Xã hội

Tan nát từ bẫy tín dụng đen

“Nó chị chị em em ngọt ngào, hứa giúp xin việc cho chị, cho cháu, nói là có người nhà làm lãnh đạo tỉnh, một suất viên chức hết 150 triệu. Khi đã cầm được tiền, nó liền trở mặt, xưng “mày tao” và cho xã hội đen đến dọa, xé giấy tờ vay tiền” - chị Phạm Thị Thơ (Nghệ An) cay đắng kể lại quá trình sa chân vào bẫy tín dụng đen của một bạn học.

Chi 50 triệu xin việc… quét rác

Sau nhiều lần thuyết phục, chị Thơ (quê Thanh Chương, Nghệ An) mới đồng ý gặp chúng tôi, kể lại hành trình cay đắng, vô vọng để đòi lại số tiền mồ hôi nước mắt đã trót đưa cho kẻ lừa đảo.

Sinh năm 1971, tốt nghiệp kế toán, chị Thơ làm việc cho một doanh nghiệp gạch ngói tại huyện Thanh Chương (Nghệ An). Sau vì gia đình lục đục, chồng ly thân, chị Thơ ôm con nhỏ xuống thành phố Vinh tìm việc. Đang bơ vơ, chị như người chết đuối vớ được cọc, khi gặp lại Lê Thị T, trước đây cùng học trung cấp kế toán ở chung phòng. T hôm nay đã béo tốt, hồng hào, và hoạt ngôn, “hoành tráng”, không có vẻ gì là cô sinh viên gầy gò, ít tiếng như xưa. “Bây giờ em có điều kiện rồi, chồng làm bác sĩ Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu ở Bệnh viện đa khoa tỉnh, sắp lên Phó Giám đốc. Em còn là người nhà của lãnh đạo tỉnh. Nhà em đang xây, cũng dự trù hết hơn chục tỉ. Chị cần gì em sẽ giúp”.

Nhấp ngụm nước, khuôn mặt nhàu nhĩ già trước tuổi, chị Thơ rầu rĩ: “Lúc đó, tôi còn mừng hơn trúng số độc đắc, vì ngày xưa tôi thương, giúp T nhiều lắm, như chị em ruột. Tôi muốn tìm việc làm, còn cháu nhỏ muốn xin vào học mầm non, nhờ T xin giúp”. Và chị Thơ không khỏi choáng khi trong một thời gian ngắn kỷ lục, con chị đã được chấp nhận vào học một trường mầm non tại phường HB, thuộc trung tâm TP.Vinh.

Còn việc làm cho chị, T thỏ thẻ: “Em có chỗ quản lý công nhân vệ sinh tại một trường ĐH ở TP.Vinh, để em sắp xếp, nhưng phải có ít tiền trà nước”. Số tiền “trà nước” mà chị Thơ đưa cho T là 50 triệu đồng, ngoài ra còn thêm dăm triệu nữa. Và chị Thơ cũng được nhận vào làm việc thật, nhưng phía công ty nói: “Chỉ có vài công nhân quét rác, làm sao sắp xếp chân quản lý được, chị cũng thế thôi”. Thấy chị Thơ trình bày đã có bằng kế toán, và khi xin việc vào đây đã được hứa là làm quản lý, vị cán bộ nói trên cũng ngần ngừ, sau đó cũng cho chị làm “quản lý” thật, nhưng với mức lương chỉ đủ ăn cháo… khoảng hơn 2 triệu đồng/tháng. Tính ra, chị Thơ phải làm việc 20 tháng, mới đủ tiền “trà nước” xin việc. “Lúc đó, tôi không nghĩ gì cả, thấy T nó xin cho con được vào học trường mầm non, là nghĩ thế lực nó ghê gớm lắm. Ai ngờ chỉ xin chân quét rác mà cũng hết hơn 50 triệu đồng” - chị Thơ than thở.

