Xã hội

Tổng bí thư yêu cầu 'tạo được sự đột phá' trong cải cách tiền lương

Quy định mức lương bằng lương cơ sở (hiện là 1,3 triệu đồng/tháng) nhân với hệ số đã không thể hiện rõ giá trị thực của tiền lương.

Phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII) sáng nay 7/5, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết Hội nghị lần này sẽ thảo luận về các nội dung: Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong các doanh nghiệp; cải cách chính sách bảo hiểm xã hội; và một số vấn đề quan trọng khác.

Tổng bí thư yêu cầu 'tạo được sự đột phá' trong cải cách tiền lương
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu khai mạc Hội nghị trung ương 7, khóa XII. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Chính sách tiền lương đang tồn tại nhiều bất cập

Đề cập đến cải cách chính sách tiền lương, Tổng bí thư nói đây là nội dung rất quan trọng, có quan hệ chặt chẽ với các chính sách khác trong hệ thống chính sách kinh tế - xã hội, liên quan trực tiếp đến các cân đối lớn của nền kinh tế, thị trường lao động và đời sống của người hưởng lương...

Theo ông, chính sách tiền lương trong khu vực công còn phức tạp, thiết kế hệ thống bảng lương chưa phù hợp với vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo; còn mang nặng tính bình quân, cào bằng, chưa tạo được động lực để nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả làm việc của người lao động.

Quy định mức lương bằng mức lương cơ sở (hiện là 1,3 triệu đồng/tháng) nhân với hệ số đã không thể hiện rõ giá trị thực của tiền lương. Có quá nhiều loại phụ cấp, nhiều khoản thu nhập ngoài lương do nhiều cơ quan quyết định, bằng nhiều văn bản quy định khác nhau, làm phát sinh nhiều bất hợp lý, không thể hiện rõ thứ bậc hành chính trong hoạt động công vụ; chưa động viên được người có chuyên môn, nghiệp vụ, năng suất lao động cao.

Tổng bí thư nêu rõ, tiền lương cơ bản của khu vực công thấp hơn khu vực doanh nghiệp, chưa bảo đảm nhu cầu thiết yếu của đời sống và chưa phải là nguồn thu nhập chính của nhiều người hưởng lương. Việc thực hiện xã hội hoá và điều chỉnh giá phí dịch vụ công theo cơ chế thị trường trong nhiều lĩnh vực còn chậm. Nhiều địa phương còn dư nguồn cải cách tiền lương nhưng không được chi lương cao hơn.

Tiền lương trong các loại hình doanh nghiệp chưa phản ánh đúng quan hệ phân phối theo lao động trong nền kinh tế thị trường, chưa tạo được động lực nâng cao năng suất lao động, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh. Việc Nhà nước quy định một số nguyên tắc về xây dựng thang, bảng lương đã can thiệp quá sâu vào quyền tự chủ tiền lương của doanh nghiệp; chưa phát huy được vai trò, tác dụng của cơ chế thương lượng, định đoạt tiền lương giữa người sử dụng lao động và người lao động trong quan hệ lao động.

Cơ chế quản lý tiền lương đối với doanh nghiệp nhà nước chưa thực sự gắn tiền lương của người lao động với năng suất lao động và hiệu quả kinh doanh.

"Vì vậy, đã đến lúc chúng ta phải tiến hành cải cách một cách cơ bản chính sách tiền lương để khắc phục những hạn chế, bất cập nêu trên", ông nói.

Tổng bí thư cho rằng Trung ương cần thống nhất nhận thức về sự cần thiết, cấp bách và tính khả thi của việc tiến hành cải cách chính sách tiền lương trong bối cảnh hiện nay.

"Xác định rõ quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn; những chính sách, biện pháp, nhất là nội dung có tính đột phá, khả thi cao để sớm khắc phục những hạn chế, bất cập hiện nay, bảo đảm cho cải cách tiền lương lần này thực sự tạo được sự đột phá trong chế độ phân phối, tạo động lực cho người lao động và nền kinh tế nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh...", Tổng bí thư nhấn mạnh.

