Xã hội

Vén màn những tin đồn huyền bí về Công viên Lê Thị Riêng: 'Hồn ma bán bánh giò' và bức tượng màu đen giữa nghĩa trang

Ít ai biết, ngay giữa Sài Gòn - thành phố hiện đại bậc nhất Việt Nam vẫn tồn tại những công trình ẩn chứa nhiều huyền tích, câu chuyện xưa cũ và được đồn đại với đủ những điều ma mị rợn tóc gáy.

Cách đây một vài tháng, sự việc Thuận Kiều Plaza được trưng dụng trở thành Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị bệnh nhân Covid-19 khiến nhiều người không khỏi xôn xao. Bởi đây là lần sau gần 30 năm nơi đây mới gần như một lần nữa khôi phục hoạt động bởi một phần lý do những tin đồn bí ẩn xung quanh địa điểm này.

Thế nhưng những ngày tháng vừa qua, khi TP gần như "đóng băng", những con đường, công viên vốn từng rất sầm uất, tấp nập người qua lại thì nay lại "yên tĩnh" đến lặng người. Sự vắng lặng của TP trong những ngày toàn dân ở nhà chống dịch và sự hồi sinh dần dần khi những con phố, cung đường... dần tấp nập trở lại khiến nhiều người không khỏi nhớ đến giữa lòng TP cũng từng có một nơi như thế.

Nơi đây cũng từng như Thuận Kiều Plaza, từng là một trong những địa điểm bí ẩn nhất Sài Gòn với những tin đồn, câu chuyện hết sức rùng rợn. Nhưng khác với Thuận Kiều, nơi đây sau đó dần trở thành khu vực sầm uất, tấp nập người qua lại dù vẫn mang trong mình những đồn đoán với đủ các câu chuyện ma mị rợn tóc gáy. Đó chính là công viên Lê Thị Riêng.

Công viên "nghĩa trang" giữa lòng thành phố

Tọa lạc bên cạnh đường Cách Mạng Tháng 8, TP.HCM, công viên Lê Thị Riêng là một trong những địa điểm vui chơi tấp nập nhất dành cho giới trẻ Sài Gòn hiện nay.

Với khuôn viên rộng 25 hec ta, bao trùm bởi hàng trăm cây cổ thụ rợp bóng mát, bên trong là hồ câu cá dành cho người lớn, khu vui chơi dành cho thiếu nhi, công viên Lê Thị Riêng (phường 15, quận 10) là địa điểm vui chơi, giải trí quen thuộc và không thể thiếu của người dân TP.HCM trong nhiều năm qua.

Thế nhưng nơi đây cũng khiến nhiều người “lạnh sống lưng” mỗi khi nhắc đến. Những tin đồn ma quái ở khu vực này đã được nhiều người dân truyền miệng ngày càng nhiều. Nơi đây lại càng kỳ bí hơn khi không phải tất cả các góc của công viên đều hào nhoáng và sáng đèn.

Vén màn những tin đồn huyền bí về Công viên Lê Thị Riêng: 'Hồn ma bán bánh giò' và bức tượng màu đen giữa nghĩa trang
Công viên Lê Thị Riêng (quận 10) cũng từng là nghĩa địa lớn của Sài Gòn. Trước năm 1975, nơi này là nghĩa trang Đô Thành. Công viên được giới hạn bởi đường Cách Mạng Tháng 8, Bắc Hải, Trường Sơn.

Khuất phía sau công viên là khu vực hồ câu và vườn bạch đàn khá vắng vẻ, âm u. Điều này lại càng làm cho những tin đồn “ma ám” vẫn khiến người dân có phần e dè với khu công viên rộng lớn này. Cùng với đó là việc từ trước đến nay, nơi đây đã có không ít vụ việc nhìn thấy xác chết trôi trong hồ câu cá tại trong khuôn viên lại càng khiến cho công viên càng thâm u rùng rợn.

Vào tháng 2/2013, những người đi tập thể dục sớm đã nhìn thấy một xác chết nổi trên hồ câu cá. Nạn nhân là một người phụ nữ 40 tuổi, không hề có giấy tờ tùy thân. Từ đó, tin đồn về những hồn ma không thể siêu sinh ngày ngày vất vưởng, lẩn khuất ở công viên ngày càng nhiều hơn.

Thế nhưng tất cả những điều đó đều chỉ là đồn đoán. Cuộc sống sầm uất, tấp nập vẫn diễn ra thường ngày tại nơi đây từ sáng sớm đến đêm muộn. Thế nhưng lại không mấy ai biết được lịch sử của vùng đất này và đây mới chính là điều khiến nơi đây trở nên đầy bí hiểm.

