Xã hội

Trận lũ lịch sử hoành hành miền Bắc: Những câu chuyện đau lòng và tình người nơi lũ quét qua

68 người thiệt mạng, gần 40 người mất tích và hơn 30 người bị thương sau mưa lũ lịch sử chưa từng có. Dù nỗi đau để lại còn nặng nề nhưng bằng sự chung tay của cả cộng đồng, chúng ta sẽ lại mạnh mẽ đứng dậy.

68 người thiệt mạng, gần 40 người mất tích và hơn 30 người bị thương sau mưa lũ lịch sử chưa từng có. Dù nỗi đau để lại còn nặng nề nhưng bằng sự chung tay của cả cộng đồng, chúng ta sẽ lại mạnh mẽ đứng dậy.

Những ngày qua, khi bão cũ chưa dứt, biển Đông lại đang sục sôi cơn bão số 11 nhắm thẳng vào các tỉnh Thanh Hóa - Quảng Trị với diễn biến thất thường. Chỉ trong vòng 5, 6 ngày qua (từ 9/10 - 14/10), tàn dư của thiên tai vẫn còn âm ỉ. Đâu đó vẫn còn những nạn nhân nằm lại dưới hàng tấn bùn đất, người mất tích, người bị thương, những đám tang tập thể với những quan tài san sát nhau. 

Trận lũ lịch sử hoành hành miền Bắc: Những câu chuyện đau lòng và tình người nơi lũ quét qua - Ảnh 1.

Nước ngập sâu 2 mét ở Ninh Bình - Ảnh: Phương Thảo.

Nhóm PV chúng tôi đã chia nhau đến ghi nhận tình hình bão lũ ở những tỉnh thành bị thiệt hại nặng nề như Yên Bái, Nghệ An, Thanh Hóa, Ninh Bình... Mỗi một vùng đất đi qua là một lần tim chúng tôi đau thắt khi chứng kiến nước mắt của người dân hòa cùng dòng nước lũ chảy xiết - nơi đã cuốn đi nhiều sinh mạng con người.

Trận lũ lịch sử hoành hành miền Bắc: Những câu chuyện đau lòng và tình người nơi lũ quét qua - Ảnh 2.

Lũ dữ đi qua, tang thương để lại​

Rạng sáng 12/10, bờ suối tại xóm Khanh thuộc xã Phú Cường (huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình) bất ngờ sụt lún, vùi lấp 4 căn nhà cùng 18 người dân. Một tiếng động lớn trước khi mọi thứ sụp đổ và quay cuồng trong từng lớp bùn đá, người người hoảng loạn tìm cách tháo chạy thoát thân. Và sau hơn 1 ngày xảy ra trận lở núi kinh hoàng, vẫn còn 8 người bị vùi lấp dưới hàng vạn mét khối đất đá. 

Trước đống đổ nát hoang tàn, những người còn sống nhìn nhau tự hỏi: Không biết ngày mai rồi sẽ ra sao?

Tiếng kêu gào thảm thiết của thân nhân các nạn nhân vang lên xé lòng vào buổi sáng hôm sau. Mượn tạm bãi đất trống ngay quốc lộ, các gia đình dựng bạt đơn sơ tổ chức đám tang cho những người xấu số. Lúc này, không ai cầm được nước mắt khi chứng kiến cảnh những chiếc quan tài xếp cạnh nhau. Đau thương đến nỗi người chết cũng chẳng có chỗ làm đám tang vì nhà cửa đều đã bị đất, đá vùi lấp hết. Có người kể lại rằng, trong một giây phút lằn ranh giữa sự sống và cái chết, họ nghe được tiếng kêu thất thanh "cứu với, cứu với" đầy ám ảnh vang lên khắp núi đồi.

Trong số 18 nạn nhân mất tích có cháu bé chỉ mới hơn 3 tháng tuổi. Sáng 15/10, đội tìm kiếm cứu hộ cứu nạn phát hiện thi thể một người phụ nữ, 2 cánh tay chị lúc này đang ôm chặt lấy đứa con trai bé bỏng. Cảnh tượng đau buồn và đầy thương xót. Khi chúng tôi đang viết những dòng này, vẫn còn đó 3 nạn nhân nữa nằm lại dưới đống bùn đất sau thảm cảnh kinh hoàng đêm hôm đó. 