Chú ý đến người yếu thế khi cải cách bảo hiểm xã hội

Về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, Tổng bí thư nói đây là lĩnh vực rộng lớn, phức tạp, nhạy cảm về chính trị - kinh tế - xã hội, bao gồm các chế độ hưu trí, tử tuất, ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và thất nghiệp...

Theo ông, Trung ương cần tập trung xác định, làm rõ những quan điểm, mục tiêu đổi mới; nội dung cải cách, nhất là các vấn đề như: Mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội, hướng tới mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân; bảo đảm cân đối tài chính bảo hiểm xã hội trong dài hạn; điều chỉnh tuổi nghỉ hưu phù hợp với bối cảnh, tình hình mới...

"Chú ý đến cả khu vực công và tư; người đang làm việc và người đã nghỉ hưu; nơi có quan hệ lao động và nơi chưa có quan hệ lao động, nhất là đối với nông dân, người nghèo, người yếu thế trong xã hội", ông nói.

Tổng bí thư yêu cầu 'tạo được sự đột phá' trong cải cách tiền lương - 1
Hội nghị Trung ương 7, khóa XII làm việc đến hết ngày 12/5. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Trước đó, đại diện Ban chỉ đạo Đề án cải cách chính sách tiền lương cho biết, với khu vực công,  Đề án xác định thiết kế cơ cấu tiền lương và tiền thưởng mới, gồm lương cơ bản (chiếm khoảng 70% tổng quỹ lương), các khoản phụ cấp (chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương) và tiền thưởng (nằm ngoài quỹ lương, bằng khoảng 10% tổng quỹ lương).

Theo quy định hiện hành, mức lương cơ bản chiếm 100%, chỉ những ngành đặc thù có phụ cấp. Tuy nhiên, lâu nay cơ cấu này bị phá vỡ, mỗi cơ quan ra một văn bản quy định riêng. Ví dụ, một số cơ quan Đảng có 30% phụ cấp; công chức hành chính có 25% phụ cấp công vụ. "Đây là lý do mà thiết kế cơ cấu tiền lương cần thiết được dỡ ra làm lại", một chuyên gia giải thích.

Thang, bảng lương hiện hành sẽ được bãi bỏ để ban hành hệ thống bảng lương mới (quy định bằng số tiền tuyệt đối, thay cho việc quy định hệ số lương nhân với mức lương cơ sở) theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo. Nội dung cải cách này được thực hiện trên cơ sở điều chỉnh tăng mức lương thấp nhất, mở rộng quan hệ tiền lương tiệm cận với khu vực thị trường...

Đề án cải cách chính sách bảo hiểm xã hội đề xuất 8 điểm mới gồm mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội, xây dựng hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng và hướng tới mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân; điều chỉnh tuổi nghỉ hưu theo hướng tăng dần; kết hợp hài hòa các nguyên tắc đóng - hưởng, chia sẻ và thu hẹp khoảng cách về mức lương hưu; rút ngắn thời gian tham gia BHXH...

Dự kiến, Hội nghị Trung ương 7 làm việc trong một tuần, bế mạc vào ngày 12/5.

Việt Nam đã trải qua 4 lần cải cách chính sách tiền lương, vào các năm 1960, 1985, 1993 và năm 2003. Kết luận của Hội nghị Trung ương 8 khoá IX về Đề án cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công giai đoạn 2003 - 2007 đã từng bước được bổ sung, hoàn thiện theo chủ trương, quan điểm chỉ đạo của Đại hội Đảng các khoá X, XI, XII, đặc biệt là các kết luận của Hội nghị Trung ương 5 và Hội nghị Trung ương 7 khoá XI về vấn đề này. 

Theo Hoàng Thùy (VnExpress.net)