Xã hội

Tàu khách trật bánh ở Đồng Nai do ray gãy

Đơn vị quản lý đường sắt qua Đồng Nai được yêu cầu tăng tuần đường, có các biện pháp quản lý chất lượng cầu đường sắt.

Sáng 21/2, ông Đoàn Duy Hoạch, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, cho biết nguyên nhân sơ bộ vụ trật bánh tàu ở Đồng Nai ngày 14/2 là gãy ray. Hiện trường khi tàu trật bánh vẫn còn đoạn đường ray gãy thành nhiều khúc. Còn vì sao ray gãy, các đơn vị đang phân tích.

Tổng công ty Đường sắt đã yêu cầu Công ty cổ phần Đường sắt Sài Gòn (quản lý đường ray) nhận trách nhiệm, tăng cường tuần tra đường để phát hiện sớm hư hỏng cũng như có giải pháp tăng chất lượng cầu đường. "Tuần đường thường xuyên kiểm tra song có thể đã không phát hiện hư hỏng hoặc đường ray gãy sau khi tàu chạy qua, chúng tôi đang xác định", ông Hoạch nói.

Theo Phó tổng giám đốc Hoạch, phần lớn ray đường sắt có quá trình sử dụng hàng chục năm nên nhiều đoạn bị mòn, tuần đường dựa theo quy chuẩn kiểm tra thì đề xuất các đoạn khiếm khuyết phải thay thế. Nếu chưa có kinh phí thay thì đơn vị quản lý đường phải tạm thời gia cố. 

Tàu khách trật bánh ở Đồng Nai do ray gãy
Đoạn đường đi qua khu vực hư hỏng, tàu phải chạy dưới 5 km/h. Ảnh: Phước Tuấn.

Báo cáo của Công ty cổ phần Đường sắt Sài Gòn cho thấy, đoạn ray bị gãy là loại ray P43, sử dụng từ năm 1994. Đơn vị đã nhận trách nhiệm vụ gãy ray và cho biết gặp khó khăn trong công tác kiểm tra những đoạn ray tuổi thọ cao. 

Sáng 14/2, tàu TN7 chạy hướng Bắc - Nam kéo theo 13 toa. Khi đến đoạn gian Biên Hòa - Hố Nai (Đồng Nai), hai toa tàu khách bị trật bánh. Không có thương vong, song tai nạn khiến 300 m đường ray, ốc vít, tà vẹt hư hỏng nặng. Tuyến đường sắt bị tê liệt. Hơn 500 hành khách đang từ Hà Nội vào phải xuống ga Hố Nai (TP Biên Hòa), sau đó về TP HCM bằng ôtô.

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đang bảo trì 2.548 km đường chính tuyến, 503 km đường ga. Về ray, chủ yếu là loại P43 đã mòn, nhiều khuyết tật do sử dụng qua nhiều năm chưa được thay thế. Đặc biệt vẫn còn gần 40 km đường sắt sử dụng loại ray nhỏ P38 từ năm 1976. Qua kiểm tra kỹ thuật trên toàn mạng, ngành đường sắt cần có 206.924 thanh ray P50 để thay thế các thanh ray P43 đã mòn.

Nếu tính bình quân, mỗi năm đường sắt cần bổ sung, thay thế 15.414 thanh ray trong khi với nguồn vốn ngân sách cấp cho bảo trì đường sắt hiện tại chỉ thay được 2.300 thanh. 

Theo Đoàn Loan (VnExpress.net)