Xã hội

Tan hoang rừng phòng hộ ở Lâm Đồng

Những cánh rừng phòng hộ tại huyện Đạ Tẻh, Lâm Đồng và giáp ranh các huyện Bảo Lâm, Đạ Huoai... đang bị lâm tặc băm nát, tàn phá không thương tiếc để lấy gỗ và đất sản xuất.

Nhiều cánh rừng đã chết khô trong khi các đám rẫy cà phê, hồ tiêu, dâu tằm đang mọc lên. Lợi dụng thực tế này, lâm tặc cũng hoành hành hơn. Hàng ngày, hàng chục lượt "quái xế" dùng xe máy độ chế chở những khúc gỗ dài phóng bạt mạng trên đường DH81 ngang qua UBND xã Đạ Pal, huyện Đạ Tẻh nhưng không hề bị xử lý.

Rừng chết, nương rẫy mọc lên

Từ nguồn tin bạn đọc, phóng viên vào vai người đi lấy mật ong rừng và tận mắt chứng kiến cảnh tượng tan hoang khi lâm tặc dùng cưa máy đốn hạ cây rừng la liệt.

Được người dân chỉ đường, sau hơn 2 giờ đi bộ lần theo đường mòn hằn sâu dấu chân trâu và những rãnh mòn sâu hoắm do lâm tặc vận chuyển gỗ ra ngoài hàng ngày, chúng tôi mới vào được khu vực khe Ngầm, thôn Xuân Phong, xã Đạ Pal, huyện Đạ Tẻh.

Tan hoang rừng phòng hộ ở Lâm Đồng
Hàng loạt cây to tại rừng phòng hộ Đạ Tẻh bị lâm tặc triệt hạ.

Trước mắt phóng viên là hàng loạt cây cao hơn 30 m, đường kính khoảng 2-3 người ôm không xuể đã bị lâm tặc đốn hạ, nằm ngổn ngang. Trong đó, nhiều cây đã được xẻ thành phẩm, một số đã được vận chuyển ra khỏi bìa rừng tiêu thụ.

Ông T.A.T., một người dân ngụ xã Đạ Pal, cho biết: "Số gỗ chưa kịp vận chuyển là do mấy ngày nay bị động nên lâm tặc ngừng hoạt động". Ông T. chỉ những chiếc xe độ chế vứt rải rác vệ rừng và những chú trâu đang ngâm mình dưới nước, bảo: "Chúng sẵn sằng vận chuyển gỗ từ rừng ra khi lực lượng kiểm lâm và ban lâm nghiệp lơ là".

Hiện nay, các địa phương trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng bước vào đầu mùa mưa nên con đường mòn đi sâu vào rừng trơn trượt, chúng tôi hết sức vất vả mới lên được những quả đồi thuộc các tiểu khu 544B, 556B. Tại đây, hàng loạt cây rừng cao to vừa bị triệt hạ chưa kịp xẻ thành phẩm vận chuyển ra ngoài.

Những cây gỗ lớn được hạ xuống sẽ tạo thành khoảng trống. Sau một thời gian ngắn, những vườn dâu tằm, hồ tiêu, cà phê, điều cao sản... mọc trái phép giữa các cánh rừng phòng hộ này. Theo các hộ dân nơi đây, rất khó nắm rõ nguồn gốc, chủ nhân những mảnh vườn này và họ "dựa lưng" ai để thâm canh trái phép như thế.

"Rừng ở đây bị tàn phá trơ trụi hết rồi, từ đầu trạm chốt bảo vệ rừng bằng lăng xuống các cánh rừng Tôn K’Long, Xuân Thượng, giáp ranh các xã Đạ Pal, Triệu Hải (huyện Đạ Tẻh) và xã Lộc Tân (huyện Bảo Lâm)... Dân thì phá rừng lấy đất sản xuất, lâm tặc thì lấy gỗ. Chúng tôi từng phản ánh lên xã, huyện nhiều lần nhưng cơ quan chức năng có giải quyết được gì đâu", ông T. ngao ngán.

Nhiều cánh rừng đang nhường chỗ cho nương rẫy. Trong những mảnh vườn đó vẫn còn lại những gốc cây, khúc gỗ cỡ lớn, đường kính 50-60 cm nằm ngổn ngang. Quanh vườn thì người dân đang tiếp tục đốn hạ cây rừng để mở rộng diện tích rẫy vườn. Những trụ làm cọc hồ tiêu cũng lấy từ những cây rừng đã triệt hạ cách đó không xa. Điều đáng nói, việc phá rừng để làm nương rẫy này diễn ra một cách công khai, nằm hai bên đường đi vào các làng nhưng những đơn vị chủ rừng, cán bộ địa bàn luôn đi tuần tra mà không nắm được.

Một cán bộ Ban Lâm nghiệp xã Đạ Pal thừa nhận tình trạng lâm tặc phá rừng tại khu vực này xảy ra thường xuyên.

