Xã hội

Thôi việc quản đốc Đài Loan hà khắc với công nhân Việt Nam

Sáng 3-4, khoảng 500 công nhân Công ty TNHH Meisheng Textiles Việt Nam (100% vốn nước ngoài, chuyên dệt nhuộm), đóng tại cụm công nghiệp Ngãi Giao, huyện Châu Đức, Bà Rịa - Vũng Tàu đã lãn công.

Sáng 3-4, khoảng 500 công nhân Công ty TNHH Meisheng Textiles Việt Nam (100% vốn nước ngoài, chuyên dệt nhuộm), đóng tại cụm công nghiệp Ngãi Giao, huyện Châu Đức, Bà Rịa - Vũng Tàu đã lãn công.

Công nhân Công ty Meisheng lãn công trước nhà máy Meisheng sáng 3-4 - Ảnh: Đông Hà

Theo nhiều công nhân, nguyên nhân họ lãn công do quá bức xúc và để phản đối những quy định hà khắc của ông tổng vụ Chan (người quản lý, sắp xếp công việc của công nhân) người Đài Loan.

Nhiều công nhân cho biết ông Chan mới nhận nhiệm vụ được khoảng một tháng nay nhưng đã có những quy định rất vô lý, ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng và sức khỏe của họ. 

Cụ thể, mỗi người chỉ được mang một khẩu phần ăn và một chai nước vào nhà máy, không cho công nhân mang áo khoác, áo gió vào nhà máy.

“Vì khẩu phần ăn tập thể của nhà máy quá ít và không ngon nên chúng tôi mang theo thức ăn để ăn thêm buổi sáng và trưa nhưng ông Chan chỉ cho mang vào một phần. Có người đem vào ba trái bắp luộc thì ông Chan chỉ cho mang vào một trái”, một nam công nhân bức xúc.

Thôi việc quản đốc Đài Loan hà khắc với công nhân VN

Ông Narasimha Rao ký vào bản cam kết thực hiện các nguyện vọng chính đáng của công nhân - Ảnh: Đông Hà

Một nữ công nhân khác cho biết, trong khi thời tiết giữa trưa nắng, nóng, đường đi từ nhà để xe gắn máy vào nhà máy sản xuất gần 1 km nhưng ông Chan không cho công nhân mặc áo khoác, áo gió.

“Chị em phụ nữ muốn mặc áo tránh nắng, bảo vệ da lại không được. Điều này quá vô lý. Có phụ nữ mang bầu đưa sữa vào uống cũng bị ông Chan phạt, hạ thi đua lao động”, một nữ công nhân nói.

Ngoài ra, theo các công nhân, khẩu phần ăn tập thể “không thể ăn được” vì vừa ít, vừa thiếu dinh dưỡng. Theo một công nhân, trước đây đã phát hiện thịt gà có dòi.

Ông Trần Hoàng Thiện - chủ tịch công đoàn cơ sở công ty Meisheng - cho biết những phản ứng của công nhân là có cơ sở.

Cũng theo ông Thiện, việc ông Chan tự đặt ra quy định như trên nhưng không thông qua các tổ trưởng là sai.

Còn ông Narasimha Rao (người Ấn Độ) - giám đốc đối ngoại Công ty Meisheng - cho biết những quy định của ông Chan đặt ra đã vượt quá, nằm ngoài nội quy của công ty.

Ngay sau khi xảy ra lãn công, ngành chức năng đã đến tìm hiểu tình hình và giải quyết.

Sáng cùng ngày, ôn Chan đã rời khỏi nhà máy.

Đại diện Công ty Meisheng, công đoàn cơ sở công ty, công nhân và ngành chức năng đã cam kết và thống nhất không để ông Chan làm việc tại công ty, cho công nhân mang thức ăn, nước uống, áo khoác vào nhà máy (có sự kiểm soát của công ty), công ty sẽ điều chỉnh lại bữa ăn cho công nhân dưới sự giám sát của công đoàn.

Ngoài ra, công ty cũng cam kết vẫn tính công, trả lương như ngày thường cho công nhân vào sáng 3-4 chứ không trừ lương.

Đến khoảng 10h30 cùng ngày, công nhân đã trở về nhà. Chiều cùng ngày, các công nhân ca sau trở lại làm việc bình thường.

Theo Đông Hà (Tuổi Trẻ)