Xã hội

Trưởng đoàn tuyển sinh đại học Duy Tân gửi thư nặc danh hạ thấp uy tín đối thủ

Công an TP.Đà Nẵng xác định, Phó giám đốc trung tâm Mô phỏng (trường đại học Duy Tân), được phân công làm Trưởng đoàn tuyển sinh phía Nam có hành vi gửi thư với ý định hạ uy tín các trường đại học khác.

Công an xác định sai phạm

Ngày 21/9, Đại tá Trần Đình Liên - Phó giám đốc Công an TP.Đà Nẵng - xác nhận, đã ký văn bản gửi Đoàn Đại biểu quốc hội TP.Đà Nẵng thông báo kết quả xác minh làm rõ vụ việc gửi thư nặc danh liên quan các trường đại học trên địa bàn thành phố.

Theo kết quả xác minh, tháng 5/2020, ông Lê Văn Chung - Phó giám đốc trung tâm Mô phỏng - được phân công làm Trưởng đoàn tuyển sinh phía Nam. Ông Chung và bà Thắm đã bàn bạc, thống nhất soạn thảo các bài viết, gửi bằng hình thức nặc danh qua đường bưu phẩm với nội dung không đúng sự thật, hạ thấp uy tín các trường đại học trên địa bàn TP.Đà Nẵng. Số lượng được gửi đi là 900 thư đến các học sinh, giáo viên các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên.

Trưởng đoàn tuyển sinh đại học Duy Tân gửi thư nặc danh hạ thấp uy tín đối thủ
Trưởng đoàn tuyển sinh đại học Duy Tân gửi thư nặc danh hạ thấp uy tín các trường đại học khác.

Động cơ, mục đích của ông Chung và bà Thắm là nhằm quảng bá cho trường đại học Duy Tân. Bên cạnh đó, việc gửi thư còn có ý định hạ uy tín các trường đại học khác để thu hút nhiều thí sinh đăng ký học tại trường đại học Duy Tân.

Công an TP.Đà Nẵng xác định rõ: “Việc làm của ông Chung và bà Thắm đã gây ảnh hưởng xấu đến uy tín của các trường đại học trên địa bàn TP.Đà Nẵng, gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng xấu đến môi trường giáo dục, gây tâm lý hoang mang đối với phụ huynh, học sinh trong việc chọn trường, chọn ngành để đăng ký xét tuyển tại các trường đại học”.

Hành vi của ông Chung và bà Thắm đã vi phạm quy định tại điểm L, khoản 3, Điều 5, Nghị định 167/2013/NĐ: Viết, phát tán, lưu hành tài liệu có nội dung xuyên tạc bịa đặt, vu cáo làm ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức, cá nhân.

Lãnh đạo trường Duy Tân khẳng định chưa biết thông tin!?

Ngày 21/9, sau khi xác minh thông tin từ phía Công an TP.Đà Nẵng, PV đã liên hệ ông Võ Thanh Hải - Phó Giám đốc thường trực đại học Duy Tân - để làm rõ sự việc. Ông Hải khẳng định, chưa nhận được thông tin gì về ông Chung và bà Thắm vi phạm liên quan đến “bôi xấu” các trường đại học khác trên địa bàn.

Theo vị phó hiệu trưởng, sau khi thông tin về thư nặc danh có nội dung nói xấu các trường đại học trên địa bàn TP.Đà Nẵng, lãnh đạo trường đại học Duy Tân đã có văn bản đề nghị cơ quan công an điều tra sự việc. “Trường chúng tôi cũng có đơn đề nghị điều tra để rõ thực hư. Đến nay, chúng tôi vẫn chưa nhận được văn bản phản hồi của cơ quan chức năng”.

Khi được về việc lãnh đạo nhà trường sẽ xử lý như thế nào về trường hợp ông Thắng và bà Thắm, ông Hải nói: “Việc này phải chờ thông tin chính thức xem thực hư như thế nào. Chúng tôi chưa nhận được văn bản từ phía công an nên chưa thể xác định điều gì”.

Các trường đại học đề nghị công an điều tra, làm rõ

Trước đó, lãnh đạo 3 trường đại học tư thục trên địa bàn TP.Đà Nẵng gồm: Đại học Kiến Trúc Đà Nẵng, đại học Đông Á và đại học FPT đã có tâm thư gửi các thầy cô giáo, phụ huynh và các em học sinh về nội dung thư nặc danh gửi đến học sinh vừa qua.

Trưởng đoàn tuyển sinh đại học Duy Tân gửi thư nặc danh hạ thấp uy tín đối thủ - 1
Các bức thư nặc danh thống kê điểm cộng, trừ của các trường đại học trên địa bàn TP.Đà Nẵng.

