Xã hội

Trang bị bình chữa cháy cho ô tô: Xảy ra cháy là phải chạy?

Nghe tư vấn về kỹ năng cháy nổ, chuyên gia nhấn mạnh với anh Thắng: “Khi xảy ra cháy thì việc đầu tiên cần làm là... chạy, chạy càng xa nơi phát ra hỏa hoạn càng tốt...".

Nghe tư vấn về kỹ năng cháy nổ, chuyên gia nhấn mạnh với anh Thắng: “Khi xảy ra cháy thì việc đầu tiên cần làm là... chạy, chạy càng xa nơi phát ra hỏa hoạn càng tốt...".

Từ ngày 6/1/2016, thông tư 57 của Bộ Công an về quy định trang bị thiết bị PCCC cho phương tiện cơ giới, trong đó có xe ôtô từ 4 chỗ trở lên. Bình bột chữa cháy loại dưới 4kg hoặc bình bọt loại dưới 5 lít hoặc bình nước với chất phụ gia chữa cháy dưới 5 lít. Đi kèm với đó là mức phạt tiền đối với các vi phạm từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng.

Ngay khi có hiệu lực, thông tư đang gây ra những ý kiến trái chiều trong dư luận xã hội, đa số những ý kiến cho rằng qui định này chỉ nên áp dụng đối với loại xe chở hàng hóa và vật liệu dễ cháy nổ còn với loại xe ô tô con để bình chữa cháy là lợi bất cập hại.

Xảy ra cháy là phải chạy để bảo toàn tính mạng

Anh Thắng, một chủ xe ô tô nêu quan điểm: “Tôi thấy qui định này quá bất hợp lý, bởi khi xảy ra cháy ô tô hoặc xe máy, chúng ta phải làm việc gì đầu tiên?”
 
“Tôi cho rằng, ô tô hay các phương tiện dùng nhiên liệu để chạy, một khi đã bốc cháy thì rất nguy hiểm nên điều đầu tiên thấy cháy chắc chắn là phải chạy. Ai dám ở lại dùng bình chữa cháy để dập lửa?” – Anh Thắng phân tích và đặt ra câu hỏi.
 

Cấu tạo bình chữa cháy - (Ảnh: Thietbichuachay).

 
Theo anh Thắng, có một lần anh được tư vấn về kỹ năng cháy nổ, chuyên gia đến giảng dạy đã khuyên: “Khi xảy ra cháy thì việc đầu tiên cần làm là... chạy, chạy càng xa nơi phát ra hỏa hoạn càng tốt để bảo toàn tính mạng, đề phòng các vật liệu dễ cháy có thể nổ. Sau đó tùy tình hình mới làm các việc mà anh chị đã liệt kê. Nhưng, các anh chị phải nhớ một điều: Chữa Cháy Là Nhiệm Vụ Chính Của CS PCCC - Người Dân Chỉ Là Phụ.”

Đồng thời nhiều người cho rằng, qui định trang bị bình chữa cháy cho ô tô không phù hợp, không được nhiều nước tiên tiến trên thế giới áp dụng.

Trước ý kiến này, tiến sĩ vật Lý Nguyễn Văn Khải cho biết:“Khi xảy ra cháy, trước hết, những người trên xe phải cố gắng thoát ra ngoài càng nhanh càng tốt và xác định được điểm phát ra ngọn lửa. Nếu đám cháy nhỏ, có thể dập được, mọi người có thể chữa cháy còn nếu đám cháy lớn, vượt ngoài khả năng của bản thân thì chạy càng xa càng tốt.

Khi đã có bình chữa cháy trên xe thì những xe ô tô lưu thông qua khu vực có xe bị cháy phải cầm bình chữa cháy xuống giúp mọi người dập lửa nếu đám cháy nhỏ, trong tầm kiểm soát.

Ngoài ra, ông Khải cũng đưa ra một số lưu ý về việc sử dụng bình chữa cháy cho đúng cách: “Không phải người dân nào cũng biết sử dụng bình chữa cháy một cách đúng cách và có rất nhiều người chưa sử dụng đến loại bình này bao giờ. Chính vì thế, các cơ quan chức năng cũng nên có những lớp hoặc học phổ biến cho người dân sử dụng bình chữa cháy nhưng thế nào cho đúng cách và đạt được hiệu quả cao nhất khi sử dụng.

