Xã hội

Tổng bí thư: Ai nhụt chí chống tham nhũng thì dẹp sang để người khác làm

Người đứng đầu Đảng cho rằng việc chống thoái hóa, biến chất đã thúc đẩy các nhiệm vụ kinh tế-xã hội.

Ngày 10/4, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì cuộc họp của Ban bí thư Trung ương Đảng, nghe báo cáo tổng hợp kết quả kiểm tra việc tổ chức thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh (nghị quyết và chỉ thị).

Đánh giá cao việc thành lập 5 đoàn kiểm tra nội dung trên tại 10 tỉnh và 5 cơ quan Trung ương, Tổng bí thư nói đây là việc làm rất cần thiết. Qua kiểm tra cho thấy công tác xây dựng Đảng trên thực tế đã được coi trọng hơn, việc triển khai nghị quyết và chỉ thị nghiêm túc, bài bản, đúng kế hoạch.

Theo ông, nhiều địa phương đã có cách làm sáng tạo như tại tỉnh Trà Vinh, từ 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống được đề cập trong Nghị quyết Trung ương 4, địa phương này đã cụ thể hóa thành hơn 80 biểu hiện và phổ biến để đảng viên biết, phòng tránh. Ngoài ra, nhiều nơi in sổ nhỏ bỏ túi 27 biểu hiện và đặt ở các điểm thường xuyên có người qua lại để ai cũng cảm thấy cần thiết, để tự soi tự sửa mình.

Tổng bí thư: Ai nhụt chí chống tham nhũng thì dẹp sang để người khác làm
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: TTX

Sợ nhụt chí là tư tưởng sai

“Chúng ta tập trung giải quyết những vấn đề tồn đọng, sửa chữa khuyết điểm và tập trung xử lý các sai phạm, vi phạm pháp luật Nhà nước, cùng với việc giáo dục, xây dựng tư tưởng phòng ngừa. Không chỉ nặng xây mà không chống, cũng không phải đi chống mà không xây. Đây là điểm nổi bật của năm 2017”, Tổng bí thư nói.

Người đứng đầu Đảng cũng chỉ rõ, qua kiểm tra, các sai phạm đã được thẳng thắn chỉ ra, được khắc phục, sửa chữa nhiều hơn và tác động vào việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội. Thực tế cho thấy, không phải như một số dư luận lo ngại, chỉ có lo xây dựng Đảng, lo chống tham nhũng sẽ làm nhụt chí, mà ngược lại, chính làm tốt công tác xây dựng Đảng, phát huy ưu điểm, chống thoái hóa biến chất đã thúc đẩy các nhiệm vụ kinh tế-xã hội, quốc phòng an ninh, đối ngoại.

"Kết quả năm 2017 chứng tỏ điều đó, không làm cho phong trào đi xuống mà còn đi lên. Tăng trưởng kinh tế quý I/2018 lần đầu sau 10 năm đạt 7,38%. Có ý kiến cho rằng “phải làm cẩn thận, không nhụt chí không ai muốn làm”, rõ ràng tư tưởng đó sai. Tôi đã nói, nếu ai cảm thấy cản trở, nhụt chí thì dẹp sang một bên cho người khác làm. Đây là kinh nghiệm lớn, thực tế vừa qua như vậy, mặt được là như vậy, bây giờ tạo phong trào toàn dân tham gia xây dựng Đảng, tham gia phòng chống tham nhũng, lãng phí, chống tiêu cực”, Tổng bí thư nhấn mạnh.

Về những hạn chế, Tổng bí thư cho rằng vẫn còn tình trạng “trên nóng dưới lạnh”, sự chuyển biến chưa toàn diện, chưa đồng bộ giữa các cấp, các ngành, các lĩnh vực; có tình trạng dưới cơ sở học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh còn hình thức, chưa có nhiều sáng kiến, đổi mới và đang dần đi vào lối mòn, nhất là khi phong trào này đã được thực hiện từ năm 2003 đến nay...

Ông cũng đề cập đến việc nội hàm tự diễn biến, tự chuyển hóa về tư tưởng chính trị chưa được chú ý, mà mới nặng về đạo đức lối sống, xử lý các sai phạm kinh tế; cái sâu xa là trung thành tuyệt đối với Đảng, kiên định với chế độ; cần chú ý ngăn chặn những biểu suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” cả về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống.

Khi có khuyết điểm mà sửa thì uy tín ngành cao hơn

Phân tích nguyên nhân, bài học kinh nghiệm, Tổng bí thư cho rằng, ngoài nguyên nhân khách quan "đây là việc khó, phức tạp, liên quan đến con người, liên quan đến tổ chức; sự chống phá của các thế lực thù địch", thì vẫn có tình trạng chủ quan, sự chưa quyết liệt của người đứng đầu, vẫn còn trình trạng làm qua loa, đối phó, chưa thực sự cầu thị, còn tư tưởng thành tích chủ nghĩa.

Dẫn câu chuyện ngành công an xử lý nhiều cán bộ cao cấp cũng như sắp xếp lại tổ chức bộ máy, Tổng bí thư cho rằng khi có khuyết điểm mà sửa thì uy tín của ngành càng cao hơn.

"Kinh nghiệm rất lớn là làm toàn diện, đồng bộ, quyết tâm kiên trì, huy động rộng rãi các lực lượng, sức mạnh. Không chỉ bằng hô hào, khuyên bảo, kêu gọi mà phải bằng cơ chế, luật pháp, xử lý sai phạm thì mới có tác dụng tốt", ông nói.

Trước đó, thực hiện chương trình kiểm tra năm 2017 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, 5 đoàn công tác đã tiến hành kiểm tra việc thực hiện nghị quyết, chỉ thị tại 10 tỉnh và 5 cơ quan Trung ương.

Kết quả kiểm tra cho thấy, các cấp ủy, tổ chức Đảng đã học tập, quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc nghị quyết gắn với chỉ thị; xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, lựa chọn được những vấn đề đột phá, những vấn đề khó, bức xúc của địa phương, cơ quan, đơn vị để tập trung giải quyết; phân công trách nhiệm cụ thể cho từng tổ chức, cá nhân và lộ trình thực hiện...

Sau khi nghe báo cáo tổng hợp của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, các ý kiến thảo luận tại phiên họp, Ban bí thư cơ bản nhất trí với các kiến nghị, đề xuất của 5 đoàn kiểm tra về một số việc cần tiếp tục chỉ đạo thực hiện. Trong đó có việc tiếp tục thực hiện tốt quy định người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp trực tiếp đối thoại với nhân dân; quy định trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền trong việc tiếp thu góp ý của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.

Theo Xuân Hoa (VnExpress.net)