Xã hội

Vì sao vẫn chết vì... rắn độc?

Những cái chết vì rắn độc cắn vẫn thường xảy ra do nguyên nhân khách quan và chủ quan. Nhiều người biết đó là rắn cực độc, nhưng vì lợi nhuận trước mắt, họ sẵn sàng lao vào. Cũng có người không phân biệt được đâu là rắn độc, đâu là rắn thường, khi bị cắn không biết cách sơ cứu kịp thời, đến bệnh viện thì đã quá muộn…

Những cái chết không kịp trở tay

Trường hợp đau lòng vừa mới xảy ra vào ngày 12-7 khiến ông T.V.C (sinh năm 1967, ngụ ấp Phú Mỹ 2, xã Phú Hội, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai) tử vong vì bị rắn hổ mang chúa cắn. Trước đó 2 ngày, ông C. đang ở nhà thì nghe tin hàng xóm hô hoán có rắn bò vào nhà. Vì muốn giúp đỡ hàng xóm nên ông cùng con trai và nhiều thanh niên khác đến vây bắt rắn. Do chủ quan nên khi rắn chui vào hang, ông C. dùng tay không để bắt rồi bịt đầu rắn bằng bao bố thì con rắn cắn thủng bao trúng vào tay trái của ông. Tuy nhiên, ông C. nghĩ là rắn lành nên không đến bệnh viện băng bó vết thương.

Hơn một tiếng sau, khi tay bắt đầu hoại tử, nọc độc đã di căn vào thận thì người nhà mới chở nạn nhân lên Bệnh viện Chợ Rẫy, TP. Hồ Chí Minh. Do để quá lâu và không được cứu chữa kịp thời nên thận của ông C. đã hư hỏng nặng, bác sĩ tiến hành lọc máu liên tục nhưng không thể cứu chữa. Gia đình đưa ông C. về nhà và đến sáng 12-7 thì ông qua đời.

Vì sao vẫn chết vì... rắn độc?
Người dân nuôi rắn hổ mang chúa trong nhà.

Ông Nguyễn Huy Sang, Chủ tịch Hội nông dân xã Phú Hội, Nhơn Trạch cho biết, khi nhận được thông tin người dân bị rắn độc cắn chết, chính quyền địa phương đã khuyến cáo các hộ dân không nên tự ý bắt rắn nếu không có kinh nghiệm hoặc phải đến ngay cơ sở y tế gần nhất khi bị rắn cắn, không chủ quan nếu không am hiểu về rắn để tránh những tổn thương, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên, mọi khuyến cáo hay bài học đau xót từ những cái chết do rắn cắn vẫn chưa làm con người biết sợ? Những vụ bắt rắn độc làm thuốc, làm mồi nhậu hoặc buôn bán vẫn được người dân thản nhiên thực hiện, bất chấp rủi ro dẫn đến chết người.

Trước đó, vào tháng 5-2022, Ông V.V.D. (sinh năm 1969, trú tại bản Mòng 1, xã Cắm Muộn, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An) cùng một người bạn đi quăng chài đánh cá ở xã Nậm Nhoóng, huyện Quế Phong thì bất ngờ bị một con rắn hổ mang cắn vào vùng mặt. Sau khi bị cắn, ông D. vẫn tỉnh táo và cùng bạn đánh chết con rắn mang về nhà. Đến chiều cùng ngày thì ông D. tử vong do nọc độc xâm lấn phá hủy nội tạng.

Cách đây 2 năm, dư luận giật mình bàng hoàng sau vụ anh Phan Văn Tâm (40 tuổi, ngụ Tây Ninh) bị rắn hổ mang chúa nặng trên 5kg cắn vào đùi suýt tử vong. Biết là rắn độc nhưng anh Tâm vẫn cố bắt vì nghĩ đến khoản tiền bán rắn sẽ đóng học và mua sữa cho con. Rất may là anh Tâm được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Chợ Rẫy kịp thời nên thoát khỏi “tử thần”. Bác sĩ điều trị cho biết, tỷ lệ cứu sống nạn nhân bị rắn hổ mang chúa cắn rất thấp. Đa phần sau khi bị rắn cắn, nếu không băng bó cầm nọc độc kịp thời thì chất độc sẽ chạy vào lục phủ ngũ tạng, cái chết rất nhanh, không thể cứu chữa. Thoát “án tử” sau 2 năm, sức khỏe của anh Tâm giảm sút nghiêm trọng, anh không thể làm việc như xưa. “Còn sống đã là món quà lớn nhất rồi”, anh chia sẻ.

