-lao-dong-ngoai-trai-giam-tintuc806124