Xã hội

Thu phí mỗi đầu xe ôtô, địa phương được giữ lại bao nhiêu?

Phí sử dụng đường bộ thu qua đầu phương tiện ôtô sẽ được phân chia cho trung ương và địa phương với tỉ lệ khác nhau để chi cho quản lý, bảo trì đường bộ - đó là nội dung quan trọng trong Nghị quyết phân bổ ngân sách Trung ương được Quốc hội thông qua chiều 14.11.

Chiều 14.11, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2019 với tỉ lệ tán thành đạt 90,31% tổng số đại biểu.

Theo đó, tổng số thu ngân sách trung ương năm 2019 là 810.099 tỉ đồng. Tổng số thu ngân sách địa phương là 601.201 tỉ đồng.

Thu phí mỗi đầu xe ôtô, địa phương được giữ lại bao nhiêu?
Thu phí trên đầu xe ôtô là nguồn thu chính để quản lý, bảo trì đường bộ.

Tổng số chi ngân sách trung ương là 1.019.599 tỉ đồng, trong đó dự toán 321.354 tỉ đồng để bổ sung cân đối ngân sách, bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương.

Trong giai đoạn 2018-2020, thực hiện phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương nguồn thu phí sử dụng đường bộ thu qua đầu phương tiện ôtô theo tỉ lệ tương ứng là 65% và 35% để chi cho quản lý, bảo trì đường bộ.

Bố trí kinh phí đầy đủ cho các chính sách đã ban hành; phấn đấu tăng thu, tiết kiệm chi và sử dụng nguồn cải cách tiền lương của ngân sách địa phương còn dư (sau khi đã bảo đảm đủ nhu cầu cải cách tiền lương của địa phương) thực hiện các chế độ, chính sách an sinh xã hội do Trung ương ban hành để giảm yêu cầu hỗ trợ từ ngân sách trung ương để thực hiện các chế độ, chính sách an sinh xã hội này.

Trình bày báo cáo giải trình trước khi Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, định mức phân bổ chi thường xuyên cho các địa phương đã có ưu tiên cho các địa phương vùng núi cao và vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Ngoài ra, các địa phương có diện tích trồng lúa lớn cũng được phân bổ thêm kinh phí đối với diện tích trồng lúa lớn và kinh phí bảo vệ, phát triển đất trồng lúa.

Năm 2019, Chính phủ trình Quốc hội tăng thêm 2% số bổ sung cân đối so với năm 2017 cho các địa phương. Đồng thời, ngân sách Trung ương đã ưu tiên đầu tư cầu, đường giao thông, kênh, cảng, cũng như phân cấp cho địa phương nguồn thu tiền sử dụng đất và xổ số kiến thiết để dành cho chi đầu tư phát triển.

Đối với các dự án, công trình trọng điểm, trong phương án phân bổ ngân sách Trung ương, Chính phủ đã thực hiện theo nguyên tắc bố trí chi đầu tư phát triển trên cơ sở kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được phê duyệt và khả năng cân đối ngân sách Trung ương; ưu tiên bố trí vốn cho các dự án phát triển hạ tầng trọng điểm.

“Như vậy, trong phương án phân bổ vốn đầu tư phát triển từ ngân sách Trung ương, Chính phủ đã chú trọng ưu tiên bố trí vốn đối với các dự án, công trình trọng điểm” – báo cáo của UB Thường vụ QH nhấn mạnh.

Theo Xuân Hùng - Thành Trung (Lao Động)