Tan nát từ bẫy tín dụng đen
Nhà bà Oanh tại xã Nghi Hợp (Nghi Lộc, Nghệ An) đã bị ngân hàng phát mại. Ảnh: QUANG ĐẠI

Bị xã hội đen xé giấy vay tiền

Tay run run, chị Thơ đưa cho chúng tôi xem một mảnh giấy photo nhòe nhoẹt có nội dung: Ngày 2.4.2017, Lê Thị T (SN 1979, trú xã Nghi Kim, TP.Vinh) được chị Nguyễn Thị Thơ nhờ xin cho cháu NTT (xã Xuân Tường, huyện Thanh Chương) vào làm việc tại Văn phòng tuyển sinh Trường Trung cấp Tiểu thủ công nghiệp Nghệ An với chi phí 150 triệu. Gia đình đã đặt cọc 20 triệu. Đến ngày 5.4.2017, T tiếp tục ký giấy đã nhận đủ số tiền 120 triệu, với cam kết: “Nếu không lo được công việc cho cháu thì sẽ hoàn lại 150 triệu”.

Tuy nhiên, tiền đã giao, mà chờ dài cổ không thấy quyết định nhận việc, gia đình hỏi thì được trả lời là phải chờ. Sau đó, vào một buổi chiều, có hai người đàn ông đi xe máy đến tận nhà, nói là chị T nhờ đưa tiền đến trả cho gia đình, yêu cầu gia đình đưa giấy ra để nhận tiền. Tin người, người nhà NTT đưa giấy cho họ, họ liền cầm lấy và xé tung, rồi vứt tung tóe ra đường. Họ bỏ lại 20 triệu kèm theo lời đe dọa và lên xe máy rồ ga phóng đi. Gia đình em NTT vội nhặt lại, chắp nối từng mảnh giấy rồi đi photo, hi vọng sẽ đòi lại được tiền.

Trong tay chị Thơ còn 3 giấy vay tiền do Lê Thị T ký vay, một giấy ghi ngày 15.12.2016 với số tiền 100 triệu, một giấy ghi ngày 16.12.2016 với số tiền 100 triệu, giấy kia ghi ngày 24.12.2016, số tiền vay 150 triệu. Sở dĩ chị Thơ tin tưởng giao tiền cho T, vì ngoài mục đích xin việc cho cháu, T hứa hẹn sẽ tìm mua đất với “giá nội bộ” cho. “Nó nói em bây giờ nhà cao cửa rộng rồi, chị thì không có đất, có nhà; em thương chị lắm” - chị Thơ cay đắng.

“Trong tay tôi giờ không có một đồng. Đến nhà T đòi nợ thì nó bất ngờ tráo trở xưng mày-tao, đe dọa. Gặp chồng nó (chồng làm bác sĩ ở bệnh viện chuyên khoa lây nhiễm, chứ không phải Bệnh viện đa khoa tỉnh như lời T “nổ”) thì chồng cũng bất lực; đến xã trình bày cũng không ăn thua. Người thân còn nghĩ tôi lừa đảo. Bây giờ tôi biết làm sao đây?” - chị Thơ than thở. Chưa hết, sau nhiều lần đi đòi nợ bất thành, xe máy của chị Thơ đang dựng bên đường, bỗng dưng bị ai đó đốt cháy, sửa hết 10 triệu đồng, đã báo công an nhưng chưa có kết quả.

Chiều 20.12.2017, ông Trần Đức Dũng - Phó Chủ tịch UBND xã Nghi Kim - thông tin với PV: “Đối tượng Lê Thị T ở xóm 2, xã Nghi Kim đã bị kết án 2 năm tù vì tội “Lạm dụng chiếm đoạt tài sản”, nhưng đang hoãn thi hành án vì nuôi con nhỏ. T đã sinh con thứ 4, không biết còn sinh thêm mấy con nữa. Tôi cũng nhận được thông tin người này lừa đảo khắp nơi”.

Tan nát vì tín dụng đen

Chị Thơ chỉ là một nạn nhân của tín dụng đen và lừa đảo xin việc (bản chất cũng là tín dụng đen), đang hoành hành tại Nghệ An, cũng như nhiều địa phương khác.

