Xã hội

Tướng Nguyễn Hữu Cầu đề xuất cấm kinh doanh shisha, bóng cười, bào thai...

Theo Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu (đoàn Nghệ An) cho biết, việc kinh doanh shisha, bóng cười, bào thai đang diễn ra nhiều nơi và gây nên nhiều hệ lụy. Chính vì vậy, Thiếu tướng kiến nghị Luật Đầu tư sửa đổi lần này cần nghiêm cấm.

Trong phiên thảo luận về Luật Đầu tư (sửa đổi) sáng ngày 20/11, ĐBQH Nguyễn Hữu Cầu đã nêu lên thực trạng của hoạt động kinh doanh bóng cười, shisha, bào thai đang diễn ra nhiều nơi. Dù các hành động kinh doanh này diễn ra phức tạp, gây nên nhiều hệ lụy nhưng kết quả xử lý còn hạn chế, chưa được đưa vào doanh mục cấm kinh doanh hoặc kinh doanh có điều kiện.

Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu nhấn mạnh: "Hoạt động sản xuất, kinh doanh, sử dụng các "mặt hàng" trên gây hậu quả xã hội rất lớn, nhưng cơ quan chức năng vẫn rất lúng túng trong xử lý. Nguyên nhân là pháp luật hiện còn khoảng trống, thiếu chế tài xử phạt".

Theo Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu, sức khoẻ là vốn quý nhất của con người, nhà nước có trách nhiệm chăm lo, có biện pháp tăng cường sức khoẻ cho người dân, bởi vậy việc cấm đầu tư, kinh doanh shisa, bóng cười, bào thai là hết sức cấp bách và cần thiết, vừa bảo vệ sức khoẻ, tính mạng con người, vừa đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Tướng Nguyễn Hữu Cầu đề xuất cấm kinh doanh shisha, bóng cười, bào thai...
Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu - Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận.

Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu cũng cho biết, trước đây đã phản ánh trước Quốc hội về tình trạng một số đối tượng buôn người tổ chức cho phụ nữ người dân tộc miền núi đang mang thai từ tháng thứ 7, thứ 8 ra nước ngoài chờ sinh con, rồi bán con cho đối tượng nước sở tại. Đây là hành vi rất nguy hiểm cho xã hội, không chỉ xâm hại đến bào thai trẻ sơ sinh mà còn để lại hậu quả thương tâm cho người mẹ, gây tâm lý hoang mang, bức xúc trong quần chúng nhân dân.

Quá trình điều tra, các cơ quan bảo vệ pháp luật lại cho rằng, bào thai không phải là một bộ phận của cơ thể người mẹ, bào thai cũng chưa phải là trẻ em. Vì vậy không thể áp dụng điều 151 về tội mua bán người dưới 16 tuổi, Điều 154 về tội mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người theo Bộ luật hình sự năm 2015 để truy cứu trách nhiệm hình sự.

Ngày 5/11 cũng tại nghị trường Quốc hội đại biểu Hứa Thị Hà (đoàn Tuyên Quang), dẫn chứng số liệu Thư viện của Quốc hội cung cấp, trong 6 tháng đầu năm 2019, các lực lượng chức năng đã khởi tố 67 vụ, 112 bị can về tội mua bán người. Viện kiểm sát nhân dân các cấp đã truy tố 86 vụ với 152 bị can. Tòa án nhân dân các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 51 vụ, với 96 bị cáo và đã giải quyết, xét xử 31 vụ với 59 bị cáo.

Từ những số liệu trên cho thấy tình hình mua bán người vẫn diễn ra hết sức phức tạp, nhất là địa bàn miền núi khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó, vấn đề mua bán bào thai là một hành vi mới, hết sức nguy hiểm, chưa có trong tiền lệ nên việc điều tra, xét xử gặp nhiều khó khăn. Hành vi này cũng chưa được nhìn nhận, phân tích thấu đáo về phạm trù đạo đức và pháp lý. Khi tìm hiểu về vấn đề này, tôi không khỏi xót xa cho những người mẹ vì hạn chế trong nhận thức và trong hoàn cảnh khó khăn đã bị kẻ xấu lợi dụng rủ rê.

Lấy dẫn chứng cụ thể, vị đại biểu đoàn Tuyên Quang cho biết: "Đơn cử chỉ trong huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An, cơ quan công an đã phát hiện 25 trường hợp phụ nữ Khơ Mú mang thai vào những tháng cuối bị rủ rê, lôi kéo sang Trung Quốc bán bào thai, thậm chí có những người không chỉ thực hiện hành vi này một lần. Đau xót hơn, khi bào thai hay trẻ sơ sinh được coi là món hàng hóa để có thể mua và bán. Những đứa trẻ đã bị định đoạt số phận từ trong bụng mẹ, liệu có ai bảo đảm rằng những đứa trẻ này được các nhà hiếm muộn nuôi dưỡng hay lại chuyển đi đâu với mục đích gì?".

Theo Lê Bảo (Giadinh.net.vn)




http://giadinh.net.vn/xa-hoi/tuong-nguyen-huu-cau-de-xuat-cam-kinh-doanh-shisha-bong-cuoi-bao-thai-20191120115803188.htm