Xã hội

Tỉnh ủy Bình Thuận đề nghị xem xét vụ "nhận chìm vật chất"

Ngoài việc đề nghị Trung ương chỉ đạo ngành chức năng xem xét việc nhận chìm một cách khách quan, toàn diện, Bình Thuận đề nghị tăng thêm hơn 10 điểm quan trắc nữa để có các số liệu so sánh, đối chứng. 

Ngoài việc đề nghị Trung ương chỉ đạo ngành chức năng xem xét việc nhận chìm một cách khách quan, toàn diện, Bình Thuận đề nghị tăng thêm hơn 10 điểm quan trắc nữa để có các số liệu so sánh, đối chứng. 

Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận Nguyễn Mạnh Hùng (phải) và Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Ngọc Hai (trái) tại buổi làm việc với Bộ TN-MT ngày 7-7 để bàn về thực hiện giấy phép nhận chìm gần 1 triệu m3 cho an toàn - Ảnh: ĐÔNG HÀ

Chiều 24-7, trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Mạnh Hùng - bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận - xác nhận Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có văn bản báo cáo Thường trực Ban bí thư, Ban Kinh tế trung ương đề nghị xem xét lại một cách khách quan, toàn diện giấy phép nhận chìm gần 1 triệu m3 vật chất nạo vét ở nhiệt điện Vĩnh Tân mà Bộ Tài nguyên - môi trường cấp (TN-MT) cho Công ty TNHH Nhiệt điện Vĩnh Tân 1.

Ông Hùng cho biết trước dư luận, ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học đã nêu trong thời gian qua, Tỉnh ủy Bình Thuận đề nghị trung ương chỉ đạo ngành chức năng xem xét việc nhận chìm một cách khách quan, toàn diện.

Mục đích để làm sao đảm bảo tính trung thực khi thực hiện giấy phép và quan trọng không để tác động đến môi trường không xảy ra như ý kiến của một số chuyên gia, nhà khoa học nói.

Ngoài ra, Tỉnh ủy Bình Thuận cũng đề nghị chưa vội cấp phép nhận chìm 2,4 triệu m2 vật chất cho một đơn vị khác ở cụm nhiệt điện Vĩnh Tân (Tổng công ty phát điện 3 thuộc Tập đoàn Điện lực VN - đại diện chủ đầu tư dự án nhà nhiệt điện Vĩnh Tân 4 và 4 mở rộng - PV) mà Bộ TN-MT đang xem xét cấp phép.

Tỉnh ủy Bình Thuận đề nghị xem xét vụ 'nhận chìm vật chất'

Khu vực cảng của nhiệt điện Vĩnh Tân sẽ nạo vét gần 1 triệu mét khối “vật chất” - Ảnh: ĐÔNG HÀ

Theo ông Hùng, thay vì “nhận chìm” ngoài biển, tỉnh Bình Thuận thấy có giải pháp khác tốt hơn. “Ví dụ sử dụng vật chất nạo vét đó để bồi đắp. Đặc biệt, hiện một số nơi tại Bình Thuận bị xói lở thì xây kè rồi đổ vật chất nạo vét đó lên”, ông Hùng nói.

Về câu hỏi nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước, nguy cơ dẫn đến thiệt hại đối vơi ngư dân đánh bắt hải sản gần bờ và những doanh nghiệp nuôi tôm giống ở Vĩnh Tân, ông Hùng cho biết tỉnh đã trao đổi lại với Bộ TN-MT và bộ này nói đã có tính toán. 

Tuy nhiên, theo ông Hùng, tính toán cụ thể như thế nào, có phù hợp với thực tế hay không thì phải có kiểm nghiệm cụ thể. Do đó, Bình Thuận đã đề nghị tăng thêm hơn 10 điểm quan trắc nữa (ngoài 10 điểm trước đây theo phương án đã được duyệt) và yêu cầu quan trắc trước, trong và sau khi thực hiện để có các số liệu so sánh, đối chứng. 

Thời gian quan trắc kéo dài từ 9 tháng đến 1 năm sau khi thực hiện xong.

Theo Đông Hà - Đức Trọng (Tuổi Trẻ)