Xã hội

Quảng Ninh tiên phong bỏ xét nghiệm PCR bắt buộc, hàng loạt tỉnh thành vẫn yêu cầu phải có giấy test khi qua chốt

11h ngày 14/10 là thời điểm tỉnh Quảng Ninh dừng triển khai văn bản 7217 ban hành ngày 12/10 có nội dung hướng dẫn tạm thời thực hiện một số giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới.

Văn bản 7217 của tỉnh Quảng Ninh hướng dẫn nhiều nội dung về phòng, chống dịch, nhưng ở góc độ của người dân, doanh nghiệp, việc dừng thực hiện văn bản nêu trên xét về một khía cạnh nào đó có thể là tin vui, ít nhất là với người dân và lao động ra, vào tỉnh không còn bị chế định bắt buộc xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp PCR.

Đáng nói, văn bản 7217 được tỉnh Quảng Ninh ban hành ngày 12/10, có hiệu từ 0h ngày 13/10, có thể nói đây là quy định chưa “ráo mực”, nhưng trước một hướng dẫn mới của Trung ương, tỉnh chủ động dừng để vận dụng hướng dẫn mới.

Quảng Ninh tiên phong bỏ xét nghiệm PCR bắt buộc, hàng loạt tỉnh thành vẫn yêu cầu phải có giấy test khi qua chốt
Quảng Ninh bỏ xét nghiệm Covid-19. Ảnh: VietNamNet

Dừng triển khai văn bản 7217 cũng có nghĩa là dừng yêu cầu tất cả người từ các địa phương khác vào tỉnh hoặc người Quảng Ninh từ các địa phương khác trở về tỉnh, phải có kết quả xét nghiệm âm tính SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR trong vòng 72 giờ tính từ thời điểm lấy mẫu.

Đồng thời, cũng dừng luôn quy định, người từ Quảng Ninh ra tỉnh ngoài, cũng phải thực hiện xét nghiệm, khi trở về phải có kết quả xét nghiệm âm tính SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR trong vòng 72 giờ.

Dừng quy định này, người dân ra vào tỉnh Quảng Ninh tránh được những lần “ngoáy mũi” bắt buộc xét nghiệm, mà theo hướng dẫn mới, trong khá nhiều trường hợp không cần thiết phải thực hiện.

Trong văn bản hỏa tốc do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Thị Hạnh ký ngày 14/10, gửi Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; Thủ trưởng các Sở, ngành, cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh, ngoài nội dung yêu cầu dừng triển khai văn bản số 7217, tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị thực hiện theo quyết định số 4800 của Bộ Y tế. Quyết định này hướng dẫn về chuyên môn trong thực hiện Nghị quyết số 128 ngày 11/10 của Chính phủ ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”.

Theo quyết định số 4800 của Bộ Y tế, vấn đề xét nghiệm được nêu rõ: Không chỉ định xét nghiệm đối với việc đi lại của người dân; chỉ thực hiện xét nghiệm đối với trường hợp đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 4 hoặc cách ly y tế vùng (phong tỏa) và các trường hợp nghi ngờ hoặc có chỉ định điều tra dịch tễ đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 3. Đối với người đã tiêm đủ liều vắc xin và người đã khỏi bệnh: chỉ xét nghiệm khi có yêu cầu điều tra dịch tễ; với trường hợp cách ly y tế hoặc theo dõi y tế và trường hợp đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 4 hoặc cách ly y tế vùng (phong tỏa).

Tuy nhiên, sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 128 với 4 cấp độ dịch, Bộ Y tế có hướng chuyên môn phân loại cấp độ dịch ở các tỉnh, thành, thực tế vẫn chưa có nhiều địa phương hỏa tốc như Quảng Ninh trong dừng quy định có điều kiện không phù hợp hay ban hành quy định mới cho phù hợp với những hướng dẫn của Trung ương.

Sẽ còn nhiều vấn đề phải điều chỉnh với mục tiêu thống nhất trong quản lý toàn quốc về lưu thông và giao thông vận tải đường thủy, đường bộ, hàng không hay kiểm soát đi lại; kiên quyết không để ban hành các "giấy phép con", không cát cứ, chia cắt.

Hà Nội vẫn duy trì các chốt và yêu cầu giấy xét nghiệm

Tại Hà Nội, trong ngày 14/10, theo ghi nhận của PV, tại các chốt kiểm soát ở cửa ngõ vẫn duy trì việc kiểm tra giấy đi đường, giấy xét nghiệm Covid-19 âm tính và giấy tờ tuỳ thân với người ra, vào thành phố.

Tại chốt kiểm soát dịch Covid-19 cửa ngõ Hà Nội trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ trong chiều 14/10, vẫn tiếp tục kiểm soát xe vào thành phố.

Quảng Ninh tiên phong bỏ xét nghiệm PCR bắt buộc, hàng loạt tỉnh thành vẫn yêu cầu phải có giấy test khi qua chốt - 1
Người dân khi đi qua chốt kiểm soát Pháp Vân - Cầu Giẽ vẫn phải có giấy xét nghiệm âm tính. Ảnh: Doanh Nghiệp & Tiếp Thị

Những xe có nhận diện luồng xanh đi vào làn do thanh tra giao thông quản lý và được đi thẳng. Xe cá nhân, không có nhận diện luồng xanh, sẽ đi vào làn do cảnh sát giao thông phụ trách. Lái xe phải xuất trình giấy xét nghiệm Covid-19, sau đó vào chốt khai báo y tế.