"Chúng tôi cũng đã phát hiện và bắt rất nhiều trường hợp. Tuy nhiên, để xử lý triệt để thì rất khó bởi lực lượng chức năng mỏng, lâm tặc sẵn sàng chống trả quyết liệt khi bị phát hiện. Hiện nay đã hết mùa ong và mùa khai thác ươi nên người ta quay lại khai thác gỗ trái phép. Chúng tôi đã báo cáo đến các ban, ngành để tăng cường tuần tra, xử lý tình trạng này", vị này phân trần.

Cây chết đến đâu, nương rẫy của người dân mọc lên đến đó. Rất dễ nhận biết nguyên nhân dẫn đến hiện tượng cây chết bất thường. Bởi lẽ, những cây rừng bị "ken" một thời gian sau mới chết. Người dân "hợp thức hóa" bằng việc đốn hạ cây đã chết rồi mở rộng dần diện tích, thậm chí có nơi nhà rẫy mọc ngay dưới tán rừng.

Vận chuyển gỗ lậu như đi chợ

Trong khi đó, theo người dân địa phương, hàng ngày, trên trục đường nối Tôn K’Long với trung tâm huyện Đạ Tẻh đi qua các xã Đạ Pal, Triệu Hải, Quảng Trị..., hàng chục lượt xe máy chở gỗ chạy bạt mạng. Đa số các xe máy này đều cũ kỹ, không biển số để lâm tặc tiện bề vứt chạy thoát thân.

Tan hoang rừng phòng hộ ở Lâm Đồng - 1
Những vườn dâu, hồ tiêu, cà phê đua nhau mọc lên.

Theo nhiều người dân sống tại các xã Đạ Pal và Triệu Hải, việc phá rừng của lâm tặc ở đây "xảy ra thường xuyên như cơm bữa". Bà N.T.H.D (ngụ thôn Bình Hòa, xã Đạ Pal) cho biết: "Gỗ lậu hàng ngày vận chuyển qua UBND xã Đạ Pal ít nhất 1-2 chuyến mà có thấy lực lượng chức năng nào đếm xỉa đâu! Những khúc gỗ rừng dài 3-4 m vận chuyển bạt mạng khiến ai đi đường cũng dạt vào lề tránh né".

Chị T.Tr., một người hàng xóm của bà D., lo ngại: "Mỗi khi xe lâm tặc chạy ngang qua, tiếng nổ vang cả khu vực. Chúng sẵn sàng lao như điên khi bị lực lượng kiểm lâm truy đuổi, nguy hiểm vô cùng".

Theo chị Tr., trên địa bàn xã Đạ Pal có nhiều nhóm tham gia "nài" gỗ cho các xưởng gỗ ở 2 xã Đạ Pal, Triệu Hải và thị trấn Đạ Tẻh. Sáng họ vào rừng, chiều và tối thì nườm nượp chở gỗ về, ngày nào cũng "như đi chợ" ít nhất 2-3 chuyến để cung cấp cho đầu nậu. "Không đếm xuể được số lượt người dân và học sinh bị các đối tượng này ép rơi vào lề, té xuống vườn dâu tằm bị thương...", chị Tr. bức xúc.

Sau nhiều ngày quan sát, chúng tôi nhận thấy hầu hết lâm tặc vận chuyển gỗ qua UBND xã Đạ Pal vào các khung giờ như 12h, 18 đến 21h trong ngày. Có lúc họ "đáp hàng" vào các xưởng mộc trên địa bàn hoặc tập kết một nơi kín đáo, chờ thời cơ thuận lợi vận chuyển ra thị trấn Đạ Tẻh tiêu thụ.

Trên địa bàn có nhiều nhóm tham gia "nài" gỗ lậu, trong đó nổi cộm nhất là những cái tên như: Phương, Ngãi, Sơn, Tề, Thanh, Đông... ở xã Đạ Pal. Khi nhắc đến những kẻ này, người dân địa phương đều tỏ ra e dè vì chúng thường xuyên chở gỗ lậu cồng kềnh chạy nghênh ngang ngoài đường và đặc biệt là rất côn đồ, sẵn sàng dọa giết cả nhà nếu người nào báo với chính quyền.

Những nhóm lâm tặc này hết sức tinh vi, phối hợp với các xưởng gỗ địa phương lập thành hệ thống chân rết khắp nơi, khi có bóng dáng lực lượng chức năng thì liên lạc cho nhau để dừng mọi hoạt động.

Vào những ngày cuối tuần, những nhóm lâm tặc này chở từng súc gỗ to vuông vức lao vun vút từ bìa rừng về xưởng gỗ được cho là của ông V.V.S. ở thôn Xuân Thành, xã Đạ Pal. Xưởng gỗ này thường xuyên có người canh gác hết sức cẩn mật. Theo người dân địa phương, đa số các xưởng gỗ trên địa bàn đều không được cấp phép. Tuy nhiên, có thể do núp bóng "chế tác sản phẩm nghệ thuật" nên chúng vẫn được phép hoạt động để tiêu thụ gỗ lậu.

Theo Đình Thi (Nld.com.vn)