Xã hội

Thực hư thông tin 'GS Ngô Bảo Châu gia nhập viện Toán của Trung Quốc'

Mẹ của GS Ngô Bảo Châu khẳng định, thông tin cho rằng, con trai bà gia nhập Viện Toán thuộc Học viện Cáp Nhĩ Tân (Trung Quốc) hoàn toàn không chính xác.

Vài ngày qua, trên mạng xã hội xuất hiện thông tin lan truyền cho rằng, GS Ngô Bảo Châu "gia nhập Viện Toán thuộc Học viện Cáp Nhĩ Tân (Trung Quốc); lấy tên tiếng Trung là Wu Baozhu - 吴宝珠 và chức danh là Giáo sư chủ nhiệm, thuộc biên chế chính thức của Viện, không phải khách mời hay Giáo sư thỉnh giảng".

Sáng 24/1, trao đổi với PV Doanh Nghiệp & Tiếp Thị, PGS Trần Lưu Vân Hiền, mẹ của GS Ngô Bảo Châu cho biết, sau khi một số người bạn của bố GS Châu (GS.TSKH Ngô Huy Cẩn) nói chuyện về thông tin lan truyền trên mạng thì sáng sớm nay bà đã gọi điện trực tiếp cho con trai để hỏi.

Theo PGS Vân Hiền khẳng định, thông tin lan truyền trên mạng xã hội cho rằng ông gia nhập Viện Toán thuộc Học viện Cáp Nhĩ Tân (Trung Quốc) là không chính xác.

"Châu hiện nay vẫn làm việc ở Mỹ và biên chế là Giáo sư ở Đại học Chicago, đồng thời, có trách nhiệm ở Việt Nam là Giám đốc khoa học của Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán. Châu không có trong biên chế ở trường đại học nào ở Trung Quốc cả", PGS Vân Hiền nhấn mạnh.

Thực hư thông tin 'GS Ngô Bảo Châu gia nhập viện Toán của Trung Quốc'
Hình ảnh GS Ngô Bảo Châu trên website của Viện Toán thuộc Học viện Cáp Nhĩ Tân

Trao đổi với VietNamNet, GS Ngô Bảo Châu cho hay: “Cách đây mấy năm tôi có đi Cáp Nhĩ Tân một vài lần để thỉnh giảng và tham gia hội đồng đánh giá hoạt động của viện nghiên cứu bên đó. Trong một chuyến đi như thế, hiệu trưởng trường Cáp Nhĩ Tân đã có buổi tiếp chính thức, tặng kỷ niệm chương và thông báo rằng trường luôn tiếp đón tôi bất kỳ lúc nào ở tư cách giáo sư thỉnh giảng. Tôi có đi thỉnh giảng, hợp tác nhiều nơi, nên tôi không thấy việc đi thăm Cáp Nhĩ Tân có gì đặc biệt hơn. Thường khi đi thỉnh giảng ở đâu đó, tôi sẽ quay lại một vài lần để công việc đi đến một kết quả gì đó, chứ không thuần tuý chỉ đi cho biết. Vì thế tôi chấp nhận lời mời của ông hiệu trưởng với ý định sẽ còn quay lại đó 2-3 lần, hợp tác nghiên cứu với một nhà toán học ở đó. Tuy nhiên vì dịch bệnh nên tôi chưa quay lại được. Trong thời gian đó tôi cũng có thêm nhiều kế hoạch khác phát sinh nên thực tế không rõ có đi thăm Cáp Nhĩ Tân trong tương lai gần nữa không”.

GS Ngô Bảo Châu cũng cho rằng chuyện mình lấy lên tiếng Trung là Wu là hoàn toàn sai sự thật.

“Có lẽ nhà trường đã đưa tin về buổi gặp của tôi với ông hiệu trưởng kia bằng tiếng Trung Quốc. Người Trung Quốc thường sẽ phiên âm tên người Việt Nam qua chữ của họ. Sau đó có thể do dịch qua Google thành như thế. Quay lại thì thành “tin vịt” trên mạng xã hội Việt Nam”.

GS Ngô Bảo Châu một lần nữa nhấn mạnh những thông tin đang được chia sẻ trên mạng xã hội về việc ông “trở thành thành viên của Viện toán thuộc Học viện Cáp Nhĩ Tân”, “lấy tên tiếng Trung là Wu Baozhu” hay “Chức danh của GS Ngô Bảo Châu là giáo sư chủ nhiệm, thuộc biên chế chính thức của Viện toán thuộc Học viện Cáp Nhĩ Tân” là không chính xác.

“Tôi không có trong biên chế ở trường đại học nào ở Trung Quốc. Nói chung, tôi không có ý định đi làm việc lâu dài ở bất kỳ chỗ nào ở Trung Quốc mà chỉ đi thỉnh giảng, hợp tác khoa học”.

GS Châu khẳng định, hiện nay biên chế của ông là giáo sư ở Đại học Chicago và trách nhiệm ở Việt Nam là Giám đốc khoa học của Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán. GS Châu cũng cho biết thêm, trong 5 năm từ 2020-2025, ông sẽ thỉnh giảng ở College de France (Pháp) và việc đi thỉnh giảng các nơi khác sẽ không có định kỳ, chỉ là các chuyến đi ngắn.

GS Ngô Bảo Châu sinh năm 1972 ở Hà Nội. Cha của ông, Giáo sư Ngô Huy Cẩn, nguyên là Giáo sư vật lý của Viện Cơ học Quốc gia Việt Nam. Mẹ ông là Phó giáo sư Trần Lưu Vân Hiền, lương y.

Ông từng học tại trường thực nghiệm Giảng Võ, chuyên toán của THCS Trưng Vương trước khi vào khối chuyên toán của ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội).

Năm 2005, ở tuổi 33, Ngô Bảo Châu được đặc cách phong hàm giáo sư và trở thành giáo sư trẻ tuổi nhất Việt Nam. Năm 2007, sau khi chứng minh được "Bổ đề cơ bản", một giả thuyết then chốt của Chương trình Langlands, ông được trao Giải thưởng Oberwolfach của Đức, Giải thưởng của Viện Hàn lâm Pháp.

Ngày 19/8/2010, Giáo sư Ngô Bảo Châu là một trong 4 người được trao giải thưởng Fields - giải thưởng toán học cao quý nhất thế giới và trở thành nhà Toán học đầu tiên của Việt Nam giảnh được giải thưởng này.

Cũng trong năm 2010, ông được vinh danh là Công dân Thủ đô ưu tú do UBND TP Hà Nội trao tặng.

Năm 2011, ông nhận được Huân chương Bắc đẩu bội tinh. Năm 2012, ông trở thành thành viên của Hiệp hội Toán học Hoa Kỳ. Năm 20018, ông nhận thêm Giải thưởng Maurice Audin danh giá.

NT (Nguoiduatin.vn)
https://soha.vn/thuc-hu-thong-tin-gs-ngo-bao-chau-gia-nhap-vien-toan-cua-trung-quoc-20220124093811183.htm




https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/docbaovn/thuc-hu-thong-tin-gs-ngo-bao-chau-gia-nhap-vien-toan-cua-trung-quoc-tintuc806968