Vì sao vẫn chết vì... rắn độc? - 1
Sau khi bị rắn cắn, ông C. nhanh chóng rơi vào trạng thái bất tỉnh, chân tay tím tái, sưng phồng rồi tử vong.

Anh Tâm cho biết, bây giờ hễ thấy rắn là anh xách dép bỏ chạy thật xa. Nếu gặp ai bắt rắn, anh sẽ khuyên nên thả chúng về tự nhiên. Hầu hết loài rắn, nhất là hổ mang chúa, là loài nhút nhát. Chúng không chủ động cắn người, chỉ tấn công khi chúng cảm thấy nguy hiểm hoặc vô tình bị con người giẫm phải. Cách tốt nhất để không bị rắn độc cắn là giảm khả năng giẫm phải chúng. Hạn chế tới các khu vực có thể thu hút rắn như: Nơi có thức ăn, nguồn nước, bụi rậm, đống củi, bãi cỏ... Nếu bắt buộc phải tới, chúng ta cần quan sát kỹ trước khi bước đi và sẽ tốt hơn nếu có một cây gậy để đánh động ở khu vực chuẩn bị bước tới.

Khi bị rắn độc cắn, cần làm gì? Bác sĩ Nguyễn Ngọc Sang - Khoa Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Chợ Rẫy, TP Hồ Chí Minh) hướng dẫn: “Khi lỡ bị rắn cắn, tốt nhất cần ra khỏi khu vực nguy hiểm càng sớm càng tốt, nên hạn chế cử động vùng bị cắn, tránh làm khuyếch tán nọc độc và đến cơ sở y tế gần nhất. Bệnh nhân nếu không mang được rắn tới bệnh viện thì có thể chụp hình hoặc quan sát loại rắn cắn mình để giúp bác sĩ khai thác thông tin dịch tễ. Không nên rạch vết thương và không nên đắp những loại hóa chất hay lá cây mà không rõ tác dụng của nó. Rắn cũng như các loại động vật khác, đều là thành phần sống của tự nhiên. Vì vậy, không nên bắt rắn hay sử dụng chúng dùng làm thực phẩm. Khi đi vào những vùng rừng núi, bụi rậm, người dân nên sử dụng các loại giày cao su, dùng gậy để khua và đánh động các loại rắn tránh xa.

Bán mạng cho nghề

Biết rõ sự nguy hiểm của những loài rắn độc nhưng lợi nhuận và cám dỗ vật chất đã thôi thúc nhiều người làm nghề săn rắn độc. Ở Củ Chi, TP Hồ Chí Minh từ tháng 6 đến tháng 9 âm lịch hằng năm là thời điểm rắn vào mùa sinh sản, phát triển và đi kiếm ăn nhiều. Loài rắn hổ mang được nhiều người săn lùng vì có giá cao.

Ông Huỳnh Văn Bền, một tay săn rắn chuyên nghiệp tại đất Củ Chi, TP Hồ Chí Minh cho biết, có nhiều cách để bắt rắn hổ mang như, đào đất, chích điện nhưng bắt bằng lọp hiệu quả hơn. Lọp có hình trụ dài 1m, đường kính 15cm, có gắn một cái hom để khi rắn say mồi chui vào trong không thể thoát ra ngoài. Mùa bắt rắn, có đêm, ông Bền kiếm được 2-3 con hổ mang đất, thu về trên 2 triệu đồng.

Thấy việc kiếm tiền từ nghề bắt rắn ngon ăn, nhiều người sắm đồ nghề đi làm. Tuy nhiên, không phải ai cũng trở về lành lặn, an toàn. Ông Bền kể, mới vào đầu mùa săn, anh bạn của ông là Năm Lèo trong một lần đào hổ mang đất ở khu vực xã Tân Phú Trung chẳng may bị cắn vào đầu ngón tay trỏ. Vì biết rõ rắn độc, một khi bị cắn, không cầm được, nọc sẽ chạy vào mạch máu dẫn đến tử vong, ông Năm Lèo thủ sẵn con dao tháo ngay đốt ngón tay, sau đó cầm máu và nhờ anh em đưa đi cấp cứu. Nọc rắn bị đẩy ra ngoài theo ngón tay đứt nên không ảnh hưởng đến tính mạng, chỉ là khuyết một ngón tay suốt đời. Thế nhưng, điều đó không làm những tay săn rắn nao núng. Năm Lèo sau khi vết thương bình phục tiếp tục theo nghề.

