Xã hội

Thủ tướng: Bộ Kế hoạch & Đầu tư không phải "Bộ chia tiền"

Vai trò "kiến trúc sư trưởng" đất nước được Thủ tướng nhấn mạnh với Bộ Kế hoạch & Đầu tư, qua câu chuyện từ xây cao ốc ở Giảng Võ đến việc phân bổ nguồn lực trong nền kinh tế.

Vai trò "kiến trúc sư trưởng" đất nước được Thủ tướng nhấn mạnh với Bộ Kế hoạch & Đầu tư, qua câu chuyện từ xây cao ốc ở Giảng Võ đến việc phân bổ nguồn lực trong nền kinh tế.

Ngay từ chia sẻ đầu tiên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định vai trò của Bộ Kế hoạch & Đầu tư không phải "Bộ chia tiền" - nơi chỉ có nhiệm vụ đưa ra kế hoạch phân bổ nguồn lực quốc gia. Quan trọng hơn, đây cần là cơ quan tham mưu chủ chốt, xây dựng thể chế, chính sách để phát triển đất nước.

Vai trò này được Thủ tướng nhấn mạnh trong bối cảnh nền kinh tế đang đứng trước khó khăn bởi nhiều động lực phát triển tới hạn, còn xã hội thì nhức nhối suốt nhiều năm qua bởi việc phân bổ những nguồn lực có được kém hiệu quả, với những doanh nghiệp lớn thua lỗ, dự án nghìn tỷ "đắp chiếu"... Theo người đứng đầu Chính phủ, mỗi sự phân bổ sai, kém hiệu quả sẽ gây lãng phí rất lớn, thậm chí là tai họa cho nền kinh tế mà phải mất nhiều năm mới khắc phục được. 

“Các nhà lập kế hoạch, các đồng chí có mặt ở đây có vai trò quan trọng trong việc sử dụng đồng tiền, hạt gạo của đất nước, bởi ngân sách chính là tiền thuế của người dân", Thủ tướng đánh giá và đặt ra yêu cầu: "Một kiến trúc sư giỏi là trong điều kiện nguồn lực eo hẹp nhất, vẫn có thể đưa ra một thiết kế tốt nhất. Đó là câu hỏi, một bài toán lớn đặt ra cho Bộ Kế hoạch & Đầu tư”.

thu-tuong-bo-ke-hoach-dau-tu-khong-phai-bo-chia-tien

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh Bộ Kế hoạch & Đầu tư phải là người xây dựng thể chế, chính sách để phát triển. Ảnh: VGP

Để giải được bài toán này, Thủ tướng cho rằng khi đất nước đã chuyển đổi mạnh sang kinh tế thị trường, tư duy của nhà lập kế hoạch phải thay đổi trước một bước. "Chức năng của Bộ là lập kế hoạch cho Nhà nước chứ không phải lập kế hoạch thay cho thị trường. Phải trên tinh thần kiến tạo chứ không phải tiện cho việc quản lý, kiểm soát, kìm hãm, tạo cơ hội xin - cho", Thủ tướng nhấn mạnh.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng cho rằng Bộ Kế hoạch & Đầu tư cũng còn những nhiệm vụ chưa hoàn thành, như công tác phối hợp với các bộ, ngành và địa phương trong điều hành kinh tế vĩ mô vẫn còn nhiều hạn chế, còn tình trạng “nói qua, nói lại nhiều quá”.

Ví dụ về trường hợp dự thảo Luật Quy hoạch, khi vẫn còn ý kiến khác nhau giữa các Bộ khi đưa ra thảo luận tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 10/1, Thủ tướng cho biết Chính phủ sẽ kiểm điểm vấn đề này đối với các cơ quan “vì lợi ích cục bộ của mình”. Tuy nhiên, ông cũng nhắc nhở Bộ Kế hoạch & Đầu tư chưa thuyết phục tốt, bởi “nói phải củ cải cũng nghe”.

Nhắc lại trường hợp cụ thể ở khu Giảng Võ (Hà Nội) để nói về tư duy quy hoạch đối với người làm công tác của Bộ, Thủ tướng nói: “Nếu như làm 10 cái nhà 50 tầng ở đó thì nói như Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải, là một thảm họa đang đến với Hà Nội. Chưa làm đã tắc đường thì làm nữa, sẽ đi đường nào. Không phải là cấm nhà cao tầng, mà chính là hạ tầng xung quanh cái khu này như thế nào. Cho nên phải làm hạ tầng thì mới làm nhà cao tầng”, Thủ tướng lý giải và cho rằng việc quyết định một vấn đề không phải theo cơ chế xin - cho mà cần dựa trên tình hình thực tế.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng thừa nhận, đổi mới tư duy, vượt qua chính mình, không vì lợi ích cục bộ, cá nhân... là một bước đi lớn trong bối cảnh nguồn lực đầu tư còn gặp nhiều khó khăn. Là đơn vị đóng vai trò quan trọng trong việc lập các kế hoạch, sự phối hợp giữa Bộ Kế hoạch & Đầu tư với các bộ, ngành có liên quan, lấy ý kiến tham vấn từ các chuyên gia, người dân còn thấp.

Đánh giá về tình hình năm qua, ông Nguyễn Chí Dũng cho rằng cùng với những kết quả tích cực, kinh tế Việt Nam cũng bộc lộ nhiều điểm yếu về chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, đổi mới thể chế - pháp luật - chính sách mới chỉ ở tầm cao mà chưa đi vào cuộc sống. Nhiều doanh nghiệp được thành lập nhưng còn cả chặng đường phía trước...

Tuy vậy, ở khía cạnh này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vẫn đánh giá cao vai trò của Bộ Kế hoạch & Đầu tư với những đóng góp trong kết quả chung: Từ việc xây dựng thể chế, chính sách, chiến lược, đề án phát triển kinh tế - xã hội cho tới các giải pháp cụ thể thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, đặc biệt là chú trọng vào đời sống xã hội của người dân.

“Tôi vừa đi vùng xa nhất, khó khăn nhất của đất nước - huyện Bảo Lâm, Cao Bằng. Dù núi cao, rừng rậm heo hút nhưng thấy mức sống của người dân có khá hơn một bước. Mừng ghê lắm. Chứ tăng trưởng mà chỉ một bộ phận này giàu lên rất nhanh còn bộ phận kia nghèo đi thì không phải tăng trưởng tốt, bao trùm”, Thủ tướng chia sẻ. 

Người đứng đầu Chính phủ cũng nhấn mạnh vào các biện pháp quyết liệt của Bộ trong thời gian qua giúp nâng cao năng lực, cải thiện môi trường kinh doanh, bảo vệ nhà đầu tư từ đó khơi dậy niềm tin của người dân.

Bên cạnh đó, với 31 vụ, cục và các đơn vị trực thuộc, Bộ Kế hoạch & Đầu tư cũng được Thủ tướng nhắc nhở cần rà soát để tinh gọn và hoạt động hiệu quả hơn. “Vừa rồi, Bộ Công Thương đã 'bắn phát súng khai mào', Bộ Kế hoạch & Đầu tư cũng cần hưởng ứng bởi đây chính là cơ quan được giao chủ trì, soạn thảo đề án tái cơ cấu nền kinh tế. Do vậy, hơn ai hết, bản thân ngành kế hoạch và đầu tư phải tiên phong trong tái cơ cấu bản thân bộ, ngành của mình”, Thủ tướng nói.

Theo Minh Sơn (VnExpress.net)