Xã hội

Từ vụ xe biển xanh vào sát máy bay đón Phó Bí thư Phú Yên: Phương tiện nào được phép hoạt động trong sân bay?

Theo quy định hiện hành, các cá nhân, phương tiện phục vụ muốn vào khu vực hạn chế tại sân bay phải được cơ quan cảng vụ cấp thẻ ra vào sân bay đón, tiễn.

Ngày 6/7, tại khu vực vị trí đỗ tàu bay số 24A, đoạn tiếp giáp với đường công vụ R1 và R9 – Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài xảy ra vụ va chạm giữa 1 xe bán tải với 1 nữ nhân viên Đội môi trường khiến nữ nhân viên tử vong.

Và mới đây, dư luận lại dậy sóng về việc ô tô biển xanh vào tận cầu thang máy bay (khu vực hạn chế) để đón người tại sân bay Phú Yên. Vậy những xe nào được hoạt động trong sân bay theo quy định hiện hành?

Trao đổi với PV, một cán bộ từng công tác tại đơn vị quản lý Cảng hàng không tại miền Bắc cho hay, chế độ đưa đón lãnh đạo tại các sân bay được quy định rất chặt chẽ.

Theo vị này, quy định hiện hành nêu rõ, các cá nhân, phương tiện phục vụ muốn vào khu vực hạn chế tại sân bay phải được cơ quan cảng vụ cấp thẻ ra vào sân bay đón, tiễn; người được đón, tiễn sẽ không phải di chuyển trong nhà ga như các hành khách thông thường khác mà có thể ra tận sân đỗ máy bay.

Vị này cũng thông tin, trong Thông tư số 13/2019/TT-BGTVT ngày 29/3/2019 của Bộ Giao thông vận tải đã quy định rõ nội dung này.

Cụ thể, Thông tư 13/2019 của Bộ Giao thông vận tải Quy định chi tiết Chương trình an ninh hàng không và kiểm soát chất lượng an ninh hàng không Việt Nam.

Từ vụ xe biển xanh vào sát máy bay đón Phó Bí thư Phú Yên: Phương tiện nào được phép hoạt động trong sân bay?
Hình ảnh chiếc xe biển xanh ở Phú Yên vào tận sát máy bay đón người

Theo đó, giấy phép kiểm soát an ninh cảng hàng không, sân bay có giá trị sử dụng dài hạn, ngắn hạn.

Phương tiện được cấp giấy phép có giá trị sử dụng dài hạn gồm: ngoài các phương tiện hoạt động thường xuyên tại khu vực hạn chế của sân bay, có các phương tiện thuộc quản lý của cơ quan Đảng, nhà nước phụ cụ chuyên cơ.

Phương tiện thuộc quản lý của cơ quan Đảng, Nhà nước và chuyên phục vụ các Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bộ trưởng và các chức vụ tương đương trở lên; Bí thư, Phó Bí thư tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương; Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải; Thứ trưởng Bộ Công an; Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó Tổng tham mưu trưởng, Cục trưởng Cục tác chiến Bộ Tổng tham mưu, Chủ nhiệm và Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam.

Phương tiện được xem xét cấp giấy phép có giá trị sử dụng ngắn hạn gồm: phương tiện sử dụng để đưa đón khách quốc tế từ cấp Bộ trưởng trở lên.

Phương tiện có nhiệm vụ đột xuất để: thực hiện các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh; phục vụ hoạt động của cảng hàng không, sân bay tại khu vực hạn chế; Phương tiện quy định trong trường hợp được cấp giấy phép có giá trị sử dụng dài hạn nhưng chưa được cấp giấy phép có giá trị sử dụng dài hạn.

Các trường hợp đặc biệt do người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xem xét, quyết định và chịu trách nhiệm.

Phương tiện quy định chỉ được cấp giấy phép kiểm soát an ninh cảng hàng không, sân bay có giá trị sử dụng ngắn hạn khi người đề nghị cấp giấy phép viết và cam kết vào sổ giao nhận giấy phép tại nơi cấp giấy phép như sau:

“Cam kết của người đề nghị cấp giấy phép: người điều khiển phương tiện được cấp giấy phép tự liên hệ để có người đi cùng hoặc phương tiện dẫn đường theo quy định chi tiết về chương trình an ninh hàng không và kiểm soát chất lượng an ninh hàng không Việt Nam”.

Trong Thông tư 13/2019 cũng không nêu người nhà của các chức danh nêu trên thuộc diện được cấp thẻ hoặc được sử dụng thẻ để ra vào khu vực hạn chế sân bay.

Từ vụ xe biển xanh vào sát máy bay đón Phó Bí thư Phú Yên: Phương tiện nào được phép hoạt động trong sân bay? - 1
Các xe ôtô chuyên dụng hoạt động trong sân bay

Mức phạt nghiêm minh với hành vi vi phạm

Thông tư này cũng nêu rõ, người sử dụng thẻ, người sử dụng phương tiện được cấp giấy phép sẽ bị thu hồi thẻ, giấy phép (không áp dụng đối với hành vi vi phạm đã bị xử lý theo quy định tại Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng) trong các trường hợp sau:

Vi phạm quy định về an ninh, an toàn hàng không; Gây rối trật tự tại cảng hàng không, sân bay; Vi phạm quy định về sử dụng thẻ, giấy phép; Không còn đáp ứng điều kiện cấp thẻ, giấy phép.

Còn tại Nghị định 162/2018/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực hàng không dân dụng cũng nêu rõ về mức phạt đối với các hành vi vi phạm quy định về quản lý, sử dụng thẻ và giấy phép kiểm soát an ninh hàng không.

Cụ thể, Phạt cảnh cáo đối với vi phạm lần đầu và phạt tiền từ 500.000 - 1 triệu đồng đối với trường hợp tái phạm hoặc vi phạm hành chính nhiều lần đối với một trong các hành vi vi phạm sau:

Sử dụng thẻ kiểm soát an ninh hàng không mà không đúng phạm vi ghi trên thẻ; Không đeo thẻ kiểm soát an ninh hàng không theo quy định khi làm nhiệm vụ trong khu vực hạn chế của cảng hàng không, sân bay.

Phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau: Sử dụng Thẻ, Giấy phép kiểm soát an ninh hàng không hoặc Thẻ giám sát viên an ninh hàng không, an toàn hàng không của người khác vào khu vực hạn chế của cảng hàng không, sân bay, lên tàu bay.

Sử dụng giấy tờ nhân thân, vé, thẻ lên tàu bay giả hoặc giấy tờ nhân thân, vé, thẻ lên tàu bay mang tên người khác vào khu vực cách ly, lên tàu bay hoặc cho người chưa thành niên vào khu vực cách ly, lên tàu bay.

Cho người khác mượn Thẻ kiểm soát an ninh hàng không, Giấy phép kiểm soát an ninh hàng không, Thẻ giám sát viên an ninh hàng không, an toàn hàng không để vào khu vực hạn chế tại cảng hàng không, sân bay, lên tàu bay.

Phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng đối với hành vi sử dụng Thẻ kiểm soát an ninh hàng không, Giấy phép kiểm soát an ninh hàng không hoặc Thẻ giám sát viên an ninh hàng không, an toàn hàng không giả mạo.

Biên Thùy (Nguoiduatin.vn)