Xã hội >> COVID-19 (nCoV)

Sáng 19/2, Việt Nam không có ca mắc mới COVID-19

Bản tin 6h ngày 19/2 của Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch COVID-19 cho biết không có ca mắc mới COVID-19. Việt Nam đã chữa khỏi 1.605 bệnh nhân.

Số ca mắc ở Việt Nam:

- Tính đến 6h ngày 19/02: Việt Nam có tổng cộng 1448 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/1 đến nay: 755 ca.

- Tính từ 18h ngày 18/02 đến 6h ngày 19/02: 0 ca mắc mới, trong đó có 0 ca nhập cảnh được cách ly ngay.

Số người cách ly: Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 139.446, trong đó:

- Cách ly tập trung tại bệnh viện: 604

- Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 13.450

- Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 125.392.

Tình hình điều trị: Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19: đến thời điểm này nước ta đã chữa khỏi 1.605 bệnh nhân COVID-19.

Tính đến thời điểm này trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại các cơ sở y tế, số ca âm tính lần 1 với virus SARS-CoV-2: 69 ca; Số ca âm tính lần 2 với SARS-CoV-2: 39 ca, số ca âm tính lần 3 là 55 ca.

Trong số các bệnh nhân đang điều trị tại các cơ sở y tế trên cả nước, hiện BN1536 đang điều trị tại BV Phổi Đà Nặng là bệnh nhân nặng nhất. BN1536 tuổi cao, có tiền sử tăng huyết áp và đái tháo đường nhiều năm nay.

Sáng 19/2, Việt Nam không có ca mắc mới COVID-19

Liên quan đến công tác điều trị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, trong thời gian qua, Bộ Y tế tiếp tục tăng nhân lực hỗ trợ, chỉ đạo các địa phương, cơ sở y tế thực hiện tốt công tác điều trị cho người mắc bệnh. Hiện các cơ sở điều trị vẫn tiếp tục thực hiện tốt. Các y bác sĩ luôn nỗ lực, cố gắng để điều trị cho bệnh nhân một cách tốt nhất.

Liên quan đến công tác phòng chống dịch COVID-19, Bộ Y tế cho biết, Bộ đã và đang tích cực làm việc với các đối tác thực hiện nhập khẩu vắc xin để sớm đưa vắc xin phòng bệnh COVID-19 về Việt Nam phục vụ người dân. Đồng thời với đó là đẩy mạnh nghiên cứu sản xuất vắc xin trong nước. Xã hội hóa và huy động các nguồn lực để phục vụ việc cung cấp vắc xin vắc xin phòng bệnh COVID-19 một cách nhanh nhất, rộng nhất.

Theo đó, Cục Quản lý dược đã chấp thuận cho Công ty TNHH AstraZeneca Việt Nam nhập khẩu vắc xin ngừa COVID-19 AstraZeneca, số lượng 204.000 liều. Dự kiến ngày 28/2 tới đây, lô vắc xin đầu tiên này sẽ về đến Việt Nam. Cùng đó khoảng 4,88 triệu liều vắc xin của COVAX facility cũng dự kiến sẽ về đến Việt Nam. Như vậy, chúng ta có khoảng hơn 5 triệu liều để tiêm mũi thứ nhất cho hơn 5 triệu người.

Hải Dương sớm đưa bệnh viện dã chiến số 3 vào hoạt động

Chiều 18/2, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn có buổi làm việc trực tuyến với 12 huyện, thị xã, thành phố trực thuộc địa bàn tỉnh để nắm bắt tình hình và hỗ trợ cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 của địa phương.

Đánh giá tổng quan tình hình chống dịch tại địa bàn, PGS.TS Trần Như Dương, Viện phó Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương nhấn mạnh: "Hiện nay, cả tỉnh Hải Dương đang thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính Phủ. Đây là một trong những biến pháp quan trọng để có thể chống dịch Covid-19. Nguyên tắc căn bản là chúng ta phải hạn chế gặp gỡ, tiếp xúc giữa những người dân với nhau. Chỉ thị 16 là "cơ hội vàng" cho chúng ta để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh"

"Tôi đánh giá cao quyết định dũng cảm của Hải Dương vì thiệt hại về kinh tế là điều không tránh khỏi. Từ các gia đình, thôn xóm cần phải chắt chiu từng giờ để thực chất, đúng nghĩa, liên tục để xứng đáng với nỗ lực của tất cả lực lượng dành cho cuộc chiến này", TS Dương nói.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nhận định đợt dịch thứ 3 tại Hải Dương có sự phức tạp, nghiêm trọng hơn hẳn các đợt dịch trước. Đây là chủng virus đột biến với tốc độ và thời gian lây lan nhanh hơn nhiều so với trước đây. Bên cạnh đó, dịch xảy ra ở tại một đơn vị sản xuất với hàng ngàn công nhân cũng chính là nguyên nhân khiến virus lây lan nhanh chóng hơn.

Vì vậy, tỉnh cần đẩy nhanh tiến độ xét nghiệm hơn nữa, Bộ Y tế sẽ luôn sát cánh và hỗ trợ cho Hải Dương trong công tác phòng, chống dịch.

Thứ trưởng cho rằng Hải Dương cần phải kiểm tra, đánh giá các doanh nghiệp có đủ an toàn với Covid-19 để xem xét cho hoạt động trở lại. Tuy nhiên, Hải Dương cần phải xây dựng tình huống khi dịch tái bùng phát thì xử lý y tế như thế nào, trách nhiệm của chủ doanh nghiệp ra sao.

Theo Thứ trưởng Sơn tình hình dịch tại Hải Dương đã cơ bản được kiểm soát, tỉnh đã hoàn thành Bệnh viện dã chiến số 3. Vì vậy, tỉnh cần sớm đưa bệnh viện dã chiến số 3 đi vào hoạt động ngay từ ngày 19/2 để giảm tải cho các bệnh viện dãchiến số 1.

Bệnh viện dã chiến số 3 được thiết lập tại khu nhà 3 tầng tại khuôn viên Đại học Sao Đỏ, Chí Linh, Hải Dương. Đây là ngôi trường được xây dựng từ năm 2007 trên diện tích khoảng 1,6 ha, nằm biệt lập hoàn toàn với khu dân cư, nên hội tụ đầy đủ điều kiện để đảm bảo tốt nhất việc giãn cách an toàn trong phòng chống dịch, cũng như thuận tiện trong việc vận chuyển bệnh nhân và trang thiết bị y tế.

Dự kiến, Bệnh viện dã chiến số 3 tại Hải Dương có quy mô giai đoạn 1 là 1.000 giường bệnh, đáp ứng yêu cầu phục vụ bệnh nhân Covid-19 ở các mức độ khác nhau (từ nhẹ đến nặng).

HP (Nguoiduatin.vn)