Một số lái xe không đủ điều kiện vẫn phải quay đầu.

Trao đổi với PV, lãnh đạo Công an TP Hà Nội cho biết, đến chiều 14/10, thành phố vẫn chưa có chỉ đạo mới nên các chốt vẫn kiểm soát người, phương tiện vào thành phố như cũ.

Còn lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội trong chiều 14/10, khi trao đổi với PV cho rằng, theo tiêu chí mới ở Nghị quyết 128 của Chính phủ thì thành phố sẽ không còn là vùng đỏ.

Tuy nhiên, hiện nay, cơ quan y tế đang tiến hành nghiên cứu để tham mưu thành phố đưa ra hướng dẫn cụ thể trong thời gian sớm nhất.

Về việc có bỏ các chốt kiểm soát người, phương tiện ra vào thành phố hay không, cả lãnh đạo Công an Hà Nội và Sở Y tế cho rằng, việc này sẽ do thành phố quyết định cụ thể.

Về phía Công an TP cũng đã có đề xuất lên thành phố về việc "rút" các chốt và thực hiện kiểm soát dịch trong tình hình mới.

Nhiều tỉnh vẫn duy trì chốt yêu cầu có giấy xét nghiệm âm tính

Tại tỉnh Bắc Ninh yêu cầu bắt buộc người từ nơi khác tới phải có giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 bằng phương pháp PCR hoặc test nhanh kháng nguyên trong vòng 72 giờ, kể từ thời điểm lấy mẫu xét nghiệm.

Tại Bắc Giang cũng yêu cầu người từ các vùng xanh, vàng, đỏ khi về tỉnh phải có các loại giấy tờ kể trên. Ngoài ra, với đối tượng F1, phải thực hiện cách ly y tế tập trung ít nhất đủ 14 ngày.

Người nhập cảnh, người đã được tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng Covid-19 hoặc đã điều trị khỏi Covid-19 thực hiện cách ly tập trung 7 ngày, tiếp tục thực hiện cách ly tại nhà/nơi lưu trú 7 ngày và lấy mẫu xét nghiệm vào ngày thứ 7.

Trẻ em dưới 5 tuổi có thể cách ly tại nhà. Người già yếu, người thiểu năng trí tuệ… căn cứ vào điều kiện thực tế của từng địa phương xem xét, quyết định. F2 cách ly tại nhà/nơi lưu trú 14 ngày trong khi chờ kết quả xét nghiệm RT- PCR của F1.

Trường hợp còn lại thực hiện cách ly tập trung 14 ngày, lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp PCR ít nhất 3 lần. Sau khi hoàn thành cách ly tập trung, tiếp tục cách ly tại nhà/nơi lưu trú 7 ngày tiếp theo. Đối với F0 đã điều trị khỏi cần tiếp tục được cách ly tại nhà.

Tại Hưng Yên, theo ghi nhận, vào chiều 14/10, tỉnh vẫn duy trì các chốt trực đoạn Ecopark và đê sông Hồng tiếp giáp với Hà Nội. Khi qua các chốt này, người dân vẫn được yêu cầu phải có giấy test nhanh hoặc chứng nhận đã tiêm 2 mũi vắc xin.

Lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Hưng Yên cho biết, tỉnh sẽ sớm có văn bản hướng dẫn mới sau khi có Nghị quyết của Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Y tế.

Tại Hải Dương, cho đến chiều 14/10, khi người dân vào tỉnh vẫn yêu cầu phải có giấy xét nghiệm âm tính, chứng nhận tiêm 2 mũi vắc xin. Dự kiến, hôm nay (15/10), tỉnh sẽ có văn bản hướng dẫn mới.

Tại Vĩnh Phúc, đến sáng 15/10, tất cả người dân di chuyển bằng xe máy, ô tô theo chiều vào Vĩnh Phúc trên QL2 đều phải có kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19, khai báo y tế mới được đi qua.

Tại Thanh Hóa, những người có đầy đủ các điều kiện như test nhanh, xét nghiệm RT-PCR, chứng nhận tiêm vắc xin sau khi khai báo y tế mới được đi qua các chốt kiểm soát. Còn những người chưa có hoặc từ vùng dịch về vẫn bắt buộc khai báo y tế, cách ly theo quy định.

Lãnh đạo CDC Thanh Hóa cho hay, ngay sau khi có hướng dẫn mới của Bộ Y tế, UBND tỉnh đã giao cho Sở Y tế chuẩn bị triển khai. Dự kiến trong vài ngày tới sẽ có hướng dẫn cụ thể.

Người dân vào TP Vinh, Nghệ An vẫn phải trình giấy xét nghiệm SARS-CoV-2 còn hiệu lực, nếu chưa tiêm đủ 2 mũi vắc xin, hoặc giấy chứng nhận là F0 đã khỏi bệnh.

