Xã hội

Sau đề nghị di dời của Bộ GTVT: Người dân phố cà phê đường tàu 'mất ngủ'

Trước đề xuất di dân, giải tỏa khu vực ở phố cà phê đường tàu (Chắn 5 Trần Phú, phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội), nhiều người dân nơi đây lo lắng vì vừa mất kế sinh nhai trong khi nơi sinh sống mới chưa biết sẽ thế nào…

Bộ GTVT tái khẳng định nói "không" với cà phê đường tàu

Liên quan đến kiến nghị của các hộ dân về việc kinh doanh cà phê đường tàu, Bộ GTVT tái khẳng định không ủng hộ, đồng thời đề nghị Hà Nội sớm di dời, tái định cư cho các hộ dân để trả lại hành lang đường sắt.

Theo Bộ GTVT, thời gian qua tình hình vi phạm hành lang an toàn đường sắt trên địa bàn các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa và Hai Bà Trưng của Hà Nội có chiều hướng gia tăng và diễn biến rất phức tạp. Đặc biệt, nhiều hộ dân tổ chức dịch vụ kinh doanh kê bàn ghế sát hai bên đường tàu để bán hàng, dẫn tới tình trạng người dân, du khách thường tụ tập, đứng, ngồi, chụp ảnh, ăn uống, giải trí... ngay trên đường tàu và hành lang an toàn đường sắt, bất chấp việc uy hiếp an toàn tính mạng cho mọi người và đảm bảo an toàn chạy tàu.

Sau đề nghị di dời của Bộ GTVT: Người dân phố cà phê đường tàu 'mất ngủ'
Những chuyến tàu chạy qua hàng ngày đã quá đỗi quen thuộc với người dân phố cà phê đường tàu. Ảnh: PV

 

Để chấn chỉnh tình trạng này, Bộ GTVT đã có văn bản đề nghị thành phố Hà Nội xử lý vi phạm an toàn giao thông đường sắt cũng như có phương án giải tỏa. Lãnh đạo Bộ GTVT nhấn mạnh, việc di dời, tái định cư đối với các hộ dân sống trong khu vực hành lang an toàn đường sắt là yêu cầu cấp thiết.

Ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) cũng cho rằng, giải pháp nào an toàn và đúng luật thì phải thực thi, không thể vì quyền lợi của một nhóm người. "Du khách đi lại xung quanh những quán cà phê đường tàu đã và đang gây mất an toàn khi có tàu chạy qua và cản trở đến việc duy tu bảo trì đường sắt", ông Minh nói.

Đơn cử, trong trường hợp vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt, nếu chẳng may dẫn tới đổ cả một đoàn tàu, lúc này vì quyền lợi của người bán cà phê hay cả một đoàn tàu? Xét trên khía cạnh này, ông Minh đặt vấn đề phải lấy rủi ro lớn nhất xảy ra thì tổn thất là gì để có ứng xử, đồng thời tin rằng nhiều người sẽ bảo vệ quyền lợi và đảm bảo an toàn người dân, hành khách.

Đề cập đến việc những hộ kinh doanh bán cà phê đường tàu có kiến nghị cho mở cửa trở lại và cam kết có những biện pháp phòng tránh tai nạn đường sắt, ông Minh đưa ra câu hỏi: "Khi mở lại cửa hàng, nếu hành khách, trẻ con chạy ra thì ai dám đảm bảo chủ quán cà phê đó ngăn chặn được hoàn toàn, nếu không ngăn chặn được hành vi đó dẫn đến chết người thì có làm sống lại được không?".

Việc di dời mới chỉ dừng lại ở lý thuyết

Sau đề nghị di dời của Bộ GTVT: Người dân phố cà phê đường tàu 'mất ngủ' - 1
Một số du khách tỏ ra tiếc nuối khi biết tin “phố cà phê đường tàu” có nguy cơ bị giải tỏa, di dời.

Ngày 25/11, theo ghi nhận của PV Báo Gia đình & Xã hội, từ sáng sớm đã có lực lượng bảo vệ túc trực để ngăn khách ra vào phố cà phê đường tàu. Rất nhiều khách du lịch, đặc biệt là người nước ngoài phải đứng bên ngoài để chụp ảnh lưu niệm.