Trận lũ lịch sử hoành hành miền Bắc: Những câu chuyện đau lòng và tình người nơi lũ quét qua - Ảnh 3.

Giây phút tìm thấy 3 mẹ con, ai cũng thương xót! Nguồn: Báo Công an nhân dân.

Trong khi đó tại tỉnh Yên Bái, trận lũ ống, lũ quét kinh hoàng rạng sáng 11/10 đã biến nhiều khu vực của huyện Trạm Tấu tan hoang. Chiếc cầu tạm qua sông của dân cũng bị gãy sập, cột điện chỏng chơ, vài ba chiếc xe ô tô bị trôi từ lán xuống dòng chảy vẫn nằm yên chưa thể trục vớt lên được. Cơn lũ dữ đi qua đã gần như san phẳng tất cả, không khí tang thương bao trùm thôn bản, nhất là tại căn nhà của anh Lò Văn Mường - người phải chịu tang khi 5 người thân trong gia đình lần lượt ra đi. Nỗi đau mà Mường đang trải qua quá sức chịu đựng với tuổi 26 của mình.

"Cậu ơi, cậu về ngay đi, gia đình mất hết rồi…!", Mường đã chết lặng khi nhận cuộc điện thoại từ đứa cháu. Căn nhà của anh giờ chỉ như đống gỗ vụn. 5 người thân gồm bố, anh, chị dâu và hai cháu lần lượt đã bị lũ cuốn trôi đi hết. Anh chỉ biết đứng nhìn, không thể khóc được lúc này. 

Trận lũ lịch sử hoành hành miền Bắc: Những câu chuyện đau lòng và tình người nơi lũ quét qua - Ảnh 4.

Anh Lò Văn Mường - người phải chịu tang khi 5 người thân trong gia đình lần lượt ra đi - Ảnh: Nguoiduatin.

Đến hơn 12h ngày 11/10, tại thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái, sự cố đau đớn xảy ra khi chiếc cầu Thia dài gần 200m bắc qua sông Thia, nối huyện Văn Chấn với thị xã Nghĩa Lộ bất ngờ bị sập. Lúc này trên cầu có 5 người đều bị rơi xuống dòng nước lũ, cuốn trôi mất tích. Trong số 5 người họ, có anh phóng viên trẻ Đinh Hữu Dư, một cô giáo mầm non cùng đứa con nhỏ chỉ 3 tuổi.

Đang tác nghiệp ở vùng lũ, lại nghe một người đồng nghiệp ra đi vì cơn lũ, đó thật sự là một cú sốc đối với anh em chúng tôi. Suốt 3 ngày, phóng viên các cơ quan báo đài đều chỉ biết chắp tay cầu nguyện, mong Dư trở về. Hàng trăm chiến sĩ cán bộ ở Yên Bái chốt chặn dọc sông tìm anh cùng những nạn nhân xấu số nhưng không thấy. Đến chiều 13/10 cuộc tìm kiếm đi tới hồi kết, phép màu đã không xảy ra. Thi thể anh Dư được phát hiện cách khu vực xảy ra sự cố gần 100km. Anh đã ra đi ở tuổi 29.

Trận lũ lịch sử hoành hành miền Bắc: Những câu chuyện đau lòng và tình người nơi lũ quét qua - Ảnh 5.

Đang tác nghiệp vùng lũ, lại nghe một người anh em trong nghề ra đi cùng vì cơn lũ, chúng tôi thật sự sốc và đau đớn....

Nhà báo Lê Quốc Minh nén đau thương chia sẻ những tâm tư cuối cùng về Dư: "Có lần em tâm sự với bạn bè trong cơ quan, rằng chỉ cần trả hết nợ là em sẽ về quê. Vừa mới đây, em còn hân hoan kể đã trả nốt món nợ của bố mẹ, cũng trả lại khoản "đầu tư" của người anh họ thuở nào. Hóa ra em về quê thật, nhưng không ai tin được em lại nằm xuống quá sớm và quá nghiệt ngã thế này".

Cũng vào ngày cầu Thia bất ngờ đổ sập, cô giáo mầm non cùng con nhỏ 3 tuổi bị lũ cuốn trôi để lại nỗi ngóng trông da diết cho người mẹ ở nhà. Từ ngày con gái cùng cháu ngoại mất tích, sáng nào bà Hoàng Thị Nhạc cũng đi dọc bờ suối gào tên người thân, ai nghe thấy cũng xót xa thay. Chiều 14/10, thi thể cô giáo xấu số trôi về Phú Thọ đã được phát hiện. Còn bé gái 3 tuổi - con gái chị vẫn chưa được tìm thấy.

