Xã hội

Vành đai 3 Hà Nội đi giữa hàng loạt cao ốc

Video: Hà Nội dự kiến chi 80 tỷ đồng xén thảm cỏ đường Vành đai 3

Đường vành đai 3, một trong những tuyến giao thông đường bộ quan trọng bậc nhất của Hà Nội, đang đứng trước nguy cơ bị bao vây bởi các tòa cao ốc và tình trạng ách tắc giao thông.

Vành đai 3 Hà Nội đi giữa hàng loạt cao ốc
Hàng loạt tòa cao ốc được xây dựng dọc hai bên đường vành đai 3 - Ảnh: NAM TRẦN

Ùn tắc giao thông sẽ gia tăng

Theo đồ án thiết kế đô thị hai bên đường vành đai 3, đoạn Khuất Duy Tiến - Nguyễn Xiển vừa được UBND TP Hà Nội công bố, tổng diện tích đất của đồ án quy hoạch khoảng 61,68 ha, bao gồm đất giao thông đô thị chiếm 40,21 ha, đất giao thông khu vực 0,81ha, đất công cộng thành phố 3,6 ha, nhà ở chung cư 3,47 ha, nhà liền kề 6,33 ha...

Đồ án xác định sẽ xây các tòa nhà cao hàng chục tầng tại các nút giao, trong đó có những công trình sẽ cao tới 50 tầng.

Trên thực tế, khi đồ án chưa được công bố, tuyến đường này đã có dấu hiệu quá tải, cả đường trên cao và dưới đất khi thường xuyên xảy ra ùn ứ, tắc đường trong giờ cao điểm. 

Do đó, việc hàng loạt dự án cao ốc tiếp tục được xây dựng dọc tuyến đường vành đai 3 sẽ khiến tuyến đường này càng trở nên quá tải, tình trạng ùn tắc ngày càng nghiêm trọng hơn.

Vành đai 3 Hà Nội đi giữa hàng loạt cao ốc - 1
Đường trên cao vành đai 3 thường xuyên ùn tắc - Ảnh: NAM TRẦN

Hiện tại, dọc tuyến đường vành đai 3 có nhiều cao ốc lớn đã đưa vào sử dụng trong những năm gần đây như dự án Thăng Long number 1 (40 tầng), Ecogreen City (35 tầng), khu đô thị Kim Văn - Kim Lũ gồm 5 tòa chung cư cao từ (36-45 tầng), khu chung cư Vinaconex 1 (22-27 tầng)…

Bên cạnh đó, hàng loạt dự án cao tầng mới cũng đang được triển khai xây dựng dọc tuyến.

Dự án bất động sản có quy mô lớn nhất đang xây dựng nằm dọc đường Nguyễn Xiển là The Manor Central Park. The Manor Central Park được thiết kế với hơn 1.000 căn thấp tầng và hơn 7.000 căn hộ cao cấp.

Vành đai 3 Hà Nội đi giữa hàng loạt cao ốc - 2
Tình trạng ách tắc giao thông cũng không tránh khỏi ở đường bên dưới đường vành đai 3 - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Ông Nguyễn Duy Nam, người dân sống tại nhà số 45 Nguyễn Xiển, cho biết tuyến đường vành đai 3 thường xuyên tắc đường vào đầu giờ sáng, và tan tầm cuối mỗi buổi chiều. Xe cộ phải leo lên vỉa hè để di chuyển khi tắc đường.

Để giải quyết tình trạng ùn tắc trên tuyến đường vành đai 3, đoạn Khuất Duy Tiến - Nguyễn Xiển, mới đây thành phố Hà Nội đã duyệt chủ trương chi khoảng 80 tỉ đồng để xén dải phân cách giữa đoạn đường từ Phạm Hùng - Khuất Duy Tiến - Nguyễn Xiển (nối Mai Dịch - Linh Đàm) nhằm giảm ùn tắc.

Đừng biến đường vành đai thành đường đô thị

TS. Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, cho rằng việc phát triển các khu dân cư dọc các tuyến đường lớn là một hình thức quy hoạch phát triển dựa trên vận tải công cộng.