Trường hợp phiếu báo kết quả hết hiệu lực, người dân bắt buộc phải thực hiện test Covid-19 mới được vào TP Vinh. Người đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin được cho qua chốt.

Tại Quảng Trị, lãnh đạo UBND tỉnh đã giao Sở Y tế chủ trì phối hợp với các sở ban ngành liên quan xây dựng kế hoạch thực hiện trình UBND tỉnh trước ngày 16/10, sao cho phù hợp với địa phương.

Hiện nay, tỉnh vẫn yêu cầu người vào tỉnh lưu trú phải khai báo y tế và có kết quả âm tính với SARS-CoV-2.

Ngoài ra, những người trở về từ các vùng có nguy cơ dịch tễ theo cập nhật của Sở Y tế, đều bị áp dụng cách ly y tế. Theo đó, đối với người đã tiêm đủ 2 liều vắc xin khi đến hoặc trở về từ vùng dịch, phải cách ly tập trung tối thiểu 14 ngày kể từ ngày đến hoặc trở về địa phương.

Trong quá trình cách ly, phải được xét nghiệm Covid-19 bằng phương pháp RT-PCR tối thiểu 3 lần. Sau 14 ngày cách ly tập trung, phải tiếp tục cách ly tại nhà 14 ngày và phải được xét nghiệm vào ngày thứ 7.

Tại Quảng Ngãi kiểm soát nghiêm ngặt, yêu cầu người vào tỉnh lưu trú phải khai báo y tế và có kết quả âm tính với SARS-CoV-2. Tài xế của xe tải chở hàng hóa phải có kết quả âm tính với SARS-CoV-2 mới được phép lưu thông qua chốt.

Hải Phòng không yêu cầu trình kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 khi vào thành phố

Tối 14/10, UBND TP Hải Phòng cũng thông báo điều chỉnh biện pháp phòng dịch Covid-19. Theo đó, người dân khi vào TP không cần phải trình kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 nhưng tùy theo vùng nguy cơ để áp dụng biện pháp cách ly khác nhau.

Quảng Ninh tiên phong bỏ xét nghiệm PCR bắt buộc, hàng loạt tỉnh thành vẫn yêu cầu phải có giấy test khi qua chốt - 2
Hướng dẫn mới của Hải Phòng

Cụ thể, với người mới được công bố khỏi bệnh Covid-19 nhưng chưa quá 6 tháng ở các tỉnh thành, khu vực có nguy cơ rất cao (tương ứng với màu đỏ và màu cam trên bảng phân vùng dịch của cổng thông tin điện tử Bộ Y tế) thì áp dụng cách ly tại nhà 7 ngày, lấy mẫu xét nghiệm vào ngày thứ 7.

Đối với người đã tiêm đủ liều vắc xin thì cách ly y tế tập trung 7 ngày, lấy mẫu xét nghiệm vào ngày thứ 1 và thứ 7, tiếp tục cách ly tại nhà 7 ngày và xét nghiệm vào ngày thứ 7.

Người chưa tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19 nhưng mũi tiêm cuối cùng chưa đủ 14 ngày thì cách ly tập trung 14 ngày, thực hiện xét nghiệm 3 lần vào ngày thứ 1, thứ 7, thứ 14.

Những người trở về từ các địa phương ở vùng nguy cơ cao mới được công bố khỏi bệnh Covid-19 nhưng chưa quá 6 tháng thì cách ly tại nhà 7 ngày, lấy mẫu xét nghiệm vào ngày thứ 7. Người đã tiêm đủ liều vắc xin thì cách ly tại nhà 7 ngày, lấy mẫu xét nghiệm vào ngày thứ 1 và thứ 7, tự theo dõi sức khỏe 7 ngày tiếp theo.

Người chưa tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19 hoặc đã tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19 nhưng mũi tiêm cuối cùng chưa đủ 14 ngày thì cách ly tại nhà 14 ngày, thực hiện xét nghiệm 3 lần vào ngày thứ 1, thứ 7, thứ 14.

Người trở về từ các địa phương ở vùng nguy cơ mới được công bố khỏi bệnh Covid-19 nhưng chưa quá 6 tháng thì cách ly tại nhà 7 ngày, lấy mẫu xét nghiệm vào ngày thứ 7. Người đã tiêm đủ liều vắc xin phải tự theo dõi sức khỏe 7 ngày, lấy mẫu xét nghiệm ngay khi về.

Người chưa tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19 hoặc đã tiêm đủ liều vắc xin nhưng mũi tiêm cuối cùng chưa đủ 14 ngày thì cách ly tại nhà 7 ngày, xét nghiệm 2 lần vào ngày thứ 1 và thứ 7. Người đã tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19 nhưng mũi tiêm cuối cùng chưa đủ 14 ngày thực hiện cách ly tập trung 14 ngày.

Ngọc Trâm (Nguoiduatin.vn)




https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/docbaovn/quang-ninh-tien-phong-bo-xet-nghiem-pcr-bat-buoc-hang-loat-tinh-thanh-van-yeu-cau-phai-co-giay-test-khi-qua-chot-tintuc791037