Tính đến hết ngày 14/10, mưa lũ đã khiến 68 người thiệt mạng, 34 người mất tích và 32 người bị thương. Hiện lực lượng chức năng các tỉnh vẫn đang nỗ lực tổ chức tìm kiếm những nạn nhân xấu số còn lại, những chiếc máy xúc máy ủi được điều đến làm việc không xuể. Các chiến sĩ chia sẻ, chưa bao giờ bầu trời xóm Khanh lại tối nhanh đến vậy.

Khi chúng tôi được tận mắt chứng kiến cảnh tượng khốn khổ của người dân vùng lũ...

Trong những ngày bị ảnh hưởng của mưa lũ, ngập lụt xảy ra trên diện rộng tại Ninh Bình, huyện Chương Mỹ (Hà Nội), Thanh Hóa, Hòa Bình. Tìm về nơi mảnh đất này, chúng tôi chứng kiến cảnh người dân "màn trời chiếu đất", nhiều nhà dân bị sập, nước lũ chia cắt nhiều khu vực, tình trạng di dời khẩn cấp được ban bố.  

Trận lụt lịch sử khiến nhiều hộ dân tại Ninh Bình bị ngập đến 2m, nước dâng cao chắn ngang cửa ra vào, người dân chỉ còn cách dùng chậu nhôm, ghế gỗ... để chèo thuyền di chuyển ngay trong sân, ngõ. 

Trận lũ lịch sử hoành hành miền Bắc: Những câu chuyện đau lòng và tình người nơi lũ quét qua - Ảnh 6.
 
Trận lũ lịch sử hoành hành miền Bắc: Những câu chuyện đau lòng và tình người nơi lũ quét qua - Ảnh 6.
 
Trận lũ lịch sử hoành hành miền Bắc: Những câu chuyện đau lòng và tình người nơi lũ quét qua - Ảnh 6.

Cơn lũ đi qua để lại mênh mông biển nước... Ảnh: Ngọc Thắng

Trong khi đó tại thị trấn Thống Nhất, huyện Yên Định (tỉnh Thanh Hóa) dòng nước lũ dâng lên đã nhấn chìm mọi thứ. Hàng trăm nhà dân bị cô lập, đàn lợn 6.000 con trong Trại tạm giam số 5 gần như bị "xóa sổ" hoàn toàn. Trớ trêu thay khi chỉ cứu được có khoảng 200 con, còn đâu xác lợn cứ nổi lềnh bềnh trên mặt nước chờ ngày được mang đi chôn lấp. Chứng kiến cảnh tượng này nhiều người chèo ghe, có người nhảy xuống bơi để cố đẩy số lợn này trôi theo dòng nước mong chúng sống sót. Rồi khi nhìn hàng ngàn con chết, ai nấy đều xót xa! Dù chưa có thống kê cụ thể nhưng ước tính thiệt hại cả tài sản và đàn lợn lên đến khoảng hàng chục tỷ đồng.  

Trận lũ lịch sử hoành hành miền Bắc: Những câu chuyện đau lòng và tình người nơi lũ quét qua - Ảnh 7.

Người dân bất lực chứng kiến hàng nghìn con lợn bị nước lũ nhấn chìm. Ảnh: Phúc Minh

Phải mất gần 1 tiếng đồng hồ nhờ người chèo thuyền qua dòng nước lớn rồi cuốc bộ thêm gần 1km, chúng tôi mới tiếp cận được thôn Định Tân, nơi ngập sâu nhất của xã Thạch Định, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa. Thời điểm chúng tôi có mặt, nhiều ngôi nhà của người dân vẫn ngập sâu, nhiều vật dụng có giá trị trôi nổi lềnh bềnh giữa đường, đầu các con ngõ nhỏ. Dòng nước đục ngầu đã lấy đi nhiều nước mắt của người dân nơi đây. Thời điểm dòng nước lũ tràn về bất ngờ, người dân chỉ kịp bế con cháu chạy lên quả đồi để tá túc. Một số ít người may mắn hơn mang thêm được ít đồ dùng gia đình, dắt thêm được vài con trâu, ít bì thóc. Còn lại phó mặc cho dòng nước lũ hoành hành. 