Phát triển đô thị theo hướng vận tải công cộng là xu hướng hiện đại, ý tưởng của Hà Nội tăng thêm các nhà cao tầng hiện đại dọc tuyến Khuất Duy Tiến - Nguyễn Xiển, nhất là ở các giao tuyến không mới.

Nhưng quy hoạch phát triển đô thị, nhà cao tầng như vậy phải dựa trên sự phát triển của giao thông công cộng. Muốn quy hoạch các tòa cao tốc trên tuyến thì phải phát triển mạnh giao thông công cộng đi trước một bước, và cũng cần bảo đảm sự kết nối mạng lưới giao thông công cộng.

Vành đai 3 Hà Nội đi giữa hàng loạt cao ốc - 3
Rất nhiều chung cư cao tầng dọc bên đường vành đai 3 nhưng lại không có nhiều loại hình giao thông công cộng - Ảnh: NAM TRẦN

Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam phản đối việc bổ sung các dự án nhà cao tầng nằm sát dự án đường giao thông vành đai như đường Khuất Duy Tiến - Nguyễn Xiển.

Ông Thanh cho rằng mật độ phương tiện trên tuyến vành đai 3 Hà Nội rất cao, cần lưu ý điều này trước khi cấp phép các dự án cao tầng.

Theo ông Thanh, kinh nghiệm nhiều nước đưa các dự án cao tầng ra xa khu vực đường vành đai.

"Điểm nhấn" mới cao 50 tầng

Đó là lý giải của ông Lê Vinh, giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội.

Theo ông Vinh, dọc tuyến đường lập đồ án dài 4,2km chỉ có 4 điểm là nút giao được phép xây dựng một công trình "điểm nhấn".

Mỗi nút giao chỉ có một công trình điểm nhấn là được phép cao 50 tầng để tạo ra cảnh quan, kiến trúc, còn các công trình xung quanh đó buộc phải thấp hơn. Ngoài ra, đoạn giữa tính từ nút giao này đến nút giao khác sẽ được khống chế chiều cao theo quy hoạch

Ông Lê Vinh

Lý giải về việc cho phép xây hàng loạt công trình còn lại tại các khu vực nút giao cao từ 25-45 tầng, ông Vinh cho hay đây là bài toán có chủ đích của các cơ quan chuyên môn.

"Đây là tuyến đường nằm trong khu vực đang phát triển của thành phố chứ không phải nằm trong khu vực nội đô hạn chế chiều cao. Việc cho phép xây nhiều nhà cao tầng tại nút giao là nhằm khai thác và phát huy tối đa hiệu quả của hệ thống giao thông công cộng chạy qua các khu vực đó. Điều này các quốc gia phát triển vận dụng rất thành công", ông Vinh lý giải.

Vành đai 3 Hà Nội đi giữa hàng loạt cao ốc - 4
Không chỉ tại các nút giao, những "điểm nhấn" như thế này xuất hiện tại nhiều điểm dọc tuyến đường vành đai 3 - Ảnh: NAM TRẦN

Trả lời về việc đồ án có nguy cơ gây quá tải nghiêm trọng cho tuyến đường hiện hữu và tuyến đường vành đai 3 trên cao, ông Vinh nói: "Bài toán giao thông và nhà ở đều cấp thiết với người dân, bên cạnh nhu cầu về lưu thông thì người dân cũng có nhu cầu cấp thiết về nhà ở. Do đó, cơ quan chức năng tính toán để phát triển song hành hai mục tiêu này.

Cụ thể, hiện tuyến đường được xem là cửa ngõ nhưng tới đây sẽ biến thành tuyến đường vành đai nằm trong đô thị. Một tuyến vành đai khác là vành đai 3,5 hiện đang được gấp rút xây dựng, toàn bộ phương tiện xuyên tâm như xe khách, xe tải sẽ được chuyển từ đường vành đai 3 ra ngoài để giảm áp lực.

Giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội nói thêm việc xây dựng đồ án đều lấy ý kiến rộng rãi cộng đồng dân cư và xin ý kiến các bộ ngành liên quan trước khi trình thành phố phê duyệt thông qua. Tới đây đồ án sẽ tiếp tục được công bố rộng rãi cho người dân được biết để nắm rõ.

Theo Bảo Ngọc - Lâm Hoài (Tuổi Trẻ)