Xã hội

'Quân đội làm kinh tế phải bình đẳng như doanh nghiệp bình thường'

Các doanh nghiệp quân đội chỉ nên được ưu tiên khi gắn với nhiệm vụ quốc phòng, an ninh - ý kiến của hầu hết đại biểu Quốc hội khi thảo luận dự án Luật Quốc phòng sửa đổi.

'Quân đội làm kinh tế phải bình đẳng như doanh nghiệp bình thường'
Đại biểu Trần Văn Mão (Nghệ An) - Ảnh: Quochoi.vn

Các điều khoản quy định việc quân đội làm kinh tế kết hợp quốc phòng trong dự án Luật Quốc phòng sửa đổi thu hút nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội khi thảo luận chiều nay 22-5.

Đại biểu Trần Văn Mão (Nghệ An) nhận định thời gian qua, việc kết hợp quốc phòng với kinh tế đã bộc lộ nhiều vấn đề, trong đó có việc pháp luật đất đai hiện hành không cho phép các tổ chức, cá nhân nước ngoài được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại Việt Nam.

"Chính vì thế, khi các doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài thuê đất để kinh doanh thì dư luận vẫn cho rằng việc này (chủ yếu là người Trung Quốc) đã mua hoặc thuê đất sinh sống khu vực ven biển tại các tỉnh thành dọc biển trên cả nước. Thậm chí có những vị trí nhạy cảm về quốc phòng an ninh, gây một số hệ luỵ nguy hiểm", ông Mão nêu.

Đại biểu Nghệ An đề nghị xem xét quy trình quy hoạch, kế hoạch thẩm định về mặt an ninh quốc phòng, xem xét việc kết hợp quốc phòng phù hợp với chiến lược bảo vệ tổ quốc...

"Dự thảo luật sửa đổi cũng cần thảo luận để quy định rõ trách nhiệm của Bộ Quốc phòng ở mức độ nào trong chiến lược quy hoạch các dự án, cần rạch ròi những nội dung phạm vi của mục đích phục vụ quốc phòng và nội dung phạm vi làm kinh tế đơn thuần", ông Trần Văn Mão nêu ý kiến.

"Trong hoạt động làm kinh tế đơn thuần, quân đội cũng phải chấp hành hành nghiêm các quy định liên quan như Luật đất đai, Luật Thương mại, Luật Cạnh tranh... phải bình đẳng như những doanh nghiệp khác. Các doanh nghiệp quân đội chỉ được ưu tiên khi gắn với nhiệm vụ quốc phòng, an ninh.

Đại biểu Lê Thị Nguyệt (Vĩnh Phúc) cũng tán thành việc thảo luận thêm để cụ thể hoá nội dung kinh tế kết hợp quốc phòng, tạo hành lang pháp lý, quy định rõ trường hợp nào thì được kết hợp kinh tế quốc phòng, khắc phục những thiếu sót như thời gian vừa qua.

Đại biểu Tô Ái Vang (Sóc Trăng) thì nhận định việc kết hợp quân đội làm kinh tế là một chủ trương đúng đắn, "không thể đo đếm được bằng tiền", có những giá trị to lớn về an ninh quốc gia, đặc biệt là vùng biên giới.

"Tuy nhiên các quy định liên quan cần phải tổ chức chặt chẽ, cơ cấu đảm bảo công bằng, phù hợp", ông Vang nói.

Đại biểu Ngô Trung Thành (Đắk Lắk) đề nghị quy định cụ thể hơn các loại dự án, các vị trí mà quân đội được phép làm kinh tế kết hợp.

Giải trình sau đó, đại tướng Ngô Xuân Lịch - bộ trưởng Bộ Quốc phòng - cam kết sẽ tiếp thu các ý kiến "rất trách nhiệm, thiết thực" của đại biểu.

"Quy định trong dự thảo luật về kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế là thể chế hoá Nghị quyết tại ĐH 12 của Đảng, Nghị quyết 28 ngày 25-10-2013 của Bộ Chính trị về Bảo vệ tổ quốc trong tình hình mới, cụ thể hoá điều 64, điều 68 Hiến pháp 2013, kế thừa điều 11 Luật Quốc phòng hiện hành", ông Lịch nêu.

Bộ trưởng Quốc phòng cho biết dự thảo quy định những nguyên tắc cơ bản, chính sách lớn, còn về quy mô trình tự, hồ sơ thẩm định, thẩm quyền , thời gian thẩm định các dự án kinh tế xã hội do các luật chuyên ngành điều chỉnh.

Theo Thái Bá Dũng (Tuổi Trẻ)