Xã hội

‘Số phận’ chiếc xe Ferrari gây tai nạn, trách nhiệm pháp lý người điều khiển

Theo luật sư, sau khi gây tai nạn, người để xảy ra tai nạn chưa đến trình diện cơ quan chức năng do tâm lý chưa ổn định, nhưng họ đã thông tin cho cơ quan chức năng biết thì điều này được pháp luật cho phép.

Như VietNamNet đã đưa, Phòng CSGT Công an Hà Nội đang phối hợp điều tra nguyên nhân vụ tai nạn liên quan đến xe Ferrari. 

Trước đó, khoảng 3h45 ngày 31/10, tại đường Lê Quang Đạo, Hà Nội xảy ra vụ tai nạn giữa ô tô và xe máy. Thời điểm trên, ô tô nhãn hiệu Ferrari mang BKS 80-3xx-NG-xx do anh V. (trú tại Nam Từ Liêm, Hà Nội) điều khiển bất ngờ va chạm với xe máy đi phía trước, cùng chiều đường.

Vụ tai nạn khiến người điều khiển xe máy là ông Lê Đình Hới (SN 1964, ở Hà Đông, Hà Nội) tử vong tại chỗ. Sau khi vụ va chạm xảy ra, tài xế đã rời khỏi hiện trường và chưa ra cơ quan công an trình diện.

Trao đổi với VietNamNet, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường cho hay, pháp luật quy định, cứu giúp người bị nạn không chỉ là trách nhiệm về mặt đạo đức xã hội mà còn là trách nhiệm pháp lý.

‘Số phận’ chiếc xe Ferrari gây tai nạn, trách nhiệm pháp lý người điều khiển
Cảnh sát tiến hành khám nghiệm hiện trường

Những người gây tai nạn khi thấy người bị nạn phải cứu giúp, đưa họ đi cấp cứu. Trường hợp người gây tai nạn bỏ trốn nhằm trốn tránh trách nhiệm, đó sẽ là tình tiết tăng nặng và hình phạt có thể lên tới 10 năm tù.

Theo luật sư, sau khi gây tai nạn, người để xảy ra tai nạn chưa đến trình diện cơ quan chức năng do tâm lý chưa ổn định, nhưng họ đã thông tin cho cơ quan chức năng biết thì điều này được pháp luật cho phép.

“Người gây tai nạn có thể chậm trình diện vài hôm (nhất là trường hợp họ bị tấn công) và cũng không có quy định là họ được chậm trình diện trong bao lâu, nhưng phải trình diện sớm nhất và nếu bỏ trốn, tìm cách trốn tránh trách nhiệm hay xoá dấu vết thì đây sẽ là tình tiết tăng nặng. Ngoài ra, nếu cơ quan chức năng nghi ngờ việc người gây tai nạn có nồng độ cồn hoặc ma tuý, có thể áp giải họ đến làm việc để thực hiện các biện pháp nghiệp vụ”, luật sư Đặng Văn Cường cho hay.

Khi nào được miễn trừ?

Vẫn theo Tiến sĩ Đặng Văn Cường, Thông tư số 15/2014/TT-BCA của Bộ Công an quy định về đăng ký xe, thì biển số nền màu trắng, số màu đen, sêri ký hiệu "NG" màu đỏ cấp cho xe của cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự và nhân viên nước ngoài mang chứng minh thư ngoại giao của cơ quan đó.

Các xe mang biển số "NG" được hưởng quyền miễn trừ, chiếu theo Công ước Viên 1961 mà Việt Nam tham gia; Thông tư liên tịch 01-TTLN ngày 8/9/1988 hướng dẫn việc điều tra, xử lý các vụ vi phạm luật lệ giao thông đường bộ do người, phương tiện nước ngoài gây ra và Pháp lệnh về quyền ưu đãi, miễn trừ dành cho cơ quan Đại diện ngoại giao, cơ quan Lãnh sự nước ngoài và cơ quan Đại diện của Tổ chức Quốc tế tại Việt Nam.

