Xã hội >> COVID-19 (nCoV)

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: 'Tôi sợ cảm giác chủ quan'

"Sợ nhất là tâm trạng thở phào. Chúng ta không được phép quên đã có hàng trăm nghìn người từ vùng dịch nhập cảnh vào Việt Nam. Họ đã đi khắp nơi, tiếp xúc rất nhiều người...", Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói tại cuộc họp BCĐ phòng chống COVID-19 sáng 20/3.

Thực hiện cách ly như "phòng thủ khu vực"

"Sự chủ quan", "Phòng thủ khu vực" là 2 khái niệm được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lặp lại nhiều lần trong cuộc họp của Ban chỉ đạo (BCĐ) Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 sáng 20/3. Trưởng Ban chỉ đạo bắt đầu cuộc họp với yêu cầu phải đánh giá đúng mức độ nghiêm trọng của tình hình dịch tại Việt Nam ở giai đoạn hiện tại.

Theo Phó Thủ tướng, đến hôm qua, Việt Nam coi như mới kiểm soát được từ bên ngoài vào bằng biện pháp về visa, nhưng mối lo lớn nhất là bên trong: "Sợ nhất là tâm trạng thở phào. Chúng ta không được phép quên đã có hàng trăm nghìn người đã nhập cảnh từ các vùng dịch. Số người đó đã đi khắp nơi, đã tiếp xúc với rất nhiều người. Vấn đề này mới cực kỳ khó".

Lý giải vì sao ngày từ đầu dịch đã giao việc cách ly tập trung cho quân đội, Phó Thủ tướng nói rằng "vì cần phải thực hiện nghiêm như quân đội". Và thực tế không phải chúng ta đã làm tốt hoàn toàn vì "chưa ý thức được hết mức độ nghiêm trọng của vấn đề".  Khi đại diện Bộ Quốc phòng thông tin về một vài trường hợp kêu ca về điều kiện cách ly, có trường hợp tiếp tế đồ ăn, chia sẻ đồ ăn với nhau, Phó Thủ tướng ngắt lời: "Còn chuyện như vậy nữa, tôi sẽ nói với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng xử lý vấn đề này. Vào cách ly trong quân đội là phải thực hiện theo quân lệnh. Đó là uy tín của quân đội".

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, phải nắm được số lượng người từ vùng dịch (vùng có nhiều người mắc) về Việt Nam đã tiếp xúc những ai. Cơ quan y tế phải nắm được tình hình sức khỏe của từng người dân trên địa bàn. Quân đội phải cập nhật ngay tên tuổi của người thuộc diện cách ly, điện tử hóa, để khi cần có thể đối chiếu được. "Đề nghị 3 nhà mạng, cần rất gấp, phối hợp công nghệ để gắn số điện thoại vào số thẻ bảo hiểm. Bên bảo hiểm có dữ liệu y tế nhưng không có số điện thoại. Bên viễn thông thì có số điện thoại nhưng không có thông tin y tế. Quan trọng lúc này là tìm đúng số điện thoại, đúng người. Làm sao biết được để nhắn cho người ta, cảnh báo người dân khi họ đã có tiếp xúc nhiều và có nguy cơ...", Phó Thủ tướng, Trưởng Ban chỉ đạo nói.

Ông cũng yêu cầu Bộ Giáo dục & Đào tạo vận động hệ thống giáo dục triển khai khai báo y tế toàn dân, khai cho bản thân, cho người thân, để làm sao trong một vài ngày phải có lưới lọc, phải nắm bắt được số lượng người già yếu, người bệnh nền, có nguy cơ để hạn chế đến chỗ đông người, tiếp xúc.

"Tôi sợ cảm giác chủ quan", Phó Thủ tướng nói và đặt trường hợp cho những tình huống xấu hơn trong tương lai. 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: 'Tôi sợ cảm giác chủ quan'
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam

Nếu 10.000 người mắc thì sao?

Vấn đề vật tư phục vụ công tác phòng chống dịch được Phó Thủ tướng và các thành viên BCĐ thảo luận nhiều trong cuộc họp sáng nay. Về khẩu trang, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết, chưa có sự tham gia của ngành Công thương thì đã có khoảng 20 triệu khẩu trang dự trữ. Về thiết bị xét nghiệm, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, cần tranh thủ vận động đón nhận tất cả các sinh phẩm, máy móc loại nào cũng được, cần rất nhanh. Đại diện Cục Quân y thông tin đã tập huấn về bộ sinh phẩm mới. Đồng thời cũng đã sẵn sàng để mua sắm container và cải hoán làm xe xét nghiệm lưu động.

Phó Thủ tướng đặt câu hỏi: "Nếu 10.000 người mắc thì có đủ không. Bây giờ chúng ta phải chuẩn bị đi. Mua trang thiết bị mình rất tiết kiệm nhưng tinh thần là tất cả vì sức khỏe người dân. Phải đủ cho tình huống đến cả 10.000 người mắc". Ông cảnh báo về nguy cơ vỡ trận nếu thiếu các vật tư, trang thiết bị phòng dịch, xét nghiệm, đồng thời giao Bộ Tài chính, Quốc phòng, Y tế triển khai gấp việc mua máy xét nghiệm: "Các loại công nghệ khác nhau phải dùng hết. Đây không phải lúc tranh cãi khoa học ai hơn ai kém".

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu tăng cường kịch liệt các dây chuyển sản xuất khẩu trang y tế.

"Giai đoạn 1 là rất tuyệt vời, khỏi bàn cãi. Giai đoạn 2 mình đã dự báo được tình hình. Sắp tới có thể có khả năng rất xấu xảy ra. Phải chuẩn bị trước tinh thần để không hoảng loạn, nhưng phải quyết tâm hết sức để nó không xảy ra", Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.

"Không có chuyện có cơ sở cách ly cao cấp"

Kết luận về vấn đề cách ly, Phó Thủ tướng nhắc lại yêu cầu quân đội phải thực hiện như "phòng thủ khu vực", đồng thời cho ý kiến về đề xuất trả tiền cách ly trong các địa điểm như khách sạn, resort. 

"Đã cách ly là như nhau. Không có chuyện có nơi cách ly cao cấp. Theo luật, cách ly là không mất tiền, còn những gia đình khá giả thì đóng vào đấy, ghi rõ lý do ủng hộ, đóng qua điện tử. Chúng ta không tính câu chuyện bắt buộc phải trả tiền", Phó Thủ tướng nêu rõ, đồng thời khẳng định khách sạn cách ly