Ông Nguyễn Văn Hảo - chủ một quán kinh doanh ở phố cà phê đường tàu cho biết: "Chúng tôi cũng nhận thức được sự nguy hiểm của việc tàu đi qua đây nên luôn nhắc nhở khách. Hơn một tháng nay, từ khi Hà Nội cấm việc kinh doanh thì lượng khách đã giảm hẳn. Nếu ngày trước trung bình mỗi ngày khoảng vài trăm khách thì giờ chỉ còn lác đác vài người. Một số quán cũng đã phải đóng cửa, tìm kế sinh nhai khác".

Bà Phạm Thị Hải Đường (một hộ kinh doanh nước giải khát) cũng chia sẻ: "Gia đình tôi chuyển về đây sinh sống từ những năm 1970 và gia đình mới mở quán bán nước phục vụ người dân, du khách được một thời gian. Do đó, tôi thấy được rõ những sự thay đổi của khu vực này, nhất là từ khi các hộ dân bắt đầu kinh doanh cà phê đường tàu. Tôi thấy mô hình kinh doanh này cũng đem lại khá nhiều lợi ích, vừa giúp người dân có thêm thu nhập, khu vực đường sắt sạch sẽ hơn và truyền tải nét đẹp văn hóa, hình ảnh con người Việt Nam thân thiện, hiếu khách tới các quốc gia trên thế giới. Ngược lại, việc kinh doanh cũng khiến tình hình giao thông trở nên phức tạp hơn do lượng du khách đổ về ngày càng đông".

"Gia đình tôi sẽ luôn tuân thủ theo quyết định của cơ quan chức năng kể cả việc kinh doanh này đem lại cho gia đình một khoản kinh tế nhất định. Chúng tôi chỉ hy vọng các cơ quan chức năng sẽ có phương án xử lý phù hợp nhất, nếu có thể thì tạo điều kiện xây dựng một phương án cụ thể để các hộ kinh doanh ở đây được tiếp tục hoạt động. Thú thật từ khi nhận được thông tin sẽ phải di dời, người dân chúng tôi mất ăn mất ngủ vì chưa biết tương lai thế nào…", bà Đường nói thêm.

"Đã có vài lần chính quyền xuống trực tiếp trao đổi với người dân về việc chuẩn bị di dời đến nơi ở mới nhưng đều dừng lại ở lý thuyết, còn thực tế là các hộ dân vẫn đang phải ngày đêm sống chung với đường tàu. Chúng tôi cũng không hề muốn sống mãi trong cảnh người già thì mất ngủ, trẻ nhỏ thì nhét đầy bông ở tai hay bị giật mình mỗi khi có đoàn tàu chạy qua. Tuy nhiên, cư dân nơii đây mong muốn Nhà nước có phương án hỗ trợ, tái định cư phù hợp để mọi người đồng lòng thực hiện", một hộ dân khác bày tỏ.

Cần phải di dời tất cả hộ dân nằm trong hành lang ATGT đường sắt

Chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy cho rằng: "Việc xóa bỏ phố cà phê đường tàu là điều không ai mong muốn, nhất là đối với những hộ dân đang kinh doanh mô hình này. Tuy nhiên, tuân thủ theo quy định của pháp luật, đảm bảo an toàn cho người dân khi tham gia giao thông là việc trên hết, việc xóa bỏ phố cà phê đường tàu chỉ là công việc cần thiết để đảm bảo an toàn cho người dân. Dẫu biết đây là việc làm hết sức khó khăn, nhưng nếu quyết tâm cơ quan chức năng sẽ di dời được tất cả hộ dân nằm trong hành lang ATGT đường sắt chứ không chỉ riêng ở Chắn 5 Trần Phú, phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội".

Theo Nhóm Phóng Viên (Giadinh.net.vn)




http://giadinh.net.vn/xa-hoi/sau-de-nghi-di-doi-cua-bo-gtvt-nguoi-dan-pho-ca-phe-duong-tau-mat-ngu-20191125211537571.htm