Theo Công ước Viên 1961, người được quyền miễn trừ cũng như tài sản, tàu thuyền của họ ở nước ngoài không phải thực hiện các biện pháp cưỡng chế từ phía các tòa án, cơ quan tài chính, cơ quan an ninh nước sở tại, cũng không bị khiếu kiện, bắt giữ, khám xét, thẩm vấn, cấm vận và tịch biên tài sản.

Trụ sở của cơ quan đại diện ngoại giao, đồ đạc và tài sản khác ở trong đó cũng như các phương tiện đi lại của cơ quan đại diện không thể bị lục soát, trưng dụng, tịch thu hoặc đem xử lý.

Còn theo Thông tư 01-TTLN, những người có thân phận ngoại giao (có hộ chiếu ngoại giao) được hưởng quyền bất khả xâm phạm về thân thể, miễn trừ xét xử hình sự, dân sự và xử lý hành chính đối với các vụ vi phạm luật giao thông đường bộ.

Tuy nhiên, họ phải tôn trọng luật lệ của Việt Nam, phải có trách nhiệm đền bù vật chất đối với các vụ tai nạn giao thông do họ gây ra.

Còn xe biển số ngoại giao "NG" của các cá nhân mang thân phận ngoại giao được hưởng quyền miễn trừ không bị khám xét, trưng dụng, bắt giữ. Không bị áp dụng các biện pháp xử lý khi vi phạm luật lệ giao thông.

Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, cần phân biệt thân phận ngoại giao được miễn trừ là cá nhân để thực hiện nhiệm vụ ở nước ngoài chứ không phải là thân phận của tài sản, phương tiện giao thông.

Người mang thân phận ngoại giao được miễn trừ theo luật pháp quốc tế trong một số trường hợp theo nguyên tắc có đi có lại. Còn đối với các phương tiện giao thông mang biển ngoại giao nhưng do công dân nước sở tại điều khiển không phải là thực hiện nhiệm vụ thì vụ việc được giải quyết theo thủ tục thông thường, nghĩa là người gây tai nạn mà có lỗi thì phải chịu trách nhiệm pháp lý. Cơ quan ngoại giao quản lý phương tiện chỉ là bên liên quan trong vụ tai nạn giao thông.

Theo luật sư, cơ quan chức năng sẽ làm rõ biển số xe ngoại giao trong vụ tai nạn này là biển thật hay biển giả, người điều khiển phương tiện có phải là người của cơ quan ngoại giao đang thực hiện nhiệm vụ hay không?

Trong trường hợp biển số xe là biển thật, của cơ quan ngoại giao, nhưng người điều khiển phương tiện lại là công dân Việt Nam, không phải là đang thực hiện nhiệm vụ ngoại giao thì hoàn toàn không được miễn trừ.

Người gây tai nạn nếu có lỗi thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, hậu quả nạn nhân thiệt mạng thì người gây tai nạn có lỗi sẽ phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự, việc có tạm giữ phương tiện hay không thì cơ quan chức năng sẽ xem xét làm rõ pháp lý của chiếc xe này, làm rõ chủ xe.

Tuy nhiên, trước tiên có thể sẽ tạm giữ xe để xác định thiệt hại, thu giữ dấu vết trên chiếc xe làm căn cứ giải quyết vụ việc.

Trường hợp xác định chiếc xe của cơ quan ngoại giao hợp pháp thì có thể sẽ trả lại chiếc xe này cho chủ sở hữu còn người gây tai nạn có lỗi thì phải chịu trách nhiệm pháp lý và bồi thường thiệt hại theo quy định pháp luật.

Theo T.Nhung (VietNamNet)




https://vietnamnet.vn/so-phan-chiec-xe-ferrari-gay-tai-nan-trach-nhiem-phap-ly-nguoi-dieu-khien-xe-2075788.html