Xã hội

Vì sao 'nhân tài' rời khu vực nhà nước ?

Đà Nẵng được xem là một trong những địa phương sớm có chính sách đãi ngộ và thu hút, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Vì sao 'nhân tài' rời khu vực nhà nước ?
Nhiều “nhân tài” tại Sở KH-ĐT TP.Đà Nẵng đã xin rút khỏi đề án 922 vì muốn tìm công việc mới

Thế nhưng, con số 93 “nhân tài” ở địa phương này xin rút khỏi khu vực nhà nước đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết.

Theo Trung tâm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao (gọi tắt là trung tâm) thuộc Sở Nội vụ TP.Đà Nẵng, trong số 93 “nhân tài” xin rút khỏi đề án Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của Đà Nẵng (đề án 922), có đến 40 người xin nghỉ việc, bao gồm 32 người bị khởi kiện đòi chi phí đào tạo “nhân tài” với chi phí có trường hợp lên đến hàng tỉ đồng... Nhưng câu chuyện của những “nhân tài” còn lại mới đáng quan tâm vào lúc này, bởi nó cho thấy có những khoảng cách giữa đào tạo, sử dụng và cả chính sách đãi ngộ.

Vì sao 'nhân tài' rời khu vực nhà nước ? - 1

Canh cánh môi trường làm việc

Tiết lộ với PV Thanh Niên hôm qua 23.5, T.T.H, học viên của đề án 922 đang công tác tại một ban của TP.Đà Nẵng, cho hay nhiều đồng môn của chị cũng đang có ý định... thôi việc, rút khỏi đề án. Nguyên do, khi bố trí công việc, các học viên được TP “hứa ưu tiên trong tuyển dụng vào biên chế”, nhưng hiện nay sau nhiều năm họ vẫn phải làm việc dạng hợp đồng. Trong khi theo quy định mới, các đơn vị hành chính phải chấm dứt hợp đồng và chuyển lao động thuộc diện này về đơn vị sự nghiệp.

Nhưng quan trọng hơn, T.T.H thổ lộ: “Chuyên môn của chúng tôi là quản lý hành chính, nhưng đưa về đơn vị sự nghiệp không phù hợp và không đúng với hợp đồng ký ban đầu là bố trí công việc theo nguyện vọng, chuyên ngành của học viên. Nên chúng tôi không thể đóng góp, do đó cũng không chắc chắn có suất vào biên chế”.

Đ.C.K, đang công tác tại một sở ở TP.Đà Nẵng, đánh giá đề án 922 thực sự mở ra nhiều cơ hội cho những học viên như anh, vì hiện nay việc cạnh tranh các suất học bổng rất khó khăn. K. nhìn nhận từ khi ra trường, được bố trí công việc ổn định, môi trường tốt, cán bộ lãnh đạo cũng từng học và làm việc ở nước ngoài nên rất tâm lý..., những yếu tố đó khiến anh “rất hài lòng”. “Một số bạn cùng khóa học chưa hài lòng là do mức lương, nhưng theo tôi đó là vấn đề chung của cán bộ công chức chứ không chỉ riêng học viên 922. Tuy nhiên, khi chấp nhận mức lương thấp mà không được bảo đảm biên chế sẽ khiến nhiều người dao động. Ngay cơ quan mình có gần 10 anh chị thuộc diện tương tự nhưng cũng chưa vào được biên chế. Đây còn là yếu tố giữ học viên lâu dài và ảnh hưởng con đường thăng tiến”, K. nói.

Tháng 10.2016, tại hội thảo đánh giá hiệu quả chương trình thu hút và đào tạo nhân tài do UBND TP.Đà Nẵng tổ chức, nguy cơ “nhân tài” bỏ việc đã được cảnh báo khi 12,5% học viên đề án 922 cho biết sẽ không tiếp tục làm việc. Họ đưa ra hàng loạt lý do như: môi trường chưa tốt, mức lương chưa đảm bảo, không có cơ hội thăng tiến... Có “nhân tài” chỉ chờ đến hết hợp đồng là “nhảy việc” để tìm kiếm cơ hội mới với mức lương cao hơn.

“Người ta xin đi là đúng rồi”

Môi trường làm việc không chỉ là nỗi bức xúc của “nhân tài”, mà ngay lãnh đạo TP.Đà Nẵng cũng từng lên tiếng. Mới đây, tại cuộc làm việc với Sở KH-ĐT hồi đầu tháng 5, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa đã phê bình tập thể Sở, trong đó có lý do “lúng túng trong bổ nhiệm chức danh lãnh đạo” và để tới 17 “nhân tài” theo đề án 922 xin nghỉ việc. Qua phân tích, ông Nghĩa cho rằng, “Nếu môi trường Sở KH-ĐT tốt, thì có thể nói 17 nhân sự tuyển theo đề án 922 sẽ rất tốt. Nhưng với khung cảnh thế này thì người ta xin đi là đúng rồi. Các đồng chí có trách nhiệm một phần nhưng cũng cần rút kinh nghiệm từ Thường trực đến Thường vụ Thành ủy”, ông Nghĩa nói.