Có lẽ ít ai biết rằng, công viên này xưa kia chính là nghĩa trang Đô Thành, sau đổi tên thành nghĩa trang Chí Hòa - nơi an giấc ngàn thu của hàng nghìn quan binh trong thời chiến.

Vào năm 1983, nghĩa địa Đô Thành (sau đổi thành nghĩa trang Chí Hòa) được giải tỏa để xây dựng thành công viên Lê Thị Riêng như ngày nay.

Đến mãi năm 1986, nghĩa trang Chí Hòa mới được quy hoạch thành công viên Lê Thị Riêng như bây giờ. Thế nhưng dù thay tên đổi họ, những điều bí ẩn, linh thiêng ở vùng đất này thì vẫn mãi còn.

Vùng đất của những câu chuyện rợn người

Theo các cao niên cư trú tại đây nhiều năm, xưa kia, nghĩa trang Đô Thành vốn là vùng đất linh thiêng bậc nhất. Đặc biệt là trong thời kỳ chiến tranh, hàng loạt nấm mồ không tên mọc lên tại đây, mà đa phần là của lính chết trận không người thân nhận xác.

"Hồi đó, vì số lượng xác quá lớn, nên dù đào sâu cỡ nào mùi hôi thối vẫn bốc lên nồng nặc mấy ngày liền. Không thể chịu nổi, gia đình tôi cùng những nhà dân gần đây phải khóa kín cửa nhà, để tránh mùi tử khí ộc vào. Cũng từ đó, những câu chuyện huyền bí về oan hồn lính chết trận, bị chôn tập thể không thể siêu sinh, thường xuyên hiện về lởn vởn khóc than bắt đầu được dân vùng này truyền tụng", người đàn sông sống 69 năm gắn bó với công viên Lê Thị Riềng kể lại.

“Nhà tôi ngay đường Bắc Hải, tính đến nay cũng đã 69 năm cuộc đời gắn bó với nơi này rồi. Còn những chuyện ma quái thì tránh đâu được. Nghĩa địa mà không có ma mới là chuyện lạ. Với lại, trước kia nghĩa trang Đô Thành còn có cái hố chôn tập thể lớn nhất nhì thành phố”, một người dân sống xung quanh công viên kể lại.

Vì thế, dân vùng này vẫn hay truyền miệng những câu chuyện huyền bí về những âm hồn lính chết trận, bị chôn tập thể nên chẳng siêu sinh, thường xuyên hiện về lởn vởn khóc than.

Dù hố đào rất sâu, nhưng do vận chuyển một số lượng xác khá lớn, nên mùi hôi thối vẫn bốc lên cả mấy ngày liền. Người dân xứ Bắc Hải thuở ấy phải khóa kín cửa nhà, hoặc lánh đi đâu đó chờ mùi tử khí tan bớt đi mới dám trở về.

Chính vì thế, nên dân vùng này vẫn hay truyền miệng những câu chuyện huyền bí về những âm hồn lính chết trận, bị chôn tập thể nên chẳng siêu sinh, thường xuyên hiện về lởn vởn khóc than.

Nhưng theo thời gian, nghĩa trang Đô Thành năm xưa, nơi từng được cho là hố chôn tập thể giữa lòng thành phố nay đã trở thành một công viên cây xanh mướt mắt, người đến vui chơi giải trí, tập thể dục thể thao tấp nập từ sáng đến đêm.

Đêm đến nơi đây lại càng náo nhiệt như một hội chợ xuân rực rỡ ánh đèn, tưng bừng tiếng nhạc, không hề còn dấu tích của một nghĩa trang thâm u rùng rợn, ngày nào.

Các vụ tự tử kéo theo lời đồn ma ám

Với sự phát triển của thành phố, năm 1980, nhằm đáp ứng nhu cầu, UBND TP.HCM lên phương án xây dựng các công viên từ các khu đất trống của TP. Hai nghĩa trang Đô Thành và Mạc Đĩnh Chi lần lượt được đưa vào danh sách cải tạo. Một vài năm sau, 2 công viên bước vào giai đoạn giải tỏa. Năm 1986, công tác giải tỏa nghĩa trang Đô Thành cơ bản hoàn thành.

Dần dần theo thời gian, cùng với sự phát triển của TP, công viên cũng phát triển và ngày càng sầm uất, năng động như ngày nay. Thế nhưng có một điều ở nơi đây vẫn không thay đổi, thậm chí ngày càng tăng lên theo thời gian đó chính là những tin đồn "ma quái" xuất hiện quanh công viên này.

Từ lâu, những tin đồn “ma ám” vẫn khiến người dân có phần e dè với khu công viên rộng 8ha này. Bên cạnh đó, từ trước đến nay đã có không ít vụ việc nhìn thấy xác chết trôi trong hồ câu cá tại công viên lại càng làm tin đồn về những hồn ma không thể siêu sinh ngày ngày vất vưởng, lẩn khuất ở đây ngày càng nhiều hơn.