Trận lũ lịch sử hoành hành miền Bắc: Những câu chuyện đau lòng và tình người nơi lũ quét qua - Ảnh 8.

Chị Phan Thị Thu ở thôn Định Tân, Thanh Hóa kể lại thời khắc kinh hoàng khi nước lũ tràn về - Ảnh: Ngọc Thắng.

Xứ Nghệ là nơi phải hứng chịu nhiều mưa bão, vì vậy đối với người dân nơi đây thì nỗi đau mất mát đã trở nên thường trực, năm nào cũng có người chết, lần nào cũng thiệt hại cả chục tỷ đồng về kinh tế. Thế nhưng, vết thương chưa lành, mưa bão dồn dập đã khiến người dân nơi đây chẳng kịp trở tay. Sau hơn 20 năm, trận mưa lớn và diện rộng đã khiến cho toàn bộ thành phố Vinh bị chìm trong biển nước.

Có mặt tại khu chợ này vào trưa 10/10, một khung cảnh mênh mông nước đập vào mắt chúng tôi, có những nơi ngập quá đầu người. Hàng hóa trôi nổi trên nước lẫn với rác thải khu chợ trở thành một đống hỗn tạp, thế nhưng các tiểu thương vẫn lao mình xuống nước để cố gắng lấy được những thứ gì có thể đưa ra để cứu hàng.

Nhiều tiểu thương xót xa nói trong nước mắt: "Mất sạch rồi, giờ không biết phải xoay xở như thế nào nữa!". 

Trận lũ lịch sử hoành hành miền Bắc: Những câu chuyện đau lòng và tình người nơi lũ quét qua - Ảnh 9.

Một tiểu thương ở chợ Vinh chia sẻ - Ảnh: Anh Ngọc.

Khi đến vùng ven sông Lam, chúng tôi chứng kiến cảnh người dân cuống cuồng vội vã đưa trâu bò lên đê tránh lũ rồi mới trở về di dời tài sản lên cao. Nhiều chuồng tạm được dựng lên, quây sắt kiên cố để đàn gia súc ở tạm trước khi nước rút hẳn. Để chuẩn bị đủ thức ăn cho gia súc, gia cầm trong thời tiết mưa lớn, nhiều hộ dân căng bạt bên vệ đường, nhóm củi nấu cám cho lợn. Thậm chí, nhiều người phải cắt cử nhau ở trên mặt đê để canh, đến khi nước rút thì mới trở về. 

"Đối với người dân, trâu bò hay lợn gà là những tài sản vô cùng quý giá. Mất một con đều cảm giác vô cùng xót, bởi nuôi bao nhiêu năm khi chuẩn bị xuất chuồng thì bị chết, lúc đó có ai mua nữa đâu", anh Nguyễn Văn Hùng thở dài. 

Trận lũ lịch sử hoành hành miền Bắc: Những câu chuyện đau lòng và tình người nơi lũ quét qua - Ảnh 10.

Người dân vội vã đưa lợn lên đê tránh lũ. Ảnh: Anh Ngọc.

Vẫn còn đó những mẩu chuyện rất đẹp và kiên cường trong bão lũ

Trên hành trình tìm kiếm 8 nạn nhân còn lại sau sạt lở kinh hoàng ở Hòa Bình, đội cứu hộ cứu nạn có sự tham gia của những chú chó nghiệp vụ thuộc K20 Bộ tư lệnh Cảnh sát cơ động, Kha là một trong những "chiến sĩ" đặc biệt đó! Suốt hơn 4 tiếng đồng hồ trời liên tục mưa, dưới chân là bùn ngập tới gối, nước ngầu đục cuồn cuộn, nhiều đoạn nước xiết khiến đội tìm kiếm phải leo ngược lên đỉnh núi. Những lần đi qua chỗ trơn trượt, nhiều rãnh, vực sâu, Thiếu úy Tạ Quốc Dũng (26 tuổi) lại quay đầu nhìn Kha và động viên "Mày sẽ nhảy qua được, nhảy đi Kha!". 

Trận lũ lịch sử hoành hành miền Bắc: Những câu chuyện đau lòng và tình người nơi lũ quét qua - Ảnh 11.

