Xã hội

Thượng tọa Thích Đức Thiện không tin sư Toàn có tài sản 200 - 300 tỷ đồng

Theo Thượng tọa Thiện, căn cứ theo luật Phật, Hiến chương, Nội quy Ban Tăng sự trung ương thì sư Toàn không được quyền nhận tài sản và chỉ Giáo hội mới có quyền định đoạt tài sản.

Sáng 10/10, trao đổi với PV, Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết, chiều 9/10, Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch TT HĐTS Trung ương GHPGVN đã có văn bản chỉ đạo tới Ban Trị sự Giáo hội PGVN tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu giải quyết về vấn đề khối tài sản mà nhà sư Thích Thanh Toàn muốn xin giữ lại sau khi hoàn tục.

Theo Thượng tọa Thiện, sau khi báo chí nêu về buổi làm việc nhà sư Thích Thanh Toàn xin xả giới hoàn tục và xin giữ lại tài sản nói có trị giá 200-300 tỷ đồng Trung ương GHPGVN đã chỉ đạo Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Vĩnh Phúc xác minh rõ nguồn gốc tài sản.

"Giáo hội đã chỉ đạo Ban trị sự Phật giáo tỉnh Vĩnh Phúc phải xác minh rõ nguồn gốc tài sản như sư Toàn nói và có hay không tài sản có giá trị 200-300 tỷ như phát ngôn.

Bởi con người sư Toàn theo báo cáo của Đại đức Thích Thanh Phương, Trưởng Ban trị sự Phật giáo huyện Tam Đảo thì phát ngôn nhiều khi không đúng. Ban Trị sư nói không tin thầy Toàn có tài sản như thầy phát ngôn. 

Tôi cũng đã từng tiếp xúc và thấy, sư Toàn là người có vấn đề", Thượng tọa Thích Đức Thiện nói.

Thượng tọa Thích Đức Thiện không tin sư Toàn có tài sản 200 - 300 tỷ đồng

Thượng tọa Thích Đức Thiện. 

Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng chỉ đạo Ban Trị sự Phật giáo VN tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị các Sở, Ban, ngành chức năng của tỉnh phối hợp làm rõ nguồn gốc tài sản, có hay không có giá trị tài sản như thầy Toàn phát ngôn.

Đồng thời, Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng đã liên hệ trực tiếp với Trưởng ban Tôn giáo tỉnh Vĩnh Phúc để phối hợp với Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Vĩnh Phúc sớm làm rõ vấn đề này.

"Chúng tôi nhận được báo cáo nhanh là hiện nay sư Toàn đang đứng tên hơn 6.000m2 đất mà thầy tự mua ở xung quanh chùa Nga Hoàng. 

Nguồn gốc đất này là đất nông nghiệp, một số là đất thủy lợi. Tuy nhiên chưa được chuyển nhượng theo Luật Đất đai", Thượng tọa Thích Đức Thiện thông tin.

Ông nói thêm, dù việc đứng tên có đúng theo Luật đất đai nhưng chiểu theo Luật Phật, với một vị Tỳ kheo, tất cả tài sản đều thuộc về Tăng (Tăng đoàn). Một vị Tỳ kheo ngay cả khi viên tịch có ba tấm y cà sa cũng phải chuyển lại cho Tăng, không hề có chuyện thừa kế.

Thượng tọa Thích Đức Thiện cũng khẳng định, tài sản của chùa, tiền công đức của Phật tử là tài sản chung, không thể có chuyện lẫn lộn.

Trụ trì là đại diện của Tăng đoàn, cho Tam bảo, nên việc tiếp nhận công đức không thể xác lập tài sản đó là của thầy. Các Phật tử cũng nên hiểu là cúng gì thì cúng, cũng là cúng cho Tăng đoàn.

Lãnh đạo Trung ương GHPGVN dẫn giải, y cứ theo Luật Phật, thầy Toàn không có quyền sở hữu tài sản này. Căn cứ Hiến chương Giáo hội Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tài sản thuộc về Giáo hội. 

Còn căn cứ Nội quy Ban Tăng sự Trung ương, Giáo hội mới có quyền định đoạt tài sản. Ban trị sự có quyền định đoạt tài sản thuộc tự viện địa phương. Nội quy Ban Tăng sự Trung ương quy định rất rõ khi bổ nhiệm trụ trì tất cả tài sản thuộc về Tăng. 

"Căn cứ theo luật Phật, Hiến chương và Nội quy Ban Tăng sự trung ương thì sư Toàn không được quyền nhận tài sản, chỉ Giáo hội mới có quyền định đoạt tài sản. Sư Toàn đề nghị là một chuyện, còn quyết định là việc của Giáo hội

Việc thầy lý luận do công đức cá nhân, nhưng cá nhân thuộc về Tăng. Nếu thầy không đại diện của Tăng, của Tam Bảo thì không ai công đức cho thầy", Thượng tọa Thiện nhấn mạnh.

Tổng Thư ký Trung ương Giáo hội PGVN khẳng định thêm: "Qua những gì tìm hiểu, tôi khẳng định, bản thân tôi và Giáo hội không tin rằng thầy Toàn có khối tài sản lớn như thế nên đang yêu cầu xác minh nguồn gốc, thực hư con số 200-300 tỷ đồng. 

Việc quyết định tài sản thầy có sở hữu thế nào do GHPGVN quyết định. Tài sản đó thuộc về Tăng, thuộc về chùa Nga Hoàng và GHPGVN tỉnh Vĩnh Phúc.

Ngay cả ô tô nếu có mang tên thầy Toàn, sau khi xác minh nguồn gốc tài sản, cũng y cứ theo Luật Phật vẫn là tài sản của chùa. Việc thầy xin lại là việc của thầy, Giáo hội có cho phép hay không là chuyện khác".

Theo Hoàng Đan (Soha/Trí Thức Trẻ)