Theo đó, bức thư phản ánh nội dung thư nặc danh là sai lệch và không đúng sự thật. Nội dung thư nặc danh đã gây nhiễu loạn thông tin và gây tâm lý hoang mang cho phụ huynh, học sinh khi đăng ký tuyển sinh đại học năm 2020.

Lãnh đạo các trường đại học ở TP.Đà Nẵng bày tỏ, hành vi gửi thư nặc danh, không chính danh, không rõ nguồn gốc là hành vi vi phạm pháp luật. Vì vậy, phụ huynh, học sinh cần cảnh giác với những thư nặc danh như vậy.

Lãnh đạo 3 trường kể trên bày tỏ sự lo ngại về các dấu hiệu cạnh tranh không lành mạnh đang xảy ra trong môi trường giáo dục. "Chúng tôi đang tiến hành các thủ tục để đề nghị cơ quan an ninh tiến hành điều tra và xử lý nghiêm minh việc phát tán các thư nặc danh nêu trên", bức thư nêu rõ.

Còn theo ông PSG.TS Lê Thành Bắc - Phó Giám đốc đại học Đà Nẵng, những nội dung của các thư nặc danh này đã gây tâm lý hoang mang đối với các bậc phụ huynh và thí sinh trong việc chọn trường, chọn ngành để đăng ký xét tuyển vào đại học giữa lúc dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương. Điều này sẽ gây ra không ít khó khăn đối với một số trường đại học trên địa bàn thành phố trong mùa tuyển sinh năm nay.

Ông Bắc đã ký văn bản, đề nghị Công an TP.Đà Nẵng tiến hành các bước xác minh, xử lý việc phát tán các đơn thư nặc danh theo quy định pháp luật.

Những thông tin sai sự thật

Trước đó, tạp chí Đời sống và Pháp luật đã phản ánh, nhiều học sinh lớp 12 trên địa bàn TP.Đà Nẵng nhận được bưu phẩm là cẩm nang giới thiệu thực trạng về 8 trường đại học tại TP.Đà Nẵng gồm Bách khoa, Sư phạm, Kinh tế, Ngoại ngữ, Kiến Trúc, Đông Á, Duy Tân và FPT. Các tài liệu này tập trung vào việc nêu những hạn chế, nhưng thực chất là các “điểm trừ” nhằm định hướng cho học sinh đăng ký vào học các trường đại học.

Theo tài liệu gửi kèm, các trường công lập trên địa bàn có rất nhiều “điểm trừ”. Trong đó, sinh viên trường đại học Bách Khoa hầu hết thụ động, học lý thuyết nhiều nên khó tiếp cận công việc ngay khi ra trường, học phí vào loại cao nhất miền Trung...

Đại học Kinh tế, sau năm 2017, đã xin được tự chủ tài chính nhưng đẩy học phí lên cao. Một thời gian dài, báo chí đã lên tiếng dữ dội. Nhưng, nhờ đó mà trường có tài chính dồi dào để trả lương và nâng cao đời sống cán bộ. Học phí khá cao, nhiều phụ phí, chất lượng đào tạo chưa tương xứng.

Đại học Ngoại ngữ, cơ chế công lập nên không đổi mới về hình thức giảng dạy, nặng lý thuyết, ít thực hành.

Đại học Sư phạm chuyên môn giảng dạy khá thấp vì nâng cấp từ hệ Cao đẳng lên, cơ hội việc làm của sinh viên sư phạm cả nước thấp.

Bệnh cạnh đó, khối trường tư thục, cũng được nêu hàng loạt “điểm xấu”. Đại học Kiến trúc được cho lập lờ tên gọi, thực tế là trường tư nhưng được hiểu là công lập khiến nhiều người lầm và điều này đã làm lợi cho trường.

Đại học FPT được xác định điểm trừ là học phí quá cao so với kinh tế của miền Trung, và ngoài ra có rất nhiều khoản phụ phí khác. Sinh viên phải học đến 6 level tiếng Anh, không qua trình độ (level) nào phải nộp tiền học lại dẫn đến sinh viên bỏ học nhiều vì cách tính điểm lên lớp bằng ngoại ngữ. 95% sinh viên ra trường có việc làm nhưng số sinh viên bắt Internet dạo hay tiếp thị điện thoại chưa được thống kê.

Đại học Đông Á nâng cấp lên từ trường cao đẳng, chất lượng đào tạo thấp, nhiều điều tiếng trong những năm gần đây.

Riêng trường đại học Duy Tân thì được giới thiệu là học hơi căng, không lo học là bị thi lại ngay; trường nổi tiếng vì sự hà khắc của giảng viên trong việc đảm bảo các chuẩn đầu ra về học thuật, ngoại ngữ và tin học...

Theo PV (Nguoiduatin.vn)