Xã hội

Việt Nam lý giải việc thông qua luật an ninh mạng, cập nhật tình hình Bình Thuận

Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết luật an ninh mạng cần thiết trong bối cảnh hiện nay và lực lượng chức năng đang bảo đảm an ninh ở Bình Thuận.

Việt Nam lý giải việc thông qua luật an ninh mạng, cập nhật tình hình Bình Thuận
Các đại biểu Quốc hội trong phiên làm việc ngày 12/6. Ảnh: Hoàng Phong.

Trước câu hỏi việc Quốc hội Việt Nam thông qua luật an ninh mạng có ảnh hưởng đến quyền tự do ở Việt Nam, bà Lê Thị Thu Hằng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam chiều nay khẳng định an ninh mạng là vấn đề quan trọng, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia.

Bà Hằng cho biết luật an ninh mạng đã được thông qua ngày 12/6 với số phiếu cao, sau nhiều vòng thảo luận, tiếp thu ý kiến rộng rãi, minh bạch của các đại biểu Quốc hội và người dân. Luật này cũng phù hợp với Hiến pháp Việt Nam và không cản trở việc thực hiện các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. 

Với hơn 86% đại biểu Quốc hội Việt Nam có mặt tại hội trường đã đồng ý thông qua dự thảo Luật An ninh mạng. Luật này gồm 7 chương, 43 điều quy định về hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên không gian mạng; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Luật An ninh mạng có hiệu lực từ 1/1/2019.

Theo người phát ngôn, những năm gần đây, an ninh mạng đã trở thành mối quan tâm đặc biệt của nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế, khu vực. Các cuộc tấn công nhằm vào môi trường mạng phát triển nhanh chóng cả về hình thức và quy mô, có tính xuyên biên giới, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự ổn định, kinh tế và chính trị của các  nước. Trong khi đó những nỗ lực nhằm cải thiện an ninh trên môi trường mạng còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là do thiếu thể chế pháp lý và năng lực bảo đảm an ninh mạng.

"Do đó việc xây dựng luật an ninh mạng là hết sức cần thiết trong bối cảnh hiện nay", bà Hằng nói.

Đề cập tới tình hình gây rối ở Bình Thuận, người phát ngôn cho hay các lực lượng chức năng đã và đang tiến hành các biện pháp cần thiết theo quy định của pháp luật, để đảm bảo an ninh trật tự xã hội, đảm bảo an toàn cho người dân.

Tình trạng rối loạn ở Bình Thuận diễn ra từ 10/6 đến 12/6, khi nhiều người lấy cớ phản đối dự thảo Luật Đặc khu, kéo ra chặn xe trên Quốc lộ 1. Nhiều người quá khích tấn công lực lượng công vụ, đốt xe, ném bom xăng vào trụ sở UBND tỉnh và các cơ quan ban ngành. Công an Bình Thuận đã tạm giữ 107 người. Khoảng 28 cảnh sát bị thương khi đảm bảo an ninh trật tự ở khu vực Phan Rí Cửa những ngày qua.

Người phát ngôn cũng cho biết không có thông tin gì về việc công dân Trung Quốc bị thương vong trong biểu tình. "Hiện các hoạt động kinh doanh và đầu tư ở Việt Nam vẫn diễn ra bình thường".

Lý giải về việc Việt Nam lập các khu hành chính và kinh tế đặc biệt, bà Hằng cho hay trong những năm qua nhà nước Việt Nam không ngừng hoàn thiện các chính sách pháp luật, triển khai toàn diện nhiều biện pháp nhằm bảo đảm ngày càng tốt những quyền hợp pháp, lợi ích chính đáng của nhân dân, thúc đẩy sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, chủ động tích cực hội nhập kinh tế quốc tế.

Dự thảo luật đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt nằm trong chương trình xây  dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội Việt Nam trong năm 2018. Dự thảo luật được xây dựng nhằm mục đích tạo ra những đột phá, động lực phát triển mới cho nền kinh tế, phát huy lợi thế của địa phương.

Hôm 11/6, Quốc hội Việt Nam đã đồng ý lùi thông qua Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc.

Theo Việt Anh (VnExpress.net)