Xã hội

Rà soát kỹ để tránh 'sạn' trong sách giáo khoa mới

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đang trong quá trình phê duyệt bộ sách giáo khoa (SGK) được biên soạn theo chương trình giáo dục phổ thông mới.

Theo quy định, sau khi Bộ GD-ĐT công bố danh sách các SGK đã qua thẩm định thì các địa phương có thể thực hiện việc chọn sách phù hợp để sử dụng, bắt đầu từ năm học 2020-2021.

Bộ GD-ĐT cũng đang dự thảo thông tư quy định việc chọn SGK trong cơ sở giáo dục phổ thông. Dự thảo này đã được gửi các cơ sở giáo dục để lấy ý kiến góp ý trước khi ban hành.

Khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông, cả nước sẽ thực hiện theo chương trình thống nhất do Bộ GD-ĐT ban hành, nhưng có thể sử dụng các SGK khác nhau trong số những sách đã được hội đồng thẩm định SGK quốc gia đánh giá đạt. Việc chọn sách nào cho các cấp học, các vùng miền trên phạm vi một tỉnh do UBND cấp tỉnh quyết định.

Rà soát kỹ để tránh 'sạn' trong sách giáo khoa mới
Ảnh minh họa

SGK mới tập trung thiết kế qua các mô hình hoạt động. Sách của học sinh thể hiện mô hình thông qua các hoạt động của học sinh. Sách giáo viên phải hướng dẫn, tổ chức các hoạt động học tập đó.

Theo TS. Thái Văn Tài - Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, thời gian công bố chính thức kết quả thẩm định SGK phục vụ cho thực hiện chương trình mới vào năm học 2020-2021 sẽ vào khoảng cuối tháng 11/2019. Theo ông Tài, Bộ GD-ĐT đang tiếp tục rà soát các cơ sở pháp lý đối với các SGK đã đạt để đảm bảo sách được thẩm định đạt yêu cầu so với quy định trong luật, nhất là những SGK có các nội dung liên quan tới hội nhập quốc tế, các yếu tố nhạy cảm.

Bộ GD-ĐT cũng đang trưng cầu ý kiến về dự thảo hướng dẫn chọn SGK, dự kiến ban hành vào tháng 12/2019. Căn cứ vào đó, các địa phương sẽ tiến hành quy trình chọn SGK và kết hợp với các tổ chức, tác giả soạn SGK tập huấn cho giáo viên các nhà trường trong việc sử dụng SGK.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ khẳng định: “SGK phải duyệt mang tính chuẩn mực rất cao, đặc biệt là sự phối hợp, thống nhất và kiểm soát rất kỹ. Sau khi hội đồng thẩm định đã thẩm định, trước khi trình Bộ trưởng Bộ GD-ĐT phê, chúng tôi sẽ một lần nữa rà soát lại để đảm bảo giảm “sạn” một cách tối đa”.

Theo Thu Thủy (Nguoitieudung.com.vn)




http://www.nguoitieudung.com.vn/ra-soat-ky-de-tranh-san-trong-sach-giao-khoa-moi-d79112.html