Xã hội

Sự cố y khoa ở Hoà Bình: Trách nhiệm GĐ Bệnh viện và Công ty Thiên Sơn đến đâu?

Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng trong thảm hoạ y khoa ở Hoà Bình ai đã thay mặt Ban lãnh đạo BVĐK Hoà Bình đồng ý cho Trâm Anh làm việc bảo trì máy móc trong khi hợp đồng ký với Thiên Sơn thì người đó phải có trách nhiệm.

Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng trong thảm hoạ y khoa ở Hoà Bình ai đã thay mặt Ban lãnh đạo BVĐK Hoà Bình đồng ý cho Trâm Anh làm việc bảo trì máy móc trong khi hợp đồng ký với Thiên Sơn thì người đó phải có trách nhiệm.

Sự cố y khoa ở Hoà Bình: Trách nhiệm GĐ Bệnh viện và Công ty Thiên Sơn đến đâu?

Vụ tai biến y khoa ở Hoà Bình giám đốc phải có trách nhiệm.

Xin chào Luật sư Hưng, vụ tai biến y khoa ở Hòa Bình, 3 đối tượng đã bị bắt tạm giam là người trực tiếp sử nguồn nước, người giám sát sửa chữa và bác sĩ ra y lệnh để cho bệnh nhân chạy thận ở Hòa bình gây xôn xao dư luận, đặc biệt trong ngành y.

Quan điểm của anh về việc bắt tạm giam các đối tượng này như thế nào?

Luật sư Nguyễn Kiều Hưng: Nhận thấy hậu quả làm chết 8 người là đặc biệt nghiêm trọng, nên vụ việc cần phải được khởi tố để làm rõ trách nhiệm và đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật là hết sức cần thiết.

Tôi ủng hộ việc khởi tố vụ án và khởi tố bị can đối với các cá nhân có trách nhiệm liên quan.

Tuy nhiên, đối với vị bác sĩ trẻ, tôi thấy cơ quan điều tra khởi tố và bắt tạm giam anh này là còn gì đó rất lấn cấn. Bởi thiên chức của bác sĩ là cứu người, và rõ ràng bác sĩ này đang điều trị cho các bệnh nhân trong tình trạng hết sức nguy kịch.

Hành vi của bác sĩ trong trường hợp này không có tính chất của một tội phạm nguy hiểm, nên việc tạm giữ cách ly họ ra khỏi xã hội để phục vụ điều tra là không cần thiết.

Về căn cứ khởi tố, tôi chưa có thông tin nhiều nên chưa đưa ra bình luận, nhưng theo thông tin báo chí, nguyên nhân trực tiếp gây ra cái chết cho các bệnh nhân là do nguồn nước bị nhiễm độc, mà trách nhiệm kiểm soát nguồn nước không thuộc về bác sĩ này, nên nghĩ cơ quan điều tra cần xem xét lại quyết định khởi tố đối với vị bác sĩ này.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình ký hợp đồng với công ty Thiên Sơn để sửa chữa bảo dưỡng hệ thống đường nước Ro số 2 nhưng Thiên Sơn lại “bán hợp đồng” cho đơn vị thứ 3 là công ty Trâm Anh.

Vụ tai biến xảy ra công ty Thiên Sơn đứng ngoài vụ án có đúng hay không?

LS Nguyễn Kiều Hưng: Nói về sự liên quan trong một vụ án, theo tôi là có. Công ty Thiên Sơn có thể phải tham gia tố tụng với tư cách là Người có quyền và nghĩa vụ liên quan. 

Quá trình điều tra cơ quan điều tra sẽ xác định tính chất, mức độ của sự liên quan đó để có quyết định tố tụng chính thức. Nếu xác định Thiên Sơn có vai trò trong việc bảo trì, bảo dưỡng máy móc, thiết bị dẫn đến nguồn nước bị nhiễm độc thì khả năng cơ quan điều tra sẽ xem xét trách nhiệm hình sự liên đới.

Theo luật sư, trách nhiệm của ban lãnh đạo BVĐK tỉnh Hòa Bình đến đâu trong trường hợp này. Nếu đổi lại với việc bắt bác sĩ ra y lệnh thì người ký hợp đồng với đơn vị sửa chữa có liên đới gì không?

Luật sư Nguyễn Kiều Hưng: Tôi nghĩ là phải có trách nhiệm, lãnh đạo bệnh viện không thể đứng ngoài vụ việc này.

Thiếu sót lớn nhất mà có thể nhìn thấy được đó là không kiểm soát hoặc mặc nhiên cho 2 đơn vị cung cấp dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng “bán” hợp đồng cho nhau.

Ngoài ra, khi phân tích quy trình kiểm soát hoạt động dịch vụ của nhà thầu, cũng như hoạt động bảo dưỡng, bảo trì và xác nhận nguồn nước đủ tiêu chuẩn, sẽ nhìn thấy vai trò, trách nhiệm của lãnh đạo ở chỗ nào? Có thiếu sót không? Nếu có thì đó là dấu hiệu của hành vi “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.”

Xin cảm ơn Luật sư!

PGS Nguyễn Lân Hiếu - Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang cho rằng trong vụ việc ở Hoà Bình khi nói đến trách nhiệm thì vị đứng đầu đầu tiên cần nhắc đến chính là giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Hoà Bình.

Ông phải là người chịu trách nhiệm chính trong các quy trình vận hành máy móc của bệnh viện do mình trực tiếp quản lý, ông phải trả lời được câu hỏi Ai thay mặt Ban lãnh đạo bệnh viện Hoà Bình đồng ý cho Trâm Anh làm việc bảo trì máy móc trong khi hợp đồng ký với Thiên Sơn?

Ông có nghĩ đến những hậu quả như thế này khi ký các hợp đồng với các công ty tư nhân tham gia trực tiếp vào việc vận hành các máy móc thiết bị có liên quan đến tính mạng con người?

Vị đứng đầu thứ 2 là chủ công ty Thiên Sơn, một công ty tham gia vào lĩnh vực y tế không chỉ một thời gian ngắn mà đã có bề dày hoạt động rất nhiều năm.

Liệu ông hoặc các ông nghĩ gì khi "bán" trách nhiệm của mình cho công ty Trâm Anh một công ty không đủ khả năng trong việc vận hành máy móc do chính công ty ông lắp đặt?

Hay chăng chính các ông cũng không đủ năng lực để vận hành hệ thống này, Hay chính Thiên Sơn chỉ là công ty kinh doanh đứng giữa ăn "hoa hồng". Nếu vậy thì ngoài trách nhiệm với lương tâm chắc chắn các ông phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Theo Phương Thúy (Trí Thức Trẻ)