Xã hội

Tàu "đi 10 chuyến hỏng 4 lần" không nằm trong đề án được hỗ trợ

Bộ Nông nghiệp khẳng định con tàu vỏ thép của ngư dân Đà Nẵng do Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC) đóng và thuộc sở hữu của họ, không nằm trong diện được hỗ trợ theo Nghị định 67.

Bộ Nông nghiệp khẳng định con tàu vỏ thép của ngư dân Đà Nẵng do Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC) đóng và thuộc sở hữu của họ, không nằm trong diện được hỗ trợ theo Nghị định 67.

"Các tàu cá này không thuộc diện được hưởng hỗ trợ theo Nghị định 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản", ông Trung khẳng định.
 

Chiếc tàu Sang Fish 01 thuộc chủ sở hữu là Vinashin.

 
Theo ông Trung, cuối năm 2013, đầu 2014, Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy đã tận dụng sắt thép dư thừa và nguồn lao động nhàn rỗi để đóng 10 tàu cá vỏ thép và bán hoặc cho ngư dân thuê. Ý tưởng này được đánh giá cao vì là doanh nghiệp tiên phong muốn hiện đại hóa tàu giúp ngư dân vươn khơi.

Khi Nghị định 67 có hiệu lực (tháng 10/2014) thì Tổng công ty đã hạ thủy được một số tàu và đều đăng ký mang tên Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy. Doanh nghiệp đã có công văn đề nghị Tổng cục Thủy sản đưa các tàu của họ vào diện hưởng lợi của Nghị định 67, nhưng không được chấp nhận do không phù hợp.

Theo Nghị định 67, chỉ ngư dân có khả năng làm ăn hiệu quả, từng có thời gian đi biển và được sự phê duyệt của tỉnh mới được hỗ trợ, trong khi đó chủ hai tàu cá ở Đà Nẵng và Quảng Ngãi là công ty lớn. Vì vậy, Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy đã cho ngư dân thuê theo thỏa thuận.

Tuy nhiên, sau thời gian đi vào vận hành, các tàu hoạt động không như mong muốn của người dân. Nguyên nhân theo ông Trung có thể do người sử dụng hoặc thiết kế chưa phù hợp với nghề nghiệp và tập quán của ngư dân. Trước đây, khi Bộ Nông nghiệp được giao thực hiện 21 mẫu tàu vỏ thép, Bộ đã mời các công ty chuyên ngành về thiết kế tàu và ngư dân đóng góp.

"Mỗi nghề phải có mẫu tàu riêng, như tàu đòi hỏi tốc độ vây đàn cá phải được thiết kế chạy nhanh hơn cá, còn với nghề cần sức kéo thì cần tàu có sức nặng để kéo đi...", ông Trung nói và cho rằng có thể do là đơn vị tiên phong, nên chủ tàu chưa tính toán hết.

Mới đây, chủ tàu Sang Fish 01 đã mang trả lại tàu cho công ty sau nhiều lần ra khơi liên tục gặp sự cố và không mang lại hiệu quả kinh tế. Con tàu được hạ thủy hồi tháng 7/2014, công suất 750CV, dài hơn 25 m, rộng gần 8 m, chiều cao mạn 3,6 m, lượng choán nước hơn 180 tấn. Hai tháng trước, chủ tàu Hoàng Anh 01 - tàu vỏ thép đầu tiên cũng quyết định trả lại cho công ty do hỏng hóc nhiều lần.
 
Nghị định 67 được ban hành với một số chính sách hỗ trợ ngư dân như: hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng cho ngành thủy sản (bến cảng, cá, khu neo đậu tránh trú bão); cho vay vốn tín dụng và hỗ trợ lãi suất để đóng tàu; hỗ trợ vốn lưu động để sản xuất trên biển, tránh vay đầu nậu; ngư dân được hưởng các chế độ bảo hiểm (thân tàu, thuyền viên); hỗ trợ đào tạo sử dụng tàu.
 
Hết tháng 3/2016 đã có 1.026 chủ tàu trên toàn quốc được vay vốn tín dụng. Trong đó trên 50% đăng ký đóng tàu vỏ thép, còn lại là tàu vỏ gỗ. Ngân hàng Nhà nước đã ký hợp đồng tín dụng với gần 400 chủ tàu vay đóng tàu, còn lại đang xem xét hồ sơ. Hiện 132 tàu đã đi vào hoạt động.
 
>> Đi 10 chuyến hỏng 4 lần, ngư dân trả lại tàu vỏ thép
 
Theo Phạm Hương (VnExpress.net)