Xã hội

Vụ “khai tử” cho bố mẹ chồng: Công chứng viên nói gì?

Ông Nguyễn Thanh Tú - công chứng viên thực hiện công chứng - có liên quan đến nội dung “người còn sống nhưng bị khai đã chết” cho rằng do bà Vũ Thị Viễn (người yêu cầu công chứng, là vợ của người để lại di sản là ông Đỗ Mạnh Tiến) không trung thực...

Ông Nguyễn Thanh Tú - công chứng viên thực hiện công chứng - có liên quan đến nội dung “người còn sống nhưng bị khai đã chết” cho rằng do bà Vũ Thị Viễn (người yêu cầu công chứng, là vợ của người để lại di sản là ông Đỗ Mạnh Tiến) không trung thực, che giấu thông tin khi cung cấp thông tin cho công chứng viên thực hiện công chứng với nội dung là bố mẹ chồng (ông Đỗ Văn Hợp và bà Nguyễn Thị An) đã chết.

Như Lao Động đã đưa tin trong bài viết: Con dâu “khai tử” bố mẹ chồng nhằm chiếm tài sản thừa kế về phản ánh ý kiến của ông Đỗ Văn Hợp và bà Nguyễn Thị An (SN 1932) tại phường Nhật Tân, quận Tây Hồ, TP.Hà Nội rất hoang mang trước việc người con dâu Vũ Thị Viễn đã “khai tử” giả bố mẹ chồng nhằm chiếm tài sản thừa kế.

Ông Hợp, bà An đang còn sống nhưng bị con dâu khai là đã chết.

Ông Hợp, bà An đang còn sống nhưng bị con dâu khai là đã chết.

Vụ việc trên cũng đặt lên những hoài nghi về sự tiếp tay của cơ quan có thẩm quyền. Theo ông Hợp, bà An hành vi gian dối của bà Viễn thực hiện được khi có sự nới lỏng của Công chứng viên, phòng công chứng số 3 - TP.Hà Nội.

Ông Hợp, bà An cho biết, ông bà không biết có còn sống được tới lúc đòi lại quyền sống vì bị con dâu là Viễn cướp đi, khi cố tình khai tử và chiếm đoạt tài sản thừa kế của ông bà hay không.

Để đòi lại quyền sống của mình, ông Hợp, bà An hàng ngày lặn lội đến các nơi để kêu cứu. Và ông bà đã gửi đơn tố cáo tới các cơ quan chức năng từ giữa năm 2015, nhưng vẫn chưa có kết quả cụ thể. Gần đây nhất, ngày 21.4.2017, vụ việc đã được Tòa án Nhân dân TP.Hà Nội thụ lý vụ án dân sự sơ thẩm số 28/TLST-DS.

Mới đây, ngày 3.8, Thanh tra Sở Tư pháp Hà Nội đã có buổi làm việc cùng với các cá nhân liên quan là ông Nguyễn Thanh Tú - nguyên công chứng viên phòng công chứng số 3 - TP.Hà Nội, cùng gia đình ông Hợp, bà An để tiến hành xác minh, xem xét việc giải quyết đơn của công dân tố cáo.

Tại buổi làm việc, gia đình ông Hợp, bà An đã đề nghị Sở Tư pháp Hà Nội xem xét hủy văn bản nhường quyền hưởng di sản thừa kế và khai nhận di sản thừa kế có số công chứng 186.2006/KNDSTK ngày 11.8.2006 do Công chứng viên Nguyễn Thanh Tú công chứng vì khi thực hiện văn bản này, công chứng viên ra thông báo về việc khai nhận di sản có nội dung “cha mẹ đẻ của ông Đỗ Mạnh Tiến là ông Đỗ Mạnh Hợp, bà Nguyễn Thị An - người để lại di sản đã chết” nhưng trên thực tế hiện nay ông Hợp, bà An vẫn còn sống.

Chứng thực sai, Công chứng viên đánh bùn sang ao

Theo biên bản làm việc với Thanh tra Sở Tư pháp và gia đình ông Hợp, bà An, công chứng viên Nguyễn Thanh Tú đã phát biểu ý kiến: Khi thực hiện công chứng văn bản nhường quyền hưởng di sản thừa kế và khai nhận di sản thừa kế số công chứng 186.2006/KNDSTK, do bà Vũ Thị Viễn (người yêu cầu công chứng, là vợ của người để lại di sản là ông Đỗ Mạnh Tiến) không trung thực, che giấu thông tin khi cung cấp thông tin cho công chứng viên thực hiện công chứng với nội dung là bố mẹ chồng (ông Đỗ Văn Hợp và bà Nguyễn Thị An) đã chết, đồng thời bà Viễn cung cấp bản di chúc của ông Đỗ Mạnh Tiến là người để lại di sản.

Nội dung di chúc chỉ có 3 người được hưởng di sản là bà Viễn và hai con của ông Tiến, bà Viễn. Thực tế cho thấy, ông Hợp và bà An người được hưởng di sản không phụ thuộc vào nội dung di chúc. Vào thời điểm đó, bà Viễn không cung cấp được giấy chứng tử của ông Đỗ Văn Hợp và bà Nguyễn Thị An do bà Viễn trình bày ông, bà này chết đã lâu nên không có chứng tử.

Nên ngày 4.7.2006, công chứng viên đã ra thông báo về việc khai nhận di sản và tiến hành niêm yết thông báo tại UBND phường Nhật Tân từ ngày 4.7-4.8.2006. UBND phường Nhật Tân đã xác nhận trong thời gian niêm yết thông báo nói trên, UBND phường không nhận được bất kỳ đơn thư khiếu nại nào liên quan.

Căn cứ thông tin do bà Viễn cung cấp, di chúc của ông Đỗ Mạnh Tiến và Thông báo về việc khai nhận di sản thừa kế đã được UBND phường Nhật Tân xác nhận, công chứng viên nhận thấy đã đủ cơ sở để thực hiện công chứng văn bản nhường quyền hưởng di sản thừa kế và khai nhận di sản thừa kế số công chứng 186.2006/KNDSTK.

Theo biên bản làm việc, ông Đặng Thạch Bích - Phó Chánh Thanh tra Sở Tư pháp Hà Nội - kết luận: Hiện nay vụ việc đang được cơ quan TAND có thẩm quyền xem xét giá trị pháp lý của Văn bản nhường quyền hưởng di sản thừa kế và khai nhận di sản thừa kế số công chứng 186.2006/KNDSTK. Trên cơ sở phán quyết của cơ quan TAND, nếu cá nhân, tổ chức nào có vi phạm sẽ xem xét xử lý theo quy định của pháp luật.

Theo Vương Trần - Hoa Lê (Lao Động)