Xã hội

Vụ nước sạch nhiễm styren: ‘Điểm danh’ khu vực có thể dùng để ăn uống

Hà Nội đã đưa ra danh sách những khu vực người dân được dùng nước sạch để ăn uống và chỉ để tắm giặt sau sự cố đổ dầu thải làm ảnh hưởng tới nguồn nước sạch sông Đà.

Chiều 17/10, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã chính thức thông báo về việc tổ chức khắc phục sự cố cung cấp nước sạch tại Nhà máy nước sạch sông Đà, tổ chức cung cấp nước sạch cho nhân dân.

Theo đó, những ngày qua, Công ty nước sạch Hà Nội đã điều chỉnh nguồn cấp nước sạch từ Nhà máy nước mặt sông Đuống và các nhà máy nước ngầm khác để cung cấp cho khu vực các phường: Đại Kim, Định Công, Thịnh Liệt, Hoàng Liệt, Thanh Xuân Nam, Kim Giang và một phần phường Khương Đình, quận Thanh Xuân và các hộ dân dọc đường Nguyễn Trãi (từ ngã tư Chiến Thắng, quận Hà Đông đến ngã tư đường Nguyễn Trãi thuộc phường Thanh Xuân Nam, quận Thanh Xuân) với sản lượng ngày 15/10 là 35.000m3/ngđ (ngày đêm); ngày 16 và 17/10 là 60.000m3/ngđ.

Vụ nước sạch nhiễm styren: ‘Điểm danh’ khu vực có thể dùng để ăn uống
Do là nguồn cung cấp lớn cho nhiều quận, huyện của Hà Nội nên ngay khi sự cố nhiễm bẩn xảy ra với Viwasupco, nhiều khu vực đã lâm vào cảnh thiếu nước sạch trầm trọng. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Tại các khu vực này, người dân có thể dùng nước để sinh hoạt ăn uống bình thường.

Ngoài ra, phía Hà Nội cũng cho biết Công ty cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco) đã phối hợp với Trung tâm ứng phó sự cố môi trường Việt Nam đang tiến hành nạo vét đất đá bị nhiễm dầu, tại khu vực đổ dầu thải dọc suối Bằng ra đến hồ Đầm Bài, dùng phao chuyên dụng chặn hút váng dầu.

“Hiện nay váng dầu đã được ngăn chặn, không chảy vào nguồn nước Nhà máy nước mặt sông Đà. Viwasupco đã đóng nguồn cấp nước, tiến hành súc xả toàn bộ đường ống, các bể bơm tăng áp trên toàn tuyến truyền dẫn, các công việc này đã hoàn thành vào chiều ngày 16/10.

Trên cơ sở các công việc đã và đang được xử lý, kết hợp với kết quả xét nghiệm mẫu nước do Trung tâm kiểm soát bệnh tật thành phố lấy ngày 14/10 tại điểm nguồn vào của Nhà máy nước sông Đà có 107/107 chỉ tiêu đều đạt quy chuẩn QCVN 01:2009/BYT của Bộ Y tế, trong đó chỉ tiêu Styren có kết quả là 5µg/l thấp hơn quy chuẩn cho phép là (20µg/l),” thông báo của Hà Nội nêu rõ.

Đến chiều ngày 16/10, khu vực Nhà máy nước mặt sông Đà đã đảm bảo an toàn, do vậy, từ 20h30 ngày 16/10, Viwasupco đã cho vận hành cấp lại nguồn nước vào hệ thống. Đến chiều tối ngày 17/10, nguồn nước sẽ được cấp đến tất cả các vùng nước cấp của Viwasupco và mọi người có thể tiếp tục sử dụng để tắm, giặt. Hiện nay, trên toàn bộ hệ thống sản xuất tại nhà máy không còn vết dầu.

Phía Hà Nội cũng cho biết, để phục vụ người dân dung nước để ăn uống, Công ty nước sạch Hà Nội sẽ tiếp tục dùng xe stéc để cấp nước sạch miễn phí theo nhu cầu của người dân, cấp nước bằng các bình nhựa 20l cho các trường mầm non, tiểu học trong khu vực bị ảnh hưởng.

Vụ nước sạch nhiễm styren: ‘Điểm danh’ khu vực có thể dùng để ăn uống - 1
Những nguồn nước sạch được cấp phát cho người dân. (Ảnh: Vietnam+)

Để khắc phục các hậu quả của nguồn nước cấp từ Viwasupco, Hà Nội yêu cầu toàn bộ Ban Quản trị tòa nhà chung cư có dân ở, tòa nhà văn phòng, nhà riêng (thuộc vùng cấp nước của Viwasupco trên địa bàn các quận, huyện: Hà Đông, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm, Quốc Oai, Thạch Thất) tập trung thau rửa toàn bộ bể nước ngầm, bể nước chứa trên nóc nhà tại các tòa nhà hộ gia đình. Việc thau rửa được tiến hành khẩn trương, phấn đấu từ ngày 18/10 đến ngày 20/10/2019 phải hoàn thành.

Ngoài ra, Viwasupco sẽ không thu tiền nước đối với các Công ty cung cấp bán lẻ sử dụng nguồn nước sạch sông Đà cho đến khi các công việc súc xả làm sạch bể và các tuyến đường ống, mạng cấp nước ở các khu vực dân cư, sau đó được kiểm tra, xét nghiệm đảm bảo nguồn nước cấp được an toàn.

Mặt khác, Hà Nội tiếp tục lập Đoàn công tác do Giám đốc Sở Xây dựng chủ trì cùng các đơn vị liên quan, phối hợp với tỉnh Hòa Bình lên giám sát việc khắc phục sự cố nhiễm bẩn dầu do các đối tượng đã đổ thải ra suối; việc hút váng dầu trên hồ Đầm Bài; giao Sở Y tế, Trung tâm kiểm soát bệnh tật thành phố lấy mẫu nước tại đầu nguồn, tại nhà máy, tại các bể chứa tăng áp, tại các vùng dân bị ảnh hưởng để tiến hành xét nghiệm nước hàng ngày và công bố công khai hàng ngày trên truyền hình Hà Nội để người dân biết./.

Theo Sơn Bách (Vietnam+)