Xã hội

Thủ tướng yêu cầu Hà Nội điều chỉnh bất cập trong việc cấp giấy đi đường

Hà Nội cần có hướng dẫn cụ thể, kịp thời điều chỉnh nội dung còn bất cập trong việc cấp giấy đi đường cho các nhóm đối tượng theo quy định đã ban hành, không để xảy ra tình trạng người dân và doanh nghiệp chờ đợi kéo dài.

Đó là yêu cầu được Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra theo công văn số 6263 của Văn phòng Chính phủ, truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng.

Để kịp thời triển khai hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian thực hiện tăng cường giãn cách xã hội theo các công điện số 1099 và Công điện số 1102, tạo thuận lợi trong việc vận chuyển, lưu thông hàng hóa phục vụ sản xuất kinh doanh, hỗ trợ việc học tập theo hình thức trực tuyến, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, yêu cầu Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, UBND TP. Hà Nội triển khai hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch.

Cụ thể, Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế nghiên cứu, xem xét, có hướng dẫn cụ thể đối với kiến nghị của Hiệp hội vận tải TP.HCM, về việc thực hiện xét nghiệm đối với tài xế đã tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng Covid-19, vừa bảo đảm an toàn phòng, chống dịch, vừa tạo thuận lợi cho việc vận chuyển, lưu thông hàng hóa phục vụ sản xuất kinh doanh. 

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo khẩn trương hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương về việc trang bị phương tiện học tập, sách giáo khoa phục vụ việc học tập theo hình thức trực tuyến.

Liên quan đến việc cấp giấy đi đường, Thủ tướng yêu cầu UBND TP. Hà Nội có hướng dẫn cụ thể, kịp thời điều chỉnh nội dung còn bất cập trong việc cấp giấy đi đường cho các nhóm đối tượng theo quy định đã ban hành, không để xảy ra tình trạng người dân và doanh nghiệp chờ đợi kéo dài; không để tập trung đông người và ùn tắc giao thông, nguy cơ lây lan dịch bệnh tại các chốt kiểm soát dịch.

Trước đó, tối 7/9, Bí thư Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã yêu cầu Ban Cán sự đảng UBND TP chỉ đạo tiếp thu nghiêm túc, cầu thị các ý kiến để kịp thời điều chỉnh việc cấp và kiểm tra giấy đi đường phù hợp với thực tiễn. Tất cả phải nhằm bảo đảm hiệu quả phòng, chống dịch và an toàn của người dân.

Trước mắt, tiếp tục sử dụng giấy đi đường đã cấp và cấp giấy mới kết hợp nhập vào dữ liệu dân cư, điều chỉnh đến hiệu quả thực tiễn thì mới nhập hai loại giấy thành một; chỉ phạt người ra đường không thuộc các trường hợp theo quy định của chỉ thị số 16, tăng cường tuyên truyền, nhắc nhở, hướng dẫn người dân tự giác chấp hành. 

Người dân được cấp giấy đi đường được phép đi xuyên vùng, nhưng phải đúng điểm đến.

Trước đó, Hà Nội thông báo áp dụng giấy đi đường theo mẫu mới (có mã QR) từ 6/9 và dự kiến từ 6h ngày 8/9, các cơ quan chức năng thành phố sẽ chính thức kiểm tra theo mẫu giấy đi đường mới.

Mẫu giấy đi đường cũ được thành phố ban hành cuối tháng 7, trong đó quy định thẩm quyền cấp giấy đi đường thuộc người đứng đầu cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.

Trên mẫu giấy này phải điền đầy đủ thông tin cá nhân (tên, tuổi, số CCCD/CMT, số điện thoại, nơi ở, nơi làm việc...), mục đích tham gia giao thông.

Giấy có hiệu lực từ ngày ký và chỉ có giá trị trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội.

HL (Nguoiduatin.vn)