Xã hội

Từ vụ xe Mercedes gây tai nạn kinh hoàng tại Hà Nội: Cần ban hành luật cấm đi giày cao gót khi điều khiển ô tô?

Theo luật sư, sau vụ xe Mercedes GLC 250 và hàng loạt vụ tai nạn kinh hoàng liên quan đến giày cao gót đã xảy ra, việc ban hành luật cấm người điều khiển đi giày cao gót khi tham gia giao thông sẽ mang lại rất nhiều ý nghĩa tích cực, giảm thiểu tình trạng tai nạn giao thông.

Về nguyên nhân dẫn đến chiếc xe Mercedes GLC 250 gây tai nạn kinh hoàng ở cầu Hòa Mục (20/11), tại cơ quan công an, nữ tài xế Vũ Thị Hồng Thái (SN 1971, trú tại phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy) khai rằng, khi đi đến đoạn trên, bà định nhấn phanh khi thấy nhiều phương tiện dừng đèn đỏ phía trước nhưng do đi giày cao gót và mất bình tĩnh, nên đã đạp nhầm chân ga.

Ở một diễn biến khác, trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng văn phòng Luật sư Kết nối (Đoàn LS TP Hà Nội) cho rằng, vụ việc xe Mercedes GLC 250 vừa gây tai nạn đau lòng tại cầu Hòa Mục không phải là duy nhất, mà trước đó, hồi cuối năm 2018, cũng do đi giày cao gót, một nữ tài xế ở TP Hồ Chí Minh điều khiển xe BMW đã tông hàng loạt phương tiện giao thông khác, khiến 1 người tử vong, 5 người bị thương.

Từ vụ xe Mercedes gây tai nạn kinh hoàng tại Hà Nội: Cần ban hành luật cấm đi giày cao gót khi điều khiển ô tô?
Hiện trường vụ xe Mercedes gây tai nạn kinh hoàng tại cầu Hòa Mục, sáng ngày 20/11.

Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng cho biết, vụ việc đã xét xử, đối tượng gây tai nạn bị xử lý rất nặng, bị bắt giam nhưng có vẻ đó vẫn chưa phải là bài học cho bà Thái.

Theo luật sư, xét ở góc độ pháp luật, hành vi của bà Thái đủ căn cứ để khởi tố hình sự về tội Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ (theo Điều 260 BLHS).

Cụ thể, bà Thái đã không kiểm soát được phương tiện, không kiểm soát được tốc độ ở mức "an toàn" cho những người tham gia giao thông khác, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng làm 1 người chết, 1 người bị thương nặng, thiệt hại rất lớn về tài sản. Ở đây lỗi không thuộc về "chiếc giầy cao gót", mà thuộc về bà Thái (lỗi vô ý).

Từ vụ xe Mercedes gây tai nạn kinh hoàng tại Hà Nội: Cần ban hành luật cấm đi giày cao gót khi điều khiển ô tô? - 1
Hiện trường vụ nữ tài xế đi giày cao gót gây tai nạn kinh hoàng tại TP Hồ Chí Minh hồi tháng 10/2018. Ảnh: Sơn Hòa

Luật sư cho rằng: "Hãy đừng đổ lỗi cho chiếc giày cao gót mà hãy nhìn nhận ở góc độ chủ quan là do ý thức người tham gia giao thông". Bởi theo luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, khi tham gia giao thông, người điều khiển phương tiện cần phải có sự chuẩn bị, chủ động với mọi tình huống có thể xảy ra. Do đó việc đi giày cao gót trong khi lái xe tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ gây mất an toàn giao thông, cảm nhận lực không tố, quai giày vướng vào chân ga, chân phanh đè nặng tâm lý người điều khiển, gây ra tình trạng không kịp xoay sở trong các tình huống khẩn cấp, luống cuống trong cách xử lý và có thể dẫn đến vi phạm giao thông".

Từ vụ xe Mercedes gây tai nạn kinh hoàng tại Hà Nội: Cần ban hành luật cấm đi giày cao gót khi điều khiển ô tô? - 2
Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng văn phòng Luật sư Kết nối (Đoàn Luật sư TP Hà Nội).

Cũng theo luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, ở nhiều nước trên thế giới, giày cao gót không bị cấm nhưng được khuyến cáo không nên sử dụng khi điều khiển các loại phương tiện khi tham gia giao thông.

Đơn cử như ở Pháp đã ban hành quy định cấm nữ giới đi giày cao gót khi điều khiển phương tiện giao thông.

Ở Anh và Australia có quy định về trang phục tham gia giao thông và giày cao gót được coi là không phù hợp, có thể bị phạt tiền theo quy định. 

Ở Thụy Sĩ cũng đã có dự luật cấm người điều khiển phương tiện đi giày cao gót.

Từ vụ xe Mercedes gây tai nạn kinh hoàng tại Hà Nội: Cần ban hành luật cấm đi giày cao gót khi điều khiển ô tô? - 3
Nữ nạn nhân xấu số tử vong sau khi bị xe Mercedes GLC 250 kéo lê tại cầu Hòa Mục (Cầu Giấy) sáng ngày 20/11.

Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng cho hay: "Xuất phát từ thực tế đó, để đảm bảo an toàn giao thông cho người khác, cần có một khuyến cáo chị em phụ nữ không nên đi giày cao gót khi điều khiển xe ô tô. Đồng thời, việc ban hành luật cấm người điều khiển đi giày cao gót khi tham gia giao thông có thể mang lại rất nhiều ý nghĩa tích cực, giảm thiểu tình trạng tai nạn giao thông.

Tuy nhiên, việc ban hành luật là một vấn đề rất quan trọng, các nhà làm luật phải cẩn trọng khi ban hành về quy định, chế tài. Bởi lẽ, hiện nay số lượng phụ nữ đi giày cao gót là rất lớn,  trong khi không phải ai cũng mang theo một đôi giày cao gót và một đôi giày bệt để tham gia giao thông, vì thế có thể gây ra nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận".

Tối ngày 21/11, Cơ quan CSĐT Công an quận Cầu Giấy đã ra quyết định tạm giữ hình sự đối với bà Vũ Thị Hồng Thái ngay sau đó, để xử lý về hành vi Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ, theo Điều 260 BLHS.

Theo Bảo Loan (Giadinh.net.vn)




http://giadinh.net.vn/xa-hoi/tu-vu-xe-mercedes-gay-tai-nan-kinh-hoang-tai-ha-noi-can-ban-hanh-luat-cam-di-giay-cao-got-khi-dieu-khien-o-to-20191122161242797.htm