Xã hội

Sự thật “cả họ làm quan” một xã ở Nghệ An

Giải thích việc 12 người họ hàng “làm quan” trong xã Hạ Sơn, huyện Quỳ Hợp (Nghệ An), Chủ tịch UBND xã này cho biết, không phải trong một họ mà có đủ thông gia, anh em, họ hàng và dâu rể từ các địa phương khác kết thành một gia đình với nhau.

Giải thích việc 12 người họ hàng “làm quan” trong xã Hạ Sơn, huyện Quỳ Hợp (Nghệ An), Chủ tịch UBND xã này cho biết, không phải trong một họ mà có đủ thông gia, anh em, họ hàng và dâu rể từ các địa phương khác kết thành một gia đình với nhau.

Ông Lê Văn Thanh, Chủ tịch UBND xã Hạ Sơn. Ảnh: Việt Hương.

 
Chiều 5/1, trao đổi với Tiền Phong, ông Hoàng Khắc Thanh, Trưởng phòng Nội vụ huyện Quỳ Hợp (Nghệ an) cho biết: “Sau khi dư luận phản ánh có chuyện bất thường về 12 người trong họ hàng làm quan của xã Hạ Sơn thì Chủ tịch UBND huyện đã đích thân chỉ đạo chúng tôi về địa phương ngay để xác nhận và tìm hiểu sự việc. Bước đầu chúng tôi đã nắm được sơ bộ câu chuyện sau buổi làm việc với lãnh đạo của UBND xã Hạ Sơn”.

Theo đó, sau Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ (2015-2020), tại xã Hạ Sơn (Quỳ Hợp, Nghệ An), 3 vị trí chủ chốt trong xã gồm: ông Trương Văn An (50 tuổi) tái cử Bí thư Đảng ủy xã, ông Lê Văn Thanh (em rể ông An) làm Chủ tịch UBND xã và ông Định Văn Thụ (47 tuổi, cháu gọi ông Thanh là cậu ruột) làm Phó chủ tịch. Ngoài ra, 9 người trong bộ máy chính quyền xã là thông gia, anh em ruột, họ hàng, dâu rể với ba ông, trong đó có Chủ tịch Hội phụ nữ Trương Thị Phòng (31 tuổi) là cháu ruột ông Thanh...

Giải thích việc  12 người họ hàng “làm quan" trong xã, ông Lê Văn Thanh Chủ tịch UBND xã Hạ Sơn nói: “Câu chuyện này diễn ra có tính lịch sử từ cha ông để lại, từ cái thời vốn ở xã này mới chỉ có hơn 100 hộ dân. Mọi công việc khó khăn được nhen nhóm từ đó, dựng vợ gả chồng từ đó mà ra. Cả xã nghiễm nhiên trở thành thông gia, quan hệ gia đình thân thiết với nhau mà có nên một đội ngũ lãnh đạo mà dư luận gọi là họ hàng như ngày hôm nay”.

Bí thư Đảng ủy xã Hạ Sơn, ông Trương Văn An nói rằng cơ cấu cán bộ ở xã được thực hiện dân chủ, công khai đúng quy trình, dựa trên năng lực cá nhân. Từ nhiều năm nay, người trong gia đình ông đã liên tục giữ chức vụ quan trọng trong xã chứ không riêng thời điểm này. Bố ông từng là Bí thư Đảng ủy và Chủ tịch UBND xã trong nhiều năm.
 
“Nói 12 người trong một họ làm quan xã là không đúng bản chất sự việc, mà trong 12 công chức xã thì có đủ thông gia, anh em, họ hàng và dâu rể từ các địa phương khác được tuyển dụng đến xã này làm việc trước lúc kết thành một gia đình với nhau”, Chủ tịch UBND xã Lê Văn Thanh nói.
 

Trụ sở UBND xã Hạ Sơn. Ảnh: Việt Hương.

 
Ông Hoàng Khắc Thanh - Trưởng Phòng Nội vụ huyện Quỳ Hợp đánh giá: “Đúng là chúng tôi có bất ngờ về việc dư luận phản ánh về thực trạng anh em, họ hàng và thông gia đều làm quan một xã. Tuy nhiên, kiểm tra từ đầu đến cuối chúng tôi khẳng định không có gì bất thường về quy trình tuyển dụng công chức trong đó. Tất cả đội ngũ công chức xã này đều đủ tiêu chuẩn để xét/thi tuyển công chức xã”.

Ông Thanh cũng cho biết thêm, sở dĩ mà xã Hạ Sơn có tình trạng này cũng xuất phát từ đặc thù của một xã vùng sâu và khó khăn nhất của huyện với 90% là người đồng bào dân tộc thổ. Mới chỉ 2 năm lại đây thì giao thông mới được thông thương với xã này khi có con đường Châu Thôn – Tân Xuân (TL544B) nối từ huyện về chứ năm 2013 về trước chỉ 30 cây số mà họ đi mất gần 1 ngày trời mới tới huyện.

Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp, ông Nguyễn Đình Tùng cho hay, xã Hạ Sơn với một đặc thù 90% dân tộc Thổ, dân trí thấp và thuộc diện xã đặc biệt khó khăn cả về kinh tế lẫn nhân sự.

“Sự việc UBND huyện đã biết và trực tiếp chỉ đạo kiểm tra, xem xét có gì bất thường trong đó không. Nếu họ đảm bảo đủ tiêu chuẩn, đúng quy trình thì cũng là chuyện bình thường. Vấn đề quan trọng nhất vẫn là công việc họ làm, và quyền lợi cho người dân được đảm bảo”, ông Nguyễn Đình Tùng nói.

Theo Việt Hương (Tiền Phong)