Xã hội >> COVID-19 (nCoV)

Số ca nhiễm Covid-19 ở Việt Nam không tăng theo quy luật của thế giới

Tính đến nay, Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia/ vùng lãnh thổ có hơn 200 ca mắc nhưng chưa trường hợp nào tử vong.

Thông tin trên báo Tiền Phong, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết, mặc dù tỷ lệ tử vong của bệnh nhân COVID-19 trên thế giới đang gia tăng nhưng đến nay Việt Nam chưa có trường hợp nào tử vong, số ca mắc mới cũng tăng chậm hơn rất nhiều.

Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 nhận định, đến nay số ca nhiễm ở Việt Nam không tăng theo quy luật của thế giới, bởi chúng ta có những giải pháp phòng chống dịch hiệu quả cao. Trong giai đoạn đầu, Việt Nam đã ghi nhận ca nhiễm đầu tiên vào ngày 22/1, tới ngày 11/2/2020 có 16 ca và toàn bộ 16 ca này đã được chữa khỏi.

“Sang giai đoạn 2, từ ngày 6/3 (thời điểm xuất hiện bệnh nhân thứ 17) đến nay chúng ta mới chỉ có tổng hơn 200 người nhiễm COVID-19 (cả hai giai đoạn) đứng thứ 88/200 quốc gia, vùng lãnh thổ thế giới, chưa có bệnh nhân tử vong. Do đó, trong thời gian tới cả hệ thống cần tiếp tục tập trung thực hiện thật tốt các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo để triển khai phòng, chống dịch hiệu quả”, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết thêm.

Bước sang giai đoạn 2, tính từ ngày 6/3 khi phát hiện ca bệnh thứ 17. Tới ngày 19/3 cả nước đã có 100 ca nhiễm. Như vậy thời gian từ 1 lên 100 ca của Việt Nam là 57 ngày dài hơn so với mức trung bình trên thế giới là 30 ngày. Nếu trừ đi 16 ca giai đoạn 1 thì ngày 21/3/2020, Việt Nam có 100 ca nhiễm bệnh mới.

Từ mốc 100 ca đến 1000 ca, thời gian trung bình trên thế giới là khoảng từ 7 đến 9 ngày. Riêng Nhật Bản là khoảng 28 ngày. Tại Việt Nam, kể từ mốc 100 thì sau 7 ngày có 171 ca, sau 9 ngày có 203 ca. Như vậy, tình hình số ca nhiễm ở Việt Nam tăng chậm hơn rất nhiều vì Việt Nam thực hiện các giải pháp chủ động, kịp thời, sớm và và hiệu quả.

Về chuẩn bị phương án điều trị trong tình huống dịch lan rộng, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn thông tin, hệ thống y tế của Việt Nam khác với các nước, là có trạm y tế xã, bệnh viện huyện, tỉnh, Trung ương. Theo đó, mọi bệnh nhân COVID-19 đều được chăm sóc y tế. Nếu dịch lan rộng tại một địa phương, ngành Y tế đã sẵn sàng điều động các nguồn lực lượng ở địa phương khác để tập trung dập dịch. Về vấn đề điều trị Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, chúng ta đã có những thành công nhất định. Tình hình các bệnh nhân nặng đang tiến triển tốt. Ngành y tế đang tiếp tục nghiên cứu thử nghiệm một số loại thuốc, đồng thời cập nhật phác đồ điều trị của thế giới.

Số ca nhiễm Covid-19 ở Việt Nam không tăng theo quy luật của thế giới
Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia/ vùng lãnh thổ có hơn 200 ca mắc nhưng chưa trường hợp nào tử vong (Ảnh Trí Thức Trẻ)

Theo Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, về diễn tiến sức khỏe 4 bệnh nhân nặng đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Kim Chung, liên tục trong những ngày qua, các bác sĩ của Bệnh viện cùng các chuyên gia đầu ngành trong Tổ chuyên gia của Bộ Y tế đã hội chẩn, nỗ lực chăm sóc và điều trị nên hiện tại có nhiều bệnh nhân sức khoẻ tiến triển tốt lên.

Trong đó có trường hợp nặng nhất là bác ruột bệnh nhân số 17. Bệnh nhân số 26 đã bỏ máy thở, rút ống nội khí quản và đang được theo dõi; 3 bệnh nhân còn lại, trong đó có 1 ca ECMO và 1 ca thở máy, 1 ca thở máy không xâm nhập đang tiến triển tốt lên, riêng ca ECMO đang chuẩn bị cai ECMO, chuyển sang thở máy.

Đã có 2 trong số 4 bệnh nhân nặng này đến nay có kết quả xét nghiệm âm tính 2 lần với virus gây bệnh COVID-19.

4 nhân viên y tế gồm 2 bác sĩ của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TW và 2 điều dưỡng Bệnh viện Bạch Mai tình trạng sức khỏe ổn định.

Trong số các bệnh nhân đang điều trị tại các cơ sở y tế, cập nhật đến chiều nay có 54 bệnh nhân âm tính lần 1, trong số này có 43 bệnh nhân đã âm tính 2 lần trở lên.

KHUYẾN CÁO: Để ngăn chặn dịch bệnh COVID-19, Bộ Y tế đề nghị người đân thực hiện tốt 5 điểm sau đây:

1. Hạn chế tối đa ra ngoài, chỉ ra ngoài khi thực sự cần thiết.

2. Nếu buộc phải ra ngoài luôn đeo khẩu trang, hãy giữ khoảng cách tiếp xúc, tốt nhất là 2m.

3. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn.

4. Vệ sinh và để thông thoáng nhà cửa; lau rửa thường xuyên các bề mặt, các điểm hay tiếp xúc; sinh hoạt lành mạnh.

5. Thực hiện khai báo y tế trên ứng dụng NCOVI (ncovi.vn), hoặc khai trực tuyến trên tokhaiyte.vn; cập nhật tình hình sức khỏe hàng ngày, giữ liên hệ với cơ sở y tế.

HP (Nguoiduatin.vn)