Xã hội

Thực hư việc chuyên gia Nhật Bản từ bỏ thí điểm làm sạch sông Tô Lịch

Công ty CP Cải thiện Môi trường Nhật Việt (JVE) khẳng định, tổ chức Nhật bản chưa tuyên bố, hoặc thông tin về việc dừng xử lý ô nhiễm, cải tạo sông Tô Lịch.

Liên quan đến thông tin đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho rằng, Công ty CP Cải thiện Môi trường Nhật Việt (JVE) từ bỏ việc xử lý ô nhiễm tại một đoạn sông Tô Lịch và một góc hồ Tây, ngày 18/6, thông tin tới PV Báo Gia đình & Xã hội, Công ty JVE khẳng định, đơn vị chưa bao giờ thông tin, hoặc tuyên bố việc dừng xử lý ô nhiễm, cải tạo sông Tô Lịch.

Thực hư việc chuyên gia Nhật Bản từ bỏ thí điểm làm sạch sông Tô Lịch
Một góc sông Tô Lịch (đoạn đầu đường Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy) được xử lý thí điểm bằng công nghệ Bio-Reactor Nhật Bản. Ảnh: Bảo Loan.

Công ty Nhật Việt cũng thẳng thắn: "JVE bất ngờ khi nhận được thông tin đại diện Sở Xây dựng Hà Nội nói rằng, JVE đã từ bỏ xử lý sông Tô lịch. Bởi đến thời điểm này, JVE và đơn vị Nhật Bản đang lên Đề án tổng thể để báo cáo lãnh đạo Thành ủy Hà Nội về Dự án cải tạo sông Tô Lịch thành một khu thăm quan du lịch đẹp và ý nghĩa như dòng suối Cheonggyecheon giữa lòng thủ đô Seoul (Hàn Quốc)".

Về việc chưa gửi báo cáo kết quả thí điểm cùng các văn bản pháp lý đến thành phố Hà Nội, JVE lý giải, thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên các chuyên gia Nhật bản chưa thể nhập cảnh vào Việt Nam để tiến hành các nội dung như đã đề cập trước đó. Hơn nữa, JVE cũng không có thẩm quyền thay thế phía đơn vị Nhật Bản hoàn thành các yêu cầu mà các cơ quan của Hà Nội đưa ra.

Thực hư việc chuyên gia Nhật Bản từ bỏ thí điểm làm sạch sông Tô Lịch - 1
Hình ảnh ghi lại trước xử lý, mùi hôi thối nồng nặc (chỉ số mùi: 999). Ảnh: JVE cung cấp.

JVE cho biết thêm, sở dĩ JVE các chuyên gia Nhật có mặt tại Việt Nam xử lý việc ô nhiễm cũng giống như việc thấy nhà ai gặp khó khăn thì giúp đỡ.

Liên quan đến giải pháp làm sạch sông Tô Lịch, trước đó, trả lời phỏng vấn Báo Gia đình & Xã hội, một số chuyên gia đã cho rằng, sông Tô Lịch có 2 nguồn ô nhiễm chính.

Đầu tiên là nguồn ô nhiễm do nước thải từ bên ngoài và để giải quyết được nguồn ô nhiễm này thì chỉ còn cách cây dựng cống ngầm thu gom nước thải đưa về Nhà máy xử lý nước thải tập trung Yên Xá, như chủ trương của thành phố Hà Nội.

Thực hư việc chuyên gia Nhật Bản từ bỏ thí điểm làm sạch sông Tô Lịch - 2
Hình ảnh trước xử lý, chất hữu cơ váng xanh nổi kín mặt hồ trung hòa (1 bể trong dây truyền xử lý nước thải của JVE). Ảnh: JVE cung cấp.

