Xã hội

Tranh cãi nảy lửa câu chuyện nhân viên ở Hà Nội bị đuổi việc vì từ chối đi du lịch cùng công ty

Hình ảnh tờ quyết định cho nghỉ việc đối với các nhân viên từ chối tham gia chuyến du lịch Cát Bà cùng công ty mới đây được chia sẻ đã gây tranh cãi trên mạng xã hội.

Mới đây, mạng xã hội lan truyền hình ảnh một tờ quyết định cho nghỉ việc đối với các nhân viên từ chối tham gia chuyến du lịch cùng công ty. Sự việc này đã khiến cư dân mạng bàn luận sôi nổi và nhận về nhiều luồng ý kiến khác nhau. 

Cụ thể, theo như tờ quyết định được ký ngày 16/6 vừa qua, công ty nêu rõ nguyên do đuổi việc là bởi nhân viên từ chối tham gia hoạt động, phong trào ngoại khóa là không có tinh thần tập thể, tinh thần gắn kết đồng đội nên không phù hợp với công ty.

Theo tìm hiểu được biết, tờ quyết định cho thôi việc trên được cho là của một công ty bất động sản ở Hà Nội.

Tranh cãi nảy lửa câu chuyện nhân viên ở Hà Nội bị đuổi việc vì từ chối đi du lịch cùng công ty
Quyết định cho nghỉ việc đối với các nhân viên không đi du lịch cùng công ty đã gây ra nhiều tranh cãi

Sau khi câu chuyện này được chia sẻ lên mạng xã hội thì nhanh chóng nhận được sự quan tâm từ đông đảo cộng đồng mạng. Có ý kiến cho rằng khi đã làm việc trong môi trường tập thể thì phải tuân thủ theo những quy định của công ty.

Bên cạnh đó, nhân sự cũng cần thích nghi với văn hoá công ty như tham gia du lịch, team building, các phong trào, sự kiện chung của công ty để tăng tính đoàn kết, kết nối, giúp mọi người gắn kết và hiểu nhau hơn. Vì thế, công ty trên đưa ra quyết định như vậy thì không có gì là sai. 

Tranh cãi nảy lửa câu chuyện nhân viên ở Hà Nội bị đuổi việc vì từ chối đi du lịch cùng công ty - 1
Trụ sở được cho là của công ty đã ra quyết định gây tranh cãi nói trên

Tuy nhiên, ngược lại thì đa số cư dân mạng đều cho rằng việc sa thải nhân viên vì lý do này là quá vô lý. Công ty tổ chức đi du lịch nhưng tham gia hay không là quyết định riêng của mỗi nhân viên.

Thay vì bắt ép, doạ dẫm đuổi việc thì công ty nên khuyến khích mọi người tự nguyện tham gia. Gay gắt hơn, một số dân mạng còn truy lùng, thậm chí tìm đích danh công ty ra quyết định này để tẩy chay hay né không nộp hồ sơ xin việc.

Sau khi tờ quyết định trên được chia sẻ, không ít người cũng đặt câu hỏi, trong trường hợp nào thì đối tượng sử dụng lao động được phép đơn phương chấm dứt hợp đồng với người lao động?

Hoặc, khi bị cho thôi việc hoặc chấm dứt hợp đồng lao động với lý do không thoả đáng như vậy thì người lao động có quyền khởi kiện và đòi lại quyền lợi chính đáng hay không?

Liên quan đến vấn đề này, PV Trí Thức Trẻ đã dẫn chia sẻ của Ts. Ls. Đặng Văn Cường cho biết, theo quy định của pháp luật thì quan hệ lao động là quan hệ bình đẳng giữa người sử dụng lao động và người lao động. Việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động phải thuộc trường hợp pháp luật quy định.

Theo Ts. Ls. Đặng Văn Cường, trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không có căn cứ thì bên đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động phải bồi thường thiệt hại theo quy định của bộ luật lao động.

Ls Cường cho biết thêm, căn cứ vào Bộ luật lao động hiện hành, thì hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả công, tiền lương, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động.

Trường hợp hai bên thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên thì được coi là hợp đồng lao động.

Điều 34. Bộ luật lao động quy định các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động như sau:

1. Hết hạn hợp đồng lao động, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 177 của Bộ luật này.

2. Đã hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động.

3. Hai bên thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động.

4. Người lao động bị kết án phạt tù nhưng không được hưởng án treo hoặc không thuộc trường hợp được trả tự do theo quy định tại khoản 5 Điều 328 của Bộ luật Tố tụng hình sự, tử hình hoặc bị cấm làm công việc ghi trong hợp đồng lao động theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.

5. Người lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam bị trục xuất theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

6. Người lao động chết; bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc đã chết.

7. Người sử dụng lao động là cá nhân chết; bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc đã chết. Người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động hoặc bị cơ quan chuyên môn về đăng ký kinh doanh thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra thông báo không có người đại diện theo pháp luật, người được ủy quyền thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật.

8. Người lao động bị xử lý kỷ luật sa thải.

9. Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 35 của Bộ luật này.

10. Người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 36 của Bộ luật này.

11. Người sử dụng lao động cho người lao động thôi việc theo quy định tại Điều 42 và Điều 43 của Bộ luật này.

12. Giấy phép lao động hết hiệu lực đối với người lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam theo quy định tại Điều 156 của Bộ luật này.

13. Trường hợp thỏa thuận nội dung thử việc ghi trong hợp đồng lao động mà thử việc không đạt yêu cầu hoặc một bên hủy bỏ thỏa thuận thử việc.

Theo Minh Ngọc (Nguoiduatin.vn)

https://kenh14.vn/xon-xao-cau-chuyen-nhan-vien-o-ha-noi-se-bi-duoi-viec-neu-tu-choi-di-du-lich-cung-cong-ty-luat-su-len-tieng-20220620234432922.chn




https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/docbaovn/tranh-cai-nay-lua-cau-chuyen-nhan-vien-o-ha-noi-bi-duoi-viec-vi-tu-choi-di-du-lich-cung-cong-ty-tintuc828694