Xã hội

Xã, huyện vay tiền của dân không trả: 'Ai cho đi vay?'

Luật sư Bình cho rằng, mặc dù xã chi tiêu việc cơ quan nhưng nếu việc đi vay chưa được phép thì cá nhân người đứng ra vay phải trả.

Thời gian gần đây, báo chí phản ánh hiện tượng UBND xã, huyện vay tiền của người dân nhưng chưa trả. Mới đây, UBND xã Phúc Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình vay của người dân hơn 500 triệu đồng nhưng người dân đòi nhiều lần vẫn chưa trả.

Ngày 4/5, chia sẻ với báo Đất Việt, ông Nguyễn Quang Tiến, Chủ tịch UBND xã Phúc Trạch cho rằng, việc vay mượn này xảy ra từ nhiệm kỳ trước nên ông không nắm rõ về số nợ đó.

"Đây là vụ việc dân sự nên tòa ra phán quyết thế nào thì xã sẽ thực hiện như thế", ông Tiến nói.

Trước đó, báo chí cũng phản ánh Huyện ủy, UBND huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa nợ dân hơn 50 tỷ đồng nhưng vẫn chưa trả.

Xã, huyện vay tiền của dân không trả: 'Ai cho đi vay?'
UBND xã Quảng Chính- nơi cán bộ vay nợ hơn 1 tỷ đồng của người dân nhiều năm không trả. Ảnh: Dân Trí

Trao đổi với PV, ông Lưu Vũ Lâm, Chủ tịch UBND huyện Yên Định cho biết, ông mới nghỉ hưu từ ngày 1/5 nên ông không biết.

"Việc này tỉnh đang làm rồi, tôi không tham gia", ông Lâm cho biết.

Còn tại UBND xã Quảng Chính, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa, nơi nợ dân hơn 1 tỷ đồng nhưng chưa trả, theo chia sẻ của ông Nguyễn Ngọc Tân, nguyên Chủ tịch UBND xã Quảng Chính (nhiệm kỳ 2010-2015) cho biết, khoản nợ trên không phải do ông vay.

"Số nợ này là của ông Hoàng Trọng Hạnh, nguyên Bí thư đảng ủy xã bàn giao sang, chứ tôi không liên quan gì. Thời điểm tôi còn làm thì số nợ này chưa được giải quyết, mấy năm nay tôi cũng không để ý gì", ông Tân cho biết.

Bình luận về việc này, luật sư Đỗ Hải Bình (đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng, người dân cứ nghĩ họ là lãnh đạo xã, huyện vay tiền thì không mất được nhưng thực tế lại không phải như thế.

"Ngay cả anh em ruột thịt hỏi vay tiền nhau cũng phải đắn đo, suy nghĩ xem bên kia có khả năng trả hay không rồi mới xem xét đến việc cho vay bao nhiêu, đừng nói đến người ngoài.

Đối với trường hợp xã, huyện vay của người dân không trả, đây là vụ việc dân sự, phải đưa ra tòa. Trước hết, cần phải xét tại thời điểm vay, người vay thực hiện hành vi với tư cách cá nhân hay đại diện cho xã.

Nếu là đại diện cho xã, trong trường hợp việc vay thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, ở nhiệm kỳ đó chưa trả được thì nhiệm kỳ sau sẽ có trách nhiệm trả. Còn trường hợp xã cần tiền chi tiêu, dù chi tiêu việc cơ quan nhưng lại không được phép đi vay của người dân thì cá nhân người đứng ra vay phải chịu trách nhiệm.

Kể cả trường hợp đã về hưu, tai biến, ốm đau, bệnh tật mà vẫn có tài sản thì vẫn đưa vụ việc ra tòa được. Cần phải xem ai cho đi vay, đây là mấu chốt của vụ việc", luật sư Đỗ Hải Bình phân tích.

Trước đó, theo phản ánh, từ năm 2009-2010, UBND xã Phúc Trạch, mà trực tiếp là ông Nguyễn Ngọc Hoàn, nguyên Chủ tịch UBND xã (nhiệm kỳ 2005-2011) và một số cán bộ đã mượn của các cá nhân tổng số tiền 505 triệu đồng.

Số tiền vay mượn này đã có sự bàn bạc thống nhất của Ban Thường vụ Đảng ủy xã.

Ông Nguyễn Văn Ninh, 1 trong 5 hộ dân bị xã mượn tiền cho biết: "Lúc mượn tiền chúng tôi, xã đưa ra lý do là để nộp vào kho bạc nhà nước huyện vì xã thu tiền làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng lại chi vào một số hoạt động của xã nên số tiền đó bị thiếu".

Năm 2017, UBND huyện Bố Trạch đã thành lập đoàn thanh tra liên ngành xác minh một số vấn đề bất thường tại xã Phúc Trạch, trong đó có việc mượn tiền của dân.

Kết luận thanh tra cho thấy có việc UBND xã này mượn hơn 500 triệu đồng của 5 hộ dân. Số tiền này được gửi vào thủ quỹ để chi các hoạt động của UBND xã nhưng không ghi chép vào sổ sách kế toán để quyết toán hằng năm.

Còn khoản nợ 50 tỷ đồng của Huyện ủy, UBND huyện Yên Định chủ yếu rơi vào giai đoạn 2011 - 2015 khi ông Hoàng Cao Thắng làm Bí thư Huyện ủy Yên Định và bà Ngô Thị Hoa làm Chủ tịch UBND huyện này, hiện cả hai vị này đã nghỉ hưu.

Món nợ 50 tỷ đồng của Huyện ủy, UBND huyện Yên Định chủ yếu như: Nợ tiền sửa sang cơ sở vật chất công sở Huyện ủy, UBND huyện; tiền xăng xe đi công tác của lãnh đạo; tiền sửa xe khi hư hỏng; tiền quà tặng các dịp đại hội, lễ kỷ niệm; tiền chè nước; giấy mực in; tiền ăn uống, nghỉ ngơi khi tiếp khách ở các nhà hàng, khách sạn của lãnh đạo huyện…

Không những nợ chi tiêu, mà huyện này còn nợ cả tiền khen thưởng cho cá nhân, tập thể trên địa bàn vì đã lấy tiền thưởng để chi vào việc khác.

Còn món nợ hơn 1 tỷ đồng của xã Quảng Chính chủ yếu ở nhiệm kỳ 2010-2015. Mặc dù việc vay tiền của dân có hợp đồng, phiếu thu, chữ ký của Chủ tịch UBND xã, thủ quỹ và kế toán trưởng nhưng đến nay chính quyền xã Quảng Chính vẫn chây ỳ không trả lại tiền cho người dân.

Theo Thu Hoài (Đất Việt)




https://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/xa-huyen-vay-tien-cua-dan-khong-tra-ai-cho-di-vay-3401508/