Nguồn ô nhiễm thứ hai là đang tồn tại bên trong dòng sông Tô Lịch. Nói về vấn đề này, chuyên gia Nhật Bản đánh giá rằng, việc xây dựng cống ngầm thu gom nước thải sẽ chỉ giải quyết được nguồn thải bên ngoài, còn nguồn ô nhiễm bên trong dòng sông thì vẫn chưa được xử lý.

Nếu như việc xây dựng cống ngầm thu gom nước thải được thực hiện trước thời điểm sông Tô Lịch bị ô nhiễm thì chỉ cần thu gom nước thải ở bên ngoài là đã xử lý được ô nhiễm.

Còn xây dựng sau khi dòng sông bị ô nhiễm thì JVE cho rằng, chỉ gom thôi thì chưa đủ, bởi sự trong xanh bên trong lòng sông khó có thể tái sinh.

Thực hư việc chuyên gia Nhật Bản từ bỏ thí điểm làm sạch sông Tô Lịch - 3
Hình ảnh mặt hồ trung hòa sau 2 tuần được xử lý ô nhiễm, toàn bộ chất hữu cơ, váng xanh nổi kín mặt đã bị phân hủy. Ảnh: JVE cung cấp.

JVE cho rằng, trong trường hợp này, nếu kết hợp với sử dụng công nghệ xử lý ô nhiễm của Nhật Bản tài trợ sẽ khả dĩ hơn. Bởi toàn bộ chất hữu cơ ô nhiễm, nổi váng trên bề mặt nước cùng tầng bùn hữu cơ ở đáy, các yếu tố gây mùi, khí độc như H2S, NH3, CH4.… sẽ được phân hủy.

Bởi với những công nghệ tối ưu nhất, thời gian qua, phía Nhật Bản đã xử lý ô nhiễm tại một số địa phương khác với nồng độ ô nhiễm, hôi thối nặng hơn nhiều lần.

Mùi hôi thối phát sinh từ đâu?

Trao đổi với PV, chuyên gia kỹ thuật của JVE cho biết: "Nước thải mới chảy đến không phải là tác nhân gây ra mùi hôi thối ngay. Mà căn nguyên mùi hôi thối là do chất hữu cơ, lớp bùn tầng đáy tích tụ trong môi trường yếm khí và sinh ra các khí độc như H2S, NH3, CH4 và chính các khí này bốc lên tạo ra mùi hôi thối và bọt sủi tăm lên mặt nước.

Do vậy, không phải cứ sục khí đưa oxy vào bằng máy sục khí thông thường là khử được mùi hôi thối mà mấu chốt nằm ở chỗ chúng ta đưa oxy vào nhưng oxy đó phải tồn tại lâu được dưới tầng đáy thì mới phân hủy được các khí gây ra mùi ở trên.

Sục khí thông thường: Tạo ra bọt khí to chỉ tồn tại khoảng 5 giây là nổi lên mặt nước và vỡ ra. Do vậy, bọt khí oxy thông thường không tồn tại ở dưới đáy được nên không phản ứng được với các khí gây ra mùi thôi hối ở tầng bùn đáy. Do vậy, nếu sục khí thông thường (như tại một địa phương ở miền Trung đã làm tại một hồ) thì càng sục càng hôi thối vì các khí độc chưa được phân hủy và và bay lên.

Sục khí nano: Tạo ra bọt khí siêu nhỏ kích thước nano (đường kính <50nm), tồn tại tối thiểu 8 tiếng (tức thời gian tồn tại lâu gấp 5760 lần so với bọt khí thông thường) trong tầng bùn đáy và phân hủy các khí độc như H2S, NH3, CH4 tức thì do vậy hiệu quả xử lý mùi rất nhanh chỉ trong một vài ngày và càng sục càng hết mùi hôi thối.

Theo Bảo Loan (Giadinh.net.vn)




http://giadinh.net.vn/xa-hoi/thuc-hu-viec-chuyen-gia-nhat-ban-tu-bo-thi-diem-lam-sach-song-to-lich-20200618200942093.htm