Xã hội

Vì sao hơn 400 cột điện tại Thừa Thiên Huế gãy đổ dù bão không lớn?

Lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa chỉ đạo đơn vị trực thuộc tạm dừng sử dụng cột điện ly tâm dự ứng lực tại vùng có bão như Huế để nghiên cứu, đánh giá lại, sau khi có hơn 400 cột điện tại tỉnh này đồng loạt gãy, đổ do bão số 5 - cơn bão có sức gió dưới cấp 10.

Theo thống kê từ Cty Điện lực TT-Huế, bão số 5 làm 408 cột điện các loại bị gãy đổ, ảnh hưởng hơn 280.000 khách hàng và 2.050 trạm biến áp... Sau nhiều ngày tập trung toàn lực khắc phục, đến 21/9, toàn tỉnh TT-Huế đã cấp điện trở lại cho hơn 85% khách hàng.

Trong cơn bão số 5, điều khiến dư luận, người dân quan tâm, là rất nhiều cột điện bị gãy, đổ. Cột khi bị đứt lộ ra thép nhỏ, bị cắt đứt ngọt chứ không oằn, uốn cong, lộ lõi thép cỡ phi 16 - 18 như cột điện truyền thống. Số cột điện bị hư hỏng cũng được cho là nhiều chưa từng thấy sau một trận thiên tai tại TT-Huế, trong vòng 10 năm lại đây.

Vì sao hơn 400 cột điện tại Thừa Thiên Huế gãy đổ dù bão không lớn?
Cột điện bị gãy, đổ do bão cấp 8 tại TT-Huế

Trả lời trên báo Dân Trí, ông Hà Thanh Long, Giám đốc Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế cho biết, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã có một bộ quy chuẩn về thiết kế cột điện tại các vùng.

Cụ thể là ở Huế, những cột bị gãy ngang trong bão là loại cột dự ứng lực được dùng từ năm 2016 song song với cột ly tâm dùng trước đó. Loại cột này sau khi sản xuất xong thì được kiểm nghiệm gắt gao, đóng nhãn mác rồi đưa ra thị trường.

Loại cột dự ứng lực này nôm na là “cột giòn”, khác với loại “cột dẻo” là cột ly tâm truyền thống được sản xuất trước 2016 với giá thành cao hơn, sắt dày hơn.

Đặc điểm của cột dự ứng lực là giá thành rẻ hơn, thân cột có sắt đan tròn thành dạng lưới kéo dài từ dưới lên trên cột, chịu lực được 2 tấn. Các cột này đã được thử nghiệm với cấp độ gió hơn cấp 12, nếu vượt quá ứng lực thì cột sẽ tự động đứt ngang và gãy.

Vì sao hơn 400 cột điện tại Thừa Thiên Huế gãy đổ dù bão không lớn? - 1
Ông Hà Thanh Long, Giám đốc Công ty Điện lực Thừa Thiên - Huế. Ảnh: Đoàn Nguyên.

Trả lời câu hỏi của Zing về việc nhiều người dân vẫn nghi ngờ cột điện bị gãy là do không đảm bảo chất lượng, ông Hà Thanh Long khẳng định, trước khi đưa cột điện dự ứng lực vào sử dụng đại trà, Hội đồng nghiệm thu Nhà nước đã nghiên cứu, đánh giá chất lượng đảm bảo. Việc chọn nhà sản xuất cũng được thực hiện qua việc đấu thầu công khai. Quá trình lắp đặt cũng đúng theo thiết kế đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Tuy nhiên, cũng theo vị lãnh đạo này, bão số 5 có gió mạnh cấp 7-8 làm gãy cột điện là không thể chấp nhận được. "Người dân nghi ngờ về chất lượng cũng có lý của họ. Chúng ta cần phải có sự đánh giá lại của hội đồng khoa học thì mới chính xác. Công ty điện lực cũng chỉ là đơn vị sử dụng chứ không sản xuất cột điện".

Liên quan đến vụ việc, lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã yêu cầu các đơn vị trực thuộc nghiên cứu, đánh giá lại việc sử dụng cột điện ly tâm dự ứng lực. Trước mắt, ngành điện lực sẽ dừng sử dụng loại cột này để các nhà khoa học đánh giá lại xem việc sử dụng nó có phù hợp ở khu vực thường xuyên có bão như các tỉnh miền Trung.

Biên Thùy (Nguoiduatin.vn)