Xã hội

Thực hư chuyện trại lợn hơn 1.000 con nằm ‘trên đầu’ Nhà máy nước Sông Đà xả thải xuống hồ Đầm Bài

Liên quan đến hiện tượng ô nhiễm nước ở hồ Đầm Bài, có thông tin trên MXH cho rằng một trại nuôi lợn nằm gần đó có nguy cơ xả thải vào hồ, chính quyền xã Phú Minh đã lên tiếng khẳng định không có chuyện nước thải từ trang trại lợn chảy xuống hồ Đầm Bài.

Sau sự cố nguồn nước cấp cho Nhà máy nước Sông Đà bị nhiễm dầu thải khiến hàng vạn người dân tại Hà Nội khốn đốn vì thiếu nước sạch. Gần đây, mạng xã hội lại dậy sóng bởi những thông tin cho rằng một trại lợn nằm “trên đầu” Nhà máy nước Sông Đà, xả nước thải xuống hồ chứa nước để nhà máy này sản xuất nước sạch cung cấp cho người dân Hà Nội khiến người dân hết sức hoang mang.

Thực hư chuyện trại lợn hơn 1.000 con nằm ‘trên đầu’ Nhà máy nước Sông Đà xả thải xuống hồ Đầm Bài
Ảnh vệ tinh được đăng tải trên MXH với thông tin nước thải từ trại lợn chảy trực tiếp xuống hồ Đầm Bài (hồ Đồng Bãi).

Để tìm hiểu thông tin trên, ngày 18/10, PV đã trực tiếp có mặt tại trại lợn có tên Japfa Dũng Huyền (đóng tại xã Phú Minh, huyện Kỳ Sơn, Hòa Bình) được đăng trên MXH để xác minh. Được biết trại lợn có tên Dũng Huyền đã chuyển nhượng lại cho chủ mới là anh Lê Xuân Hoàng (trú tại Hà Nội), và đã chuyển tới địa điểm khác, trang trại hiện tại không có bảng tên hay đơn vị nào. 

Ông Nguyễn Trọng Lê, Chủ tịch UBND xã Phú Minh (huyện Kỳ Sơn) cho biết, trên địa bàn xã hiện có 2 trang trại lợn có quy mô lớn, sản xuất con giống theo tiêu chuẩn của Công ty Japfa. Trong đó, trại lợn Japfa của anh Hoàng (trại bị quy kết xả thải xuống hồ Đầm Bài) có quy mô hơn 1.000 con lợn nái, trại Dũng Huyền là 2.400 nái. 

Theo ông Lê, từ khi trên mạng xuất hiện thông tin những trang trại lợn trên xả thải thẳng xuống hồ Đầm Bài cấp nước cho Nhà máy nước Sông Đà, nhiều cơ quan báo chí đã liên hệ với địa phương để làm rõ thông tin, đồng thời xin số điện thoại của chủ cơ sở để liên hệ. 

Trao đổi về vẫn đề này, ông Lê khẳng định, trước khi cấp phép thành lập trang trại, chính quyền địa phương đã phối hợp với Sở TN-MT tỉnh Hòa Bình, Phòng TN-MT huyện Kỳ Sơn đánh giá tác động môi trường kỹ lưỡng, sau đó mới cấp phép cho trang trại hoạt động, nên không có chuyện trang trại gây ảnh hưởng tới nguồn nước của Nhà máy nước Sông Đà. 

Thực hư chuyện trại lợn hơn 1.000 con nằm ‘trên đầu’ Nhà máy nước Sông Đà xả thải xuống hồ Đầm Bài - 1
Ông Hiến, người dân địa phương khẳng định nước thải từ trang trại lợn không chảy xuống hồ Đầm Bài.

Nói về hình ảnh đường nước thải của trang trại lợn xả thẳng xuống hồ Đồng Bài đăng tải trên MXH, ông Lê khẳng định đó hoàn toàn hư cấu và nước thải không thể chảy theo con đường đó. 

“Tôi khẳng định, chất thải của 2 trang trại lợn này không xả tới hồ Đầm Bài, không gây ảnh hưởng đến Nhà máy nước Sông Đà. Điểm xả ra sông Đà nằm phía hạ nguồn, còn điểm lấy nước của nhà máy nằm phía thượng nguồn, cách nhau khoảng 4 km chứ không thải theo đường như trên mạng vẽ ra”, ông Lê khẳng định. 

Người dân gần khu vực Nhà máy nước sạch Sông Đà tố trang trại nuôi 1.000 con lợn gây ô nhiễm nghiêm trọngĐọc ngay

Ông Nguyễn Văn Hiến, người dân xóm Bu Chằm, xã Phú Minh, huyện Kỳ Sơn, Hoà Bình cho biết nước thải của trang trại lợn không chảy xuống hồ Đầm Bài.

"Nguồn nước thải từ trại lợn chảy qua xóm Bu Chằm – xóm Cuốc – Xóm Tân Lập (xã Hợp Thịnh) và sau đó đổ ra sông Đà với tổng chiều dài con suối khoảng 5 – 6 km, tuyệt đối không thể chảy ra hồ Đầm Bài được", ông Hiến cho biết.

Thực hư chuyện trại lợn hơn 1.000 con nằm ‘trên đầu’ Nhà máy nước Sông Đà xả thải xuống hồ Đầm Bài - 2
Thông tin nước thải từ trang trại lợn trên đầu nhà máy nước sông Đà chảy xuống hồ Đầm Bài dẫn vào khu xử lý nước sạch của nhà máy là không chính xác.

Liên hệ với đại diện trang trại Japfa, anh Nguyễn Xuân Hoàng (chủ trang trại lợn) cho biết,  trang trại đã đăng ký điểm xả thải và được UBND tỉnh, Sở TN-MT Hòa Bình phê duyệt để được phép hoạt động. 

“Nguồn thải của trang trại không liên quan tới hồ Đầm Bài cũng như Nhà máy nước Sông Đà. Điểm xả thải phải đăng ký với tỉnh chứ không phải thích xả đâu thì xả, và trước khi xả chúng tôi phải xử lý bởi nhiều quy trình”, vị đại diện nói.

Theo Gia Đoàn (Helino)