Ông Bùi Văn Tiếng, nguyên Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng, một trong những người tham gia xây dựng đề án 922, cho rằng ngay từ khi xây dựng đề án này đã lường một số rủi ro như học viên học xong không về, không chịu làm nhà nước như cam kết, làm trong khu vực công nhưng không thể hiện được chất lượng cao... và hiện các khuyết điểm này càng bộc lộ rõ hơn. “Từ 20 năm trước, Đà Nẵng còn nghèo, ngân sách phải thắt lưng buộc bụng để nuôi các học viên ăn học thành tài trở về phục vụ TP. Để xảy ra thất thoát chất xám khu vực công, khởi kiện học viên dù hợp pháp lý và đạo lý đến mấy thì cũng là nỗi buồn, nỗi đau của chính quyền và người dân Đà Nẵng”, ông Tiếng nhận xét và hy vọng trường hợp các “nhân tài” rời khu vực công và cống hiến cho khu vực tư thì Đà Nẵng vẫn được tiếng là cái nôi nuôi dưỡng nhân tài.

Trước thực tế “nhân tài” rời khu vực nhà nước, bà Dương Thúy Hằng, Giám đốc Trung tâm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao TP.Đà Nẵng, cho biết Sở Nội vụ vừa trình UBND TP quy định thực hiện chính sách phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ở khu vực công. Trong đó, đề xuất đối với sinh viên được TP.Đà Nẵng cử đi học ở nước ngoài theo đề án 922, khi trở về lại không làm hoặc nghỉ việc giữa chừng, thì sẽ bị xử lý vì vi phạm hợp đồng, buộc hoàn trả kinh phí đào tạo và nộp phạt. Mức phạt tối thiểu là 10% giá trị hợp đồng. Bên cạnh đề xuất phạt, trung tâm sẽ có những chính sách kiểm soát không để “nhân tài” vi phạm hợp đồng và yên tâm công tác, như: tham mưu xây dựng cơ chế ưu tiên “nhân tài” xem xét cử xét tuyển và thi tuyển vào biên chế, xem xét cho thuê chung cư của TP... Trung tâm sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan sử dụng lao động và các cơ quan có liên quan xây dựng và hoàn thiện môi trường, điều kiện làm việc để phát huy tối đa năng lực của các học viên; phân luồng đào tạo, bồi dưỡng, bố trí và sử dụng cán bộ để phát triển thành những chuyên gia, cán bộ đầu ngành trong tương lai...

Năm 1998, TP.Đà Nẵng bắt đầu có những chính sách đãi ngộ với những người tự nguyện đến TP làm việc lâu dài nhằm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Đến năm 2004, TP bắt đầu cấp học bổng ngay từ bậc ĐH cho học sinh, trong đó, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn được giao chọn lựa, tìm kiếm học sinh xuất sắc. Tính đến tháng 4.2018, thực hiện đề án 922 (thống nhất từ đề án 47 và đề án 393 đào tạo 100 thạc sĩ, tiến sĩ tại các cơ sở nước ngoài), đã có 655 lượt học viên được cử đi học, trong đó 486 lượt học viên đã về nhận công tác. Có 7 nhóm ngành được cử đi đào tạo, gồm: y tế, kỹ thuật - công nghệ, quản lý hành chính, kinh tế, xây dựng - quản lý đô thị, sư phạm, luật.

Hoàng Sơn

Bỏ việc vì lương không đủ nuôi vợ con

Liên quan đến vụ 3 cán bộ tham gia đề án tuyển chọn, đào tạo nguồn cán bộ chủ chốt cấp xã, phường (đề án 500) ở Quảng Nam xin nghỉ việc, theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, có 1 trường hợp nghỉ do lương cán bộ xã không đủ nuôi vợ con, nên ra ngoài tìm việc. Còn theo đơn, ông Bùi Ngân Tùng Sơn (Phó chủ tịch UBND xã Tam Thành) xin chuyển sang kinh doanh; ông Nguyễn Văn Điển (cán bộ Văn phòng thống kê xã Tam Thái) nêu lý do có vợ xa, đi lại khó khăn; bà Nguyễn Thị Viễn (cán bộ Văn phòng thống kê xã Tam Đàn, cùng H.Phú Ninh) xin nghỉ nhưng chưa rõ lý do.

Mạnh Cường

Theo Hoàng Sơn (Thanh Niên Online)