Xã hội

Sĩ tử Hà Nội hồi hộp trước giờ thi Lịch sử

Lần đầu tiên Hà Nội tổ chức thi môn Lịch sử vào lớp 10 công lập, nhiều thí sinh lo lắng, tập trung ôn luyện suốt ba tháng qua.

8h ngày 3/6, hơn 85.000 thí sinh Hà Nội bước vào môn thi Ngoại ngữ, kết hợp tự luận và trắc nghiệm. Sau 60 phút làm bài, các em được nghỉ nửa tiếng để thi môn cuối cùng Lịch sử. Môn này được công bố muộn nhất vào đầu tháng 3, đến đầu tháng 5 Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội mới giới thiệu 24 bộ đề ôn tập nên nhiều thí sinh cảm thấy áp lực.

"Trước khi Sở công bố, em luôn nghĩ sẽ thi Giáo dục công dân vì môn Sử khó học thuộc, khô khan và lượng kiến thức cũng nhiều", Đỗ Phương Nhi (THCS Nghĩa Tân) nói. Sau khi biết Sử là môn thi thứ tư, Nhi đăng ký học thêm Sử mỗi tuần một buổi 2 tiếng do một cô giáo trường chuyên THPT tổ chức.

Những ngày học đầu, cô giáo dành thời gian dạy lại kiến thức lớp 9 vì biết từ đầu năm đa số học sinh không chú trọng bộ môn này. Sau khi đi nhanh qua chương trình học, cô giáo bắt đầu cho lớp luyện đề, kiểm tra sát sao việc học thuộc từ khóa, các mốc sự kiện.

Áp lực vì thi Lịch sử, Nhi không dám lơ là các buổi học. Gần đến ngày thi, sau khi ôn luyện Toán, Văn, Anh đến 11h đêm, nữ sinh vẫn học thêm Lịch sử đến 1h sáng. Ở bộ môn này, Nhi lo lắng nhất phần sử thế giới.

Dù đã được cô ôn luyện kỹ, cựu học sinh THCS Nghĩa Tân vẫn cảm thấy hồi hộp. "Mặc dù Sử là môn hệ số 1, nhưng em không dám chủ quan, làm mất cơ hội vào trường THPT Cầu Giấy", Nhi nói.

Sĩ tử Hà Nội hồi hộp trước giờ thi Lịch sử
Đỗ Phương Nhi, cựu học sinh trường THCS Nghĩa Tân. Ảnh: Tú Anh

Ngồi trong sân trường THCS Dịch Vọng đợi đến giờ làm thủ tục thi sáng 1/6, Lê Hoàng (THCS Nghĩa Tân) chăm chú đọc tài liệu môn Lịch sử. Hoàng đăng ký thi chuyên Toán - Tin của trường THPT Chuyên Sư phạm Hà Nội, nhưng dự đoán kết quả không khả quan. Trước ngày thi vào lớp 10 công lập, Hoàng lo lắng cho Lịch sử vì thời gian qua mải ôn thi chuyên nên phớt lờ môn này.

"Sau khi thi chuyên, em dành toàn bộ thời gian để học Lịch sử. Việc thi chuyên không tốt đã khiến em xấu hổ, nếu giờ vì Lịch sử mà trượt cấp 3 công lập thì em sẽ không dám ra đường gặp mọi người", Hoàng nói.

Bên cạnh những gương mặt âu lo, vẫn có nhiều thí sinh tự tin trước ngày thi Lịch sử. "Ban đầu khi biết thi Lịch sử, em rất bối rối. Nhưng sau một thời gian tập trung học, em thấy môn học cung cấp kiến thức bổ ích nên lại thấy thích", Nguyễn Trà Vy (cựu học sinh THCS Mai Dịch) nói.

Nữ sinh học thêm Lịch sử mỗi tuần một buổi kết hợp nghe giảng trên lớp, hoàn thành bài tập về nhà cô giáo giao. Để thêm phần chắc chắn, Vy thường ôn luyện môn Lịch sử trên trang ViettelStudy. Với lượng kiến thức đã tích luỹ được trong thời gian qua, nữ sinh hy vọng sẽ đạt được 6-7 điểm.

Đối với Hà Minh (THCS Dịch Vọng), Lịch sử không phải môn hóc búa như Toán, Lý, Hóa, nhưng yêu cầu học sinh phải chăm chỉ, dành nhiều thời gian ôn luyện. "Chỉ với 3 môn Toán, Văn, Anh, số lượng kiến thức đã rất nặng nên phải học thêm kiến thức lớn của môn Sử sẽ khiến nhiều bạn sợ hãi", Minh chia sẻ.

Sĩ tử Hà Nội hồi hộp trước giờ thi Lịch sử - 1
Hà Minh đăng ký nguyện vọng 1 vào trường THPT Cầu Giấy. Ảnh: Tú Anh

Để bản thân không bị áp lực, Minh tóm tắt kiến thức đã học dưới dạng sơ đồ tư duy. Đầu tiên, em đọc lại một lượt nội dung, tô đậm ý chính (gồm mốc thời gian, địa điểm, nội dung chính của sự kiện) trong bài. Sau đó, em trình bày lại ý chính đó dưới dạng sơ đồ kèm hình ảnh minh họa hoặc tô màu cho thêm phần bắt mắt.

Từ khi học theo phương pháp này, mỗi khi ôn Sử, chỉ cần liên tưởng đến những hình vẽ trong sơ đồ tư duy là Minh sẽ nhớ lại kiến thức. "Cách học này mất thời gian hơn học thuộc vì vừa phải đọc vừa phải vẽ, lại nhưng giúp em nhớ lâu, có cảm hứng học Sử", thí sinh thi vào trường THPT Cầu Giấy chia sẻ.

Đăng ký nguyện vọng 1 vào trường THPT Cầu Giấy, Trần Thuỳ Linh (THCS Phú Đô) thường dậy từ 5h để học thuộc Sử. Em không đăng ký học thêm vì nghĩ chỉ cần nắm chắc kiến thức trên lớp là đủ. Mỗi khi có thời gian rảnh, em sẽ cùng bạn học thuộc, kiểm tra chéo. Tối về, Linh dành 1-2 tiếng tiếp tục luyện đề.

Gần 3 tháng ôn luyện, Linh tin có thể làm được bài thi, nhưng vẫn hồi hộp khi lần đầu tiên thành phố tổ chức thi Lịch sử để tuyển sinh vào lớp 10 công lập.

Sĩ tử Hà Nội hồi hộp trước giờ thi Lịch sử - 2
Phương thức thi tuyển vào lớp 10 công lập ở Hà Nội. Đồ họa: Việt Chung

Toàn thành phố Hà Nội có 85.870 thí sinh dự thi vào lớp 10 THPT công lập (tính cả thí sinh được xét tuyển thẳng). Tổng chỉ tiêu vào các trường công lập và công lập tự chủ là 67.230, trường ngoài công lập là 21.820. Số còn lại phải học trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, học nghề.

Sau mấy chục năm chỉ thi Toán, Ngữ văn, năm nay lần đầu tiên thí sinh sẽ thi 4 môn gồm Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và Lịch sử. Trong đó Toán, Ngữ văn là tự luận, Ngoại ngữ kết hợp trắc nghiệm và tự luận, Lịch sử thi trắc nghiệm.

Theo Tú Anh (VnExpress.net)