"Họ cứ đứng đó chờ có người tới mua, sau đó dẫn người ta vào ngủ qua đêm trên khu đất hồi xưa chôn người tập thể. Không phải chỉ mình tôi nói đâu, ai ở gần đây mà chẳng biết mấy chuyện đó. Có bà Tám hồi trước cũng bán bánh tráng với tôi ở đây từng bị ma dụ mua bánh giò, rồi vô ngủ thâu đêm trong công viên đó", một người bán bánh tráng trộn lâu năm trước công viên kể lại trong sự thần bí...

Theo những người đã sống hàng chục năm nơi đây kể lại, nổi tiếng nhất vẫn là chuyện ban đêm, oan hồn hiện hình thành những người bưng thúng bánh chưng, bánh giò đứng trên đường Trường Sơn.

Hay như câu chuyện về bức tượng Địa tạng vương màu đen kỳ lạ giữa nghĩa trang rộng lớn cùng với những điều huyền bí xung quanh không lời giải đáp.

Năm 1971 sau 40 ngày rồng rã thực hiện, bức tượng hoàn thành. Ngày dựng tượng, khi xe cẩu đưa tượng lên đế, tượng đã tự xoay về hướng Đông rồi đứng vững luôn mà không cần thêm một sự trợ giúp nào. Những năm sau đó, bức tượng vững vàng đứng giữa nghĩa trang Đô Thành và được đồn đại là rất linh thiêng.

Cho đến năm 1980, đứng trước sự phát triển của thành phố, UBND TP.HCM nghĩ đến việc giải tỏa các nghĩa trang để xây dựng công viên. Hai nghĩa trang được nhắm đến là Đô Thành và Mạc Đĩnh Chi lần lượt bước vào giai đoạn giải tỏa.

Năm 1986, công tác giải tỏa nghĩa trang Đô Thành cơ bản hoàn thành. Chỉ còn lại tượng Địa Tạng chưa được di dời. Dư luận tiếp tục đồn thổi. Nào là đơn vị thi công cho 6 xe đến ủi để sập tượng nhưng cả 6 xe khi đến gần thì tắt máy. Nổ máy để lui thì được nhưng tiến lên để ủi thì không thể.

“Nghe nói, mới đầu người ta mang đục đến đục bức tượng mang đi, nhưng không hiểu sao đục hoài vẫn không bể được chân đứng. Về sau, có người bảo dùng xe ủi để ủi bể bức tượng. Người ta đồn, sau khi đưa ra ý kiến đó thì ông này bị bệnh luôn. Bởi vậy không ai dám đụng đến bức tượng Địa Tạng Vương đen nữa”, cụ ông ngụ đường Phạm Văn Hai, quận 10, TP.HCM kể lại.

Lúc ấy, các Phật tử phải lập đàn cầu cúng suốt 3 ngày, hương đăng đỏ cả góc trời, tiếng tụng niệm vang vọng, thì pho tượng Địa Tạng mới di chuyển được. Sau này, bức tượng Địa Tạng Vương màu đen được đem về thờ tại chùa Quan Âm tu viện ở Biên Hòa, Đồng Nai cho đến hiện nay.

Tuy nhiên, cũng có người không tin vào chuyện ma quỷ tại công viên Lê Thị Riêng. Họ cho rằng tất cả chỉ là việc thêu dệt do thần hồn nát thần tính, hoặc do kẻ nào đó bày ra nhằm mục đích dọa nạt người khác.

Hơn nữa, trái với lời đồn đại, càng đến đêm công viên Lê Thị Riêng lại càng nhộn nhịp đông đúc hơn. Vườn cây bạch đàn bị đồn có ma đã trở thành khu vui chơi thiếu nhi, cửa hàng ăn uống, lúc nào cũng rộn rã tiếng trẻ thơ. Đêm xuống, nhiều khu vực trong công viên như một hội chợ xuân rực rỡ ánh đèn, tưng bừng tiếng nhạc, không hề còn dấu tích của một nghĩa trang thâm u rùng rợn, ngày nào.

Vậy, sự thật đằng sau những lời đồn ma quái xung quanh công viên này là gì, mời độc giả đón đọc tại kỳ 2.

Theo PV (Pháp Luật & Bạn Đọc)




https://phapluat.suckhoedoisong.vn/ven-man-nhung-tin-don-huyen-bi-ve-cong-vien-le-thi-rieng-ky-1-hon-ma-ban-banh-gio-va-buc-tuong-mau-den-giua-nghia-trang-162211610215126068.htm