Xã hội

Vụ bẻ hoa anh đào ở Đà Lạt: Người bẻ hoa có bị xử phạt?

Đã có nhiều du khách từng bẻ hoa anh đào trong Khu du lịch hồ Tuyền Lâm và đã bị xử phạt.

Đã có nhiều du khách từng bẻ hoa anh đào trong Khu du lịch hồ Tuyền Lâm và đã bị xử phạt.
vu be hoa anh dao o da lat: nguoi be hoa co bi xu phat? hinh anh 1

Liên quan tới vụ bà Nguyễn Thị Minh Hiếu - Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Bình Thuận bị tố bẻ cành hoa anh đào ở Khu du lịch hồ Tuyền Lâm (thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng), UBND tỉnh Bình Thuận đã yêu cầu Giám đốc Sở Tư pháp phải làm rõ thông tin phản ánh và báo cáo kết quả về UBND trước ngày 10.3.

Báo cáo với Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Bình Thuận vào sáng 6.3, bà Hiếu khẳng định không bẻ cành hoa anh đào, mà do tài xế bẻ rồi đưa cho bà cầm chụp ảnh. Ngoài ra, theo bà Hiếu, trước khi tài xế bẻ cành hoa đưa cho bà thì cành hoa đã bị gãy sẵn.

Trao đổi với PV xoay quanh vụ việc này, ông Nguyễn Xuân Thành - Giám đốc Ban Quản lý Khu du lịch hồ Tuyền Lâm cho rằng: “Đây là một vụ việc đáng tiếc, bởi liên quan tới một cán bộ là phó giám đốc sở. Tôi thấy lãnh đạo UBND tỉnh Bình Thuận cũng đã yêu cầu chị Hiếu và Sở Tư pháp báo cáo để có hình thức xử lý”.

“Về lời tường trình của chị Hiếu là có người khác bẻ cành hoa anh đào rồi đưa cho chị thì cũng có thể xảy ra; nhưng tôi thấy như vậy vẫn không ổn cho lắm. Khi biết người khác đưa cho mình một cành hoa vừa bị bẻ ở nơi cấm bẻ hoa, mà mình vẫn cầm để chụp ảnh là không ổn”, ông Thành nói thêm.

vu be hoa anh dao o da lat: nguoi be hoa co bi xu phat? hinh anh 2
 Bảng thông báo cấm chặt, phá, bẻ cây hoa anh đào ở Khu du lịch hồ Tuyền Lâm (ảnh: T.P)

Theo ông Thành, trong khoảng thời gian gần 3 năm qua, các nhân viên của ban quản lý đã bắt tận tay 6 - 7 trường hợp bẻ hoa anh đào. Theo quy định, đơn vị này không có quyền xử phạt nên phải thông báo cho công an phường 4 (thành phố Đà Lạt) đến xử lý.

“Tất cả các trường hợp vi phạm trước kia đều vui vẻ nhận sai và chấp hành đóng phạt, dù cho chúng tôi không quay phim hay chụp hình lại. Về vụ việc lần này, các phương tiện truyền thông đã đưa thông tin kịp thời để tuyên truyền, uốn nắn những hành vi sai phạm, giúp tôn tạo vẻ đẹp thiên nhiên”, ông Thành nói.

Được biết, cây hoa anh đào bị bẻ cành trong vụ việc tọa lạc bên hồ Tuyền Lâm, từng là trung tâm của lễ hội hoa anh đào đã khai mạc cách đây không lâu. Sau khi được phép của UBND tỉnh, Ban Quản lý Khu du lịch hồ Tuyền Lâm đã xây dựng một cung đường cho du khách đi bộ tham quan.

“Chúng tôi có một phòng chức năng gồm khoảng 5 người với các nhiệm vụ về hạ tầng, an ninh, trật tự và đảm nhận luôn vai trò nhắc nhở những người bẻ hoa. Nhiều khi các anh em phải làm việc tới 22h đêm để canh hoa, tránh những bạn trẻ tới đây bẻ hoa về cắm”, ông Thành thông tin thêm.

Trong khi đó, ông Bùi Trung Đường - Giám đốc Công ty Dịch vụ đô thị Đà Lạt kể lại một sự việc đã xảy ra từ trước Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017. Theo đó, Đội Thanh tra của công ty từng phát hiện một thanh niên tên Trần Ngọc Bảng (tạm trú đường Nguyễn Viết Xuân, phường 4, thành phố Đà Lạt) cưa một cành cây mai anh đào đang trổ bông. Người này khai nhận cưa cây đem về nhà (ở thôn Finôm, xã Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng) để chưng Tết.

Sau khi lập biên bản, Công ty Dịch vụ đô thị Đà Lạt đã có văn bản đề xuất UBND thành phố Đà Lạt xử phạt vi phạm hành chính mức phạt 500.000 đồng đối với Bảng và buộc người này trồng lại một cây hoa anh đào thay thế cây đã bị cưa.

Về trường hợp của bà Phạm Thị Minh Hiếu - Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Bình Thuận, ông Đường cho biết, nếu bà Hiếu hay ai khác bị bắt quả tang đang bẻ hoa anh đào thì đều sẽ bị lập biên bản, và mức phạt sẽ từ 200.000 đến 500.000 đồng.

“Tuy nhiên, nếu đúng như chị Hiếu nói là do người khác bẻ một cành hoa bị gãy rồi mới đưa cho chị, thì tôi nghĩ chỉ cần rút kinh nghiệm, nhắc nhở là được”, ông Đường nói.

Bẻ cây đô thị, phạt nhiều nhất 500.000 đồng

Theo khoản 1, điều 49, Nghị định 121/2013 của Chính phủ về quy định bảo vệ cây xanh, công viên và vườn hoa trong phạm vi cây xanh đô thị, hành vi đục khoét, đóng đinh vào cây xanh; tự ý ngắt hoa, cắt cành cây; đốt gốc, lột vỏ thân cây, phóng uế hoặc có hành vi khác làm hư hỏng cây xanh, vườn hoa, thảm cỏ có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng.

Theo mục III, Thông tư 20/2005 của Bộ Xây dựng, cây xanh đô thị bao gồm:

- Cây xanh sử dụng công cộng là tất cả các loại cây xanh được trồng trên đường phố và ở khu vực sở hữu công cộng (công viên, vườn thú, vườn hoa, vườn dạo, thảm cỏ tại dải phân làn, các đài tưởng niệm, quảng trường).

- Cây xanh sử dụng hạn chế là tất cả các loại cây xanh trong các khu ở, các công sở, trường học, đình chùa, bệnh viện, nghĩa trang, công nghiệp, kho tàng, biệt thự, nhà vườn của các tổ chức, cá nhân.

- Cây xanh chuyên dụng là các loại cây trong vườn ươm, cách ly, phòng hộ hoặc phục vụ nghiên cứu.

 
Theo Ngọc Phạm (Dân Việt)