Xã hội

TP.HCM cho trường mầm non, trung tâm ngoại ngữ mở cửa theo vùng

Ở những địa bàn dịch cấp độ 1, các trường mầm non được đón toàn bộ trẻ đến lớp. Địa bàn có cấp độ khác được nhận trẻ hạn chế theo số tuổi.

Sở GD&ĐT TP.HCM vừa có hướng dẫn tạm thời về việc tổ chức hoạt động dạy học trực tiếp tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn.

Các cơ sở giáo dục có cấp học THPT hoạt động theo cấp độ dịch của thành phố. Các cơ sở giáo dục còn lại hoạt động theo cấp độ dịch của thành phố Thủ Đức hoặc quận, huyện nơi trường trú đóng.

TP.HCM cho trường mầm non, trung tâm ngoại ngữ mở cửa theo vùng
Ảnh minh họa

Ở địa phương cấp độ 1 (vùng xanh), các trường được dạy trực tiếp, cấp trung học không quá 30 tiết mỗi tuần.

Theo quy định của chương trình giáo dục phổ thông, số tiết trong một tuần ở bậc tiểu học là 25-30; mỗi tiết trung bình 30 phút. Ở bậc THCS và THPT, số tiết trong tuần là 29-30, mỗi tiết 45 phút. Như vậy, ở địa phương cấp độ 1, các trường được dạy theo đúng chương trình chính khoá.

TP HCM tính đến 25/11 có 9 quận huyện cấp độ 1 gồm: 1, 6, 7, 8, 11, Tân Bình, Bình Chánh, Củ Chi, Cần Giờ.

Các trường cấp độ 2 (vùng vàng) cũng được dạy học trực tiếp, thời lượng khác nhau tùy từng khối lớp.

Tất cả học sinh mầm non trên 25 tháng tuổi được đi học nhưng không được tổ chức các hoạt động ngoài nhà trường.

Với trường tiểu học, tất cả học sinh các khối học trực tiếp. Nhưng khối 1 và 2 học 100% thời lượng. Ba khối còn lại học 50% trực tiếp, còn lại học trực tuyến.

Bậc trung học, gồm cả hệ giáo dục thường xuyên, học trực tiếp không quá 18 tiết mỗi tuần, còn lại dạy trực tuyến. Với khối 6, 9 và 12, nhà trường có thể bố trí thời lượng học trực tiếp tăng thêm nhưng không quá 24 tiết mỗi tuần.

Các trung tâm ngoại ngữ, tin học, giáo dục kỹ năng sống và hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa được hoạt động tối đa 50% số lượng học viên.

Thành phố hiện có 13 địa phương cấp độ 2, gồm các quận, huyện: 3, 4, 5, 10, 12, Bình Thạnh, Bình Tân, Gò Vấp, Phú Nhuận, Tân Phú, TP Thủ Đức, Hóc Môn, Nhà Bè.

Địa phương cấp độ 3 (vùng cam) dạy học trực tiếp kết hợp với trực tuyến, truyền hình.

Với trường mầm non, tất cả trẻ mẫu giáo 4-6 tuổi được đi học. Nhà trường không tổ chức ăn sáng, hạn chế hoạt động ngoại khóa (bơi, vẽ, võ, thể dục nhịp điệu), không tổ chức các hoạt động lễ hội, sự kiện, ăn uống đông người...

Ở cấp tiểu học, tất cả học sinh lớp 1 và 2 đi học trực tiếp với thời lượng không quá 50%; các khối còn lại chỉ học trực tuyến.

Cấp trung học, lịch học trực tiếp không quá 12 tiết mỗi tuần. Học sinh lớp 6, 9 và 12 không quá 18 tiết. Trường không dạy hai buổi mỗi ngày.

Trung tâm ngoại ngữ, tin học, giáo dục kỹ năng sống và hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa hoạt động tối đa 25% số lượng học viên.

Ở vùng dịch cấp độ 4 (vùng đỏ), tất cả cấp học, bậc học đều học trực tuyến, trên truyền hình và giao bài cho học sinh tự học.

Từ ngày 13/12, TP HCM sẽ thí điểm dạy học trực tiếp với lớp 1, 9, 12 trong hai tuần. Trẻ mẫu giáo 5 tuổi bắt đầu đến trường từ 20/12. Với huyện Cần Giờ, trường mầm non Thạnh An, tiểu học Thạnh An, THCS - THPT Thạnh An học trực tiếp ở tất cả khối lớp từ 13/12.

Sau hai tuần thí điểm đi học lại, thành phố sẽ tổ chức sơ kết, rút kinh nghiệm. Sở Giáo dục và Đào tạo và Sở Y tế sẽ tham mưu cho UBND TP HCM quyết định việc tiếp tục mở rộng cho học sinh đến trường.

Sở Giáo dục và Đào tạo đề nghị UBND TP Thủ Đức, quận, huyện tuỳ điều kiện thực tế địa phương, ban hành kế hoạch tổ chức học trực tiếp theo quy định chung của thành phố. Dự kiến ngày 6/12, thành phố sẽ tổ chức hội nghị toàn ngành giáo dục bàn kế hoạch, phương án đảm bảo an toàn khi học sinh trở lại.

Ngọc Trâm (Nguoiduatin.vn)




https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/docbaovn/tphcm-cho-truong-mam-non-trung-tam-ngoai-ngu-mo-cua-theo-vung-tintuc799356