Theo báo cáo số 682 ngày 18.11.2017 của UBND tỉnh Nghệ An: Năm 2017, phát hiện 1.035 vụ tội phạm về xâm phạm trật tự xã hội, làm chết 32 người, bị thương 393 người, thiệt hại 45,6 tỉ đồng, trong đó, tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” khá phổ biến, tăng 5 vụ so với năm 2016. UBND tỉnh Nghệ An cho rằng các quy định liên quan đến tội danh này còn có nhiều điểm bất hợp lý, khó áp dụng, khó xử lý hình sự, tạo kẽ hở để đối tượng lợi dụng để “lách luật”, ảnh hưởng đến hiệu quả công tác tấn công, trấn áp tội phạm.

Văn bản 682 ký chưa ráo mực, tại Nghệ An tiếp tục xảy ra vụ vỡ nợ tín dụng đen làm náo động huyện miền núi Quế Phong. Lô Thị Đào (SN 1968, trú khối 1, TT.Kim Sơn, H.Quế Phong, Nghệ An) - nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thông Thụ 2 - đã lân la vay tiền của các hộ dân (vừa được Nhà nước đền bù tiền từ dự án Thủy điện Hủa Na). Khi vay tiền, Đào viết giấy cam kết, hứa hẹn trả lãi suất cao. Khi gom được khoảng 2 tỉ đồng từ các hộ dân, đa số dân nghèo, Lô Thị Đào đã “cao chạy xa bay”.

Trước đó, vào tháng 4.2017, vụ nỡ nợ lớn gây chấn động tại huyện Nghi Lộc (Nghệ An). Chủ tiệm vàng Mỹ Oanh - bà Trần Thị Oanh (trú xóm 11, xã Nghi Hợp, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An) đã gom khoảng vài chục tỉ đồng từ người dân Cửa Lò, Nghi Lộc, TP.Vinh… rồi loan tin vỡ nợ, ôm tiền bỏ trốn. Trước đó, do tin vào mác “đại gia” của bà chủ tiệm vàng, lại được thanh toán đầy đủ, đúng hẹn, người dân khắp nơi đã vội vàng ôm cả gia tài đến ký gửi tại đây, và nhận về một kết cục cay đắng. Trưởng Công an huyện Nghi Lộc - thiếu tá Nguyễn Trọng Tuệ thông tin: “Đối tượng Trần Thị Oanh đang bỏ trốn, chưa rõ địa chỉ”.

“Kịch bản quen thuộc của lừa đảo tín dụng đen là tạo vỏ bọc “đại gia”, có thế lực, “người nhà lãnh đạo”, cần tiền kinh doanh, làm dự án với lãi suất cao và hứa hẹn xin việc, có giấy tờ cam kết đầy đủ. Khi “con mồi” đã vào bẫy, ôm được số tiền lớn thì tìm cách thoái thác, trây ỳ hoặc bỏ trốn. Việc điều tra các vụ việc liên quan đến tín dụng đen thường khó khăn do giới hạn giữa thỏa thuận dân sự và lừa đảo khá mong manh. Và khi có đem ra truy tố, xét xử, thì khả năng thu hồi tài sản trả lại cho bị hại rất thấp, vì thủ phạm đã tẩu tán, sử dụng hết. Thậm chí có tiền, họ cũng không trả, chấp nhận đi tù” - một cán bộ Công an tỉnh Nghệ An cho biết.

Điều đáng nói là đã có quá nhiều vụ vỡ nợ, nhiều “bài học” được tuyên truyền, phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhưng người dân, cứ lần này đến lượt khác, “ngoan ngoãn” chui vào bẫy của những kẻ lừa đảo. “Bọn chúng có thủ đoạn rất tinh vi, nhắm vào các gia đình có con cái học xong ra trường, nhu cầu xin việc bức xúc, vào những người phụ nữ nhẹ dạ cả tin, người già, đồng bào dân tộc thiểu số… Không biết phải cần bao nhiêu “bài học” nữa, người dân mới tỉnh ra” - Phan T - cán bộ Sở VHTT Nghệ An - chua chát.

Theo Trần Quang Đại (Lao Động)