Câu chuyện của Thiếu úy Dũng và Kha. Nguồn: Facebook Hoàng Trường Giang.

2 ngày liên tục dầm mưa vật lộn trong bùn đất sạt lở với mong muốn tìm được những người dân còn có cơ hội sống, chú chó Kha rất mệt. Nhiều đoạn đường, Thiếu úy Dũng nói anh em cứ đi trước để Kha được nghỉ ngơi tí. Những lúc này, Kha nằm phục dưới đất và thở dốc còn anh Dũng lấy bi đông nước đeo bên hông ra nhẹ nhàng đổ ra tay cho chú chó uống. Khi khỏe lại được tí, anh Dũng và Kha lại lên đường, tiếp tục đào bới kiếm tìm đồng bào dưới lớp bùn đất. Họ - vừa là đồng đội - vừa là anh em của nhau...

Trước trận "đại hồng thủy" gây thiệt hại nặng nề cho tỉnh Thanh Hóa. Để chống chọi và khắc phục hậu quả của mưa lũ lịch sử vừa qua, toàn tỉnh đã huy động hàng trăm nghìn người giúp dân sơ tán, bảo vệ tài sản, túc trực hộ đê. Không quản ngại khó khăn, mọi lực lượng đều sẵn sàng xông pha vào những khu vực trọng yếu, nguy hiểm. Họ đội mưa, ngâm mình hàng giờ đồng hồ dưới nước giúp dân hộ đê, đưa người bị cô lập đến nơi sơ tán. Những bữa ăn tạm bợ ngay cả trên sóng nước, những giờ phút tranh thủ được nghỉ ngơi cũng chỉ 1 - 2 tiếng rồi họ lại lên đường tiếp tục nhiệm vụ. 

Trận lũ lịch sử hoành hành miền Bắc: Những câu chuyện đau lòng và tình người nơi lũ quét qua - Ảnh 12.

Xe chở đất cát bị lún, các chiến sỹ bộ đội thuộc Tiểu đoàn 40, Trung đoàn 762, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Thanh Hóa hò reo đẩy xe để kịp gia cố đê chắn lũ - Ảnh: Ngọc Thắng.

Trận lũ lịch sử hoành hành miền Bắc: Những câu chuyện đau lòng và tình người nơi lũ quét qua - Ảnh 13.
 
Trận lũ lịch sử hoành hành miền Bắc: Những câu chuyện đau lòng và tình người nơi lũ quét qua - Ảnh 13.
 
Trận lũ lịch sử hoành hành miền Bắc: Những câu chuyện đau lòng và tình người nơi lũ quét qua - Ảnh 13.

Hình ảnh các chiến sĩ công an, bộ đội ngâm mình không ngại khó khăn giúp dân sau lũ. Nguồn: Báo Người lao động. 

Trong khi đó tại khu Chiềng 2, xã Lai Động, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ sạt lở đã khiến một cụ bà bị thương nặng. Nhưng do trời mưa lớn, ngập lụt cộng với đường sá hiểm trở nên người nhà chỉ kịp truyền nước cho cụ tại gia. Ngày hôm sau, do bệnh tình trở nên nặng hơn, gia đình đã kêu gọi bà con tại khu Chiềng 2 đưa cụ đi bệnh viện cấp cứu. Mọi người chia nhau, nhóm làm nhiệm vụ khiêng cụ, 1 người giữ ống truyền nước và rất nhiều người khác đi theo trợ giúp. Trên đường đi, ai nấy đều liên tục động viên nhau cố gắng và hỏi thăm sức khỏe của cụ. Rất may cuối cùng mọi việc đều suôn sẻ, ai cũng hy vọng cụ sẽ được đưa tới bệnh viện và chữa trị kịp thời.

Tất cả đều là những nỗi đau không một ai mong muốn, là những mất mát về vật chất lẫn tinh thần. Con số thương vong và thiệt hại ngày một tăng dần. Thiên tai có thể mang sức đe dọa tàn bạo nhưng không làm bất cứ ai phải lùi bước. 

Lũ dữ đi qua, nỗi đau để lại còn nặng nề. Nhưng bằng sự chung tay của cả cộng đồng, chúng ta sẽ lại mạnh mẽ đứng dậy. 

Theo Nhóm PV (Trí Thức Trẻ)