Theo tiến sĩ, bình chữa cháy có hai loại, một là dạng bột hai là CO2. Đối với loại bình bột, để đạt hiệu quả cao nhất khi sử dụng, người dân phải lắc đều bình 4 – 5 lần. Sau khi lắc bình, phải rút chốt an toàn, tay trái cầm vòi phun hướng về đám cháy, tay phải bóp cò, phun bột vào nơi phát ra ngọn lửa trên xe.Đối với loại bình CO2, khi sử dụng, một tay cầm loa phun nơi phát ra ngọn lửa trên xe, tay kia mở khóa van bình khoảng và miệng loa càng gần ngọn lửa càng tốt”.
 
Tiến sĩ vật lý Nguyễn Văn Khải.
 
Cũng theo lời ông Khải, đối với bình chữa cháy, càng để gần chỗ với lái xe càng tốt vì khi xảy ra cháy có thể nhanh chóng sử dụng và không mất thời gian tìm.

Luật chồng chéo?

Luật sư Giang Hồng Thanh, Trưởng Văn phòng Luật sư Giang Hồng Thanh (Hà Nội) cho rằng, căn cứ để ban hành thông tư 57 của Bộ Công an là dựa vào quy định trong Luật Phòng cháy và chữa cháy 2001.

Theo đó, điều 18 quy định: Phương tiện giao thông cơ giới từ 4 chỗ ngồi trở lên, phương tiện giao thông cơ giới vận chuyển hàng hóa, chất nguy hiểm về cháy, nổ phải bảo đảm các điều kiện theo quy định của cơ quan quản lý nhà nước về phòng cháy và chữa cháy.

"Việc ban hành thông tư 57 của Bộ Công an là có cơ sở. Nhưng luật đã có từ năm 2001, vậy lý do gì gần 15 năm sau người ta mới đề cập đến nội dung này?", luật sư Thanh đặt câu hỏi.

Luật sư Thanh cũng nêu thêm, tại điều 41 Nghị định Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định: Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

- Không trang bị phương tiện chữa cháy thông dụng cho phương tiện giao thông cơ giới theo quy định.”

Điều 66 Nghị định này quy định về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Công an nhân dân như sau:

- Chiến sĩ Công an nhân dân đang thi hành công vụ có quyền: Phạt tiền đến 500.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy và chữa cháy.”

"Như vậy có nghĩa lực lượng công an nào cũng có thể xử phạt người lái ô tô nếu xe không trang bị bình chữa cháy, chứ không chỉ riêng anh Cảnh sát giao thông. Vậy nhưng những công an này phạt kiểu gì nếu không chặn xe lại để kiểm tra, trong khi anh không có thẩm quyền dừng phương tiện giao thông đang lưu thông bình thường trên đường".

Luật sư Thanh tiếp tục đặt ra câu hỏi: Nếu xe không có bình chữa cháy mà người lái xe lại không chấp nhận hoặc không có tiền để nộp phạt thì phải làm thế nào?

"Nghị định 167/2013/NĐ-CP là quy định xử phạt trong lĩnh vực phòng cháy và chữa cháy, không có chế tài về việc tạm giữ phương tiện, giấy tờ có liên quan đến người điều khiển và phương tiện giống như Nghị định 171/2013/NĐ-CP", luật sư Thanh phân tích.

Vấn đề nữa được luật sư Thanh đưa ra là theo quy định thì xe từ 4 chỗ ngồi trở lên mới phải trang bị bình chữa cháy. Nghĩa là xe dưới 4 chỗ ngồi, xe bán tải 2 chỗ ngồi thì không phải trang bị.

"Vậy người ngồi trên xe này và xe loại này sẽ không gặp nguy hiểm nếu xảy ra cháy nổ như xe từ 4 chỗ ngồi trở lên? Chưa kể, Nghị định 171/2013/NĐ-CP ngày 13 tháng 11 năm 2013 xử phạt trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt cũng có quy định về phạt hành chính đối với xe ô tô không có thiết bị chữa cháy.

Điều 16. Xử phạt người điều khiển xe ô tô (bao gồm cả rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo theo) và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm quy định về điều kiện của phương tiện khi tham gia giao thông

- Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: Điều khiển xe không có đủ đèn chiếu sáng, …, thiết bị chữa cháy…;” Vậy nếu người vi phạm yêu cầu các anh Công an phải sử dụng Nghị định này để mức phạt thấp hơn thì sẽ tính sao?", luật sư Thanh nêu vấn đề.
 
>> Người sử dụng lo lắng về vị trí gắn bình chữa cháy trên ôtô
>> Cục cảnh sát PCCC: "Ôtô chưa lắp bình cứu hỏa không được đăng kiểm"

Theo Nhất Nam (Nguoiduatin.vn)