Xã hội >> COVID-19 (nCoV)

Việt Nam vẫn cách ly đủ 14 ngày với người có 'hộ chiếu vaccine'

PGS.TS Trần Đắc Phu cho biết, nước ta chưa có quy định về "hộ chiếu vaccine". Do đó, những người từ nước ngoài về Việt Nam vẫn phải cách ly 14 ngày theo quy định.

Hiện một số nước như Trung Quốc, Israel, bắt đầu cấp chứng nhận tiêm đủ vaccine COVID-19, hay còn được gọi là "hộ chiếu vaccine". 

Theo hãng tin AFP, hệ thống xác nhận đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 hoặc chứng nhận kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 bắt đầu hoạt động từ đầu tuần này trên nền tảng mạng xã hội WeChat của Trung Quốc.

Tại Isarel, quốc gia với 9 triệu dân, đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho một nửa dân số. Cách đây 2 tuần, nước này đã triển khai một ứng dụng nhận biết liệu một người đã tiêm đủ liều vaccine COVID-19 hay chưa hoặc họ có miễn dịch sau khi mắc bệnh hay không.

Việt Nam vẫn cách ly đủ 14 ngày với người có 'hộ chiếu vaccine'
Cặp vợ chồng người Israel khoe tấm hộ chiếu vaccine tại cổng vào buổi hòa nhạc chỉ dành cho người đã tiêm vaccine COVID-19. Ảnh: Getty Images

Hôm qua, một bác sĩ Việt kiều đã tiêm đủ 2 mũi vaccine và trên passport (hộ chiếu) của ông có đính kèm thẻ tiêm chủng CDC Hoa Kỳ nhưng vẫn phải tuân thủ cách ly tập trung đủ 14 ngày theo quy định.

PGS.TS Trần Đắc Phu - Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho biết nước ta chưa có quy định về "hộ chiếu vaccine". Do đó, những người từ nước ngoài về Việt Nam vẫn phải cách ly 14 ngày theo quy định. 

Theo nuyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, thế giới đã có thông lệ chứng nhận đi lại cho người đã tiêm đủ vaccine phòng một số bệnh như tả, hạch, sốt vàng... Tuy nhiên, COVID-19 là loại bệnh mới, các vaccine cũng mới phát triển và triển khai tiêm, hiệu quả thực sự của nhiều loại vaccine còn cần thời gian để kiểm chứng, đánh giá.

Theo tính toán để phòng bệnh cho một cộng đồng thì cộng đồng đó phải đạt được miễn dịch khoảng 60- 70% dân số trở lên. Như vậy Việt Nam cần từ 100-150 triệu liều vaccine phòng COVID-19. 

Trong khi đó, theo ông Phu, việc tiêm vaccine chưa hẳn đã có miễn dịch ngay sau khi tiêm, dữ liệu về kháng thể chống virus tồn tại trong cơ thể con người (sau tiêm) là bao lâu cũng chưa thật rõ ràng. Một số vaccine mới đánh giá được tác dụng giảm triệu chứng nặng của bệnh, giảm khả năng tử vong, nhưng chưa xác định được chính xác hiệu quả của việc giảm sự lây truyền bệnh ở mức nào hoặc đề phòng sự biến thể của virus không có tác dụng với vaccine vừa được tiêm.

Điều này có nghĩa là khi virus SARS-CoV-2 biến chủng, có thể loại vaccine COVID-19 mà người đã tiêm không còn tác dụng. Chưa kể, cần đề phòng trường hợp có "hộ chiếu vaccine" giả. 

Thực tế việc tiêm vaccine không bảo đảm phòng bệnh 100%. Theo thông tin của nhà sản xuất về hiệu quả thử nghiệm lâm sàng thì vaccine của Pfizer hay Moderna có hiệu quả bảo vệ trên 90% - 95%, vaccine AstraZeneca là 76% mũi 1, 81% mũi 2, như vậy còn 5-19% người đã tiêm chưa được bảo vệ khỏi COVID-19, có thể vẫn mang mầm bệnh.

Do vậy, chúng ta vẫn phải áp dụng biện pháp phòng bệnh có hiệu quả như thực hiện nguyên tắc 5K. Một minh chứng cụ thể là Israel đã tiêm vaccine được 50% dân số thì Chính phủ vẫn khuyến cáo người dân đeo khẩu trang, khử khuẩn...

Theo T.Nguyên (Giadinh.net.vn)




https://giadinh.net.vn/y-te/viet-nam-van-cach-ly-du-14-ngay-voi-nguoi-co-ho-chieu-vaccine-2021031114375761.htm