Trước Năm Lèo còn một trường hợp cũng là bạn săn với ông Bền bị rắn hổ mang chúa cắn vào chân. Thợ săn được đưa đi bệnh viện cấp cứu kịp thời nhưng toàn bộ một bên chân bị hoại tử, phải cắt bỏ. Nọc rắn xâm nhập vào mạch máu, ngũ tạng nhưng được xử lý, truyền máu, huyết thanh kịp thời nên bệnh nhân bảo toàn tính mạng. Trở về nhà, thợ săn như người tàn phế, sức khỏe giảm sút nặng, đặt đâu nằm đó suốt 3 năm trời thì qua đời do di chứng của rắn độc cắn.

Nghề săn rắn độc không cần nhiều vốn, chỉ cần vài chục đến vài trăm cái lọp bẫy, mỗi cái chi phí khoảng 50.000 đồng. Lọp được gia cố chặt chẽ bằng dây kẽm bởi hổ mang rất khỏe, chỉ cần có kẽ hở là có thể thúc lọp phóng ra ngoài gây hại cho con người.

Vì sao vẫn chết vì... rắn độc? - 2
Nghề săn rắn độc mang lại thu nhập cao khiến thợ săn liều mình.

Thợ săn lành nghề như ông Bền biết rõ nơi nào có rắn để đặt lọp. Đó là những nơi có đất khô ráo ven sông Sài Gòn, ở khu vực gần cầu Bình Lợi, cầu Sài Gòn, sông Vàm Thuật, Soài Rạp... là những bờ đập nơi đồng ruộng có nhiều thức ăn như chuột, cóc, ếch nhái mà rắn ưa thích.

Nghề nguy hiểm có thể đối mặt với cái chết bất cứ lúc nào, tại sao không tìm việc khác? Ông Bền trả lời thản nhiên: “Đời mình gắn bó với nghề săn rắn quen rồi, trừ khi hết rắn mới nghỉ”.

Bắt rắn, săn rắn, thậm chí là buôn bán rắn độc online đang diễn ra công khai. Chỉ cần gõ từ khóa cần mua rắn hổ mang thì có hàng trăm kết quả hiện ra cho người mua lựa chọn. Các shop bán rắn trên mạng sẽ cung cấp các loại rắn từ nhỏ đến lớn, từ độc vừa cho đến kịch độc. Riêng phần hướng dẫn sử dụng thì nhà shop sẽ chỉ cho cách “lên mạng tìm hiểu”. Nhiều trường hợp tự ý mua rắn độc về nuôi đã bị rắn cắn nguy kịch.

Lương y Nguyễn Văn Đình, Trung tâm Y dược cổ truyền tỉnh Trà Vinh phân tích, trong hệ sinh thái, loài rắn vừa là kẻ săn mồi (kiểm soát dịch hại tự nhiên), vừa là con mồi. Các loài rắn nhỏ giúp kiểm soát số lượng giun đất, thằn lằn nhỏ, ếch..., trong khi những con lớn hơn giúp kiểm soát quần thể các loài gặm nhấm mang mầm bệnh như chuột, sóc. Bên cạnh đó, rắn còn đóng vai trò làm “con mồi” cho các loài săn mồi nhanh nhẹn khác như đại bàng, diều hâu, lửng mật, cáo, chồn, sóc... Việc bắt và giết hại rắn, kể cả rắn độc sẽ khiến số lượng quần thể động vật gặm nhấm gây bệnh gia tăng, đồng thời giảm nguồn dinh dưỡng của các loài động vật ăn thịt khác, làm mất cân bằng sinh thái...

Nhiều loại rắn độc còn nằm trong Sách đỏ, cần được bảo vệ vì nguy cơ tuyệt chủng do nạn săn bắt, buôn bán trái phép. Tại Việt Nam, một số loại rắn độc có trong Sách đỏ như hổ mang chúa (nhóm 1B), rắn hổ trâu, rắn cạp nong, rắn lục đầu đen... Ở nước ngoài (một số nước như Thái Lan, Ấn Độ hay nhiều nước phương Tây), mỗi khi bắt được rắn, người ta thường thả chúng về môi trường tự nhiên ở xa khu dân cư.

Theo Ngọc Thiện (An Ninh Thế Giới Online)




https://antg.cand.com.vn/Phong-su/vi-sao-van-chet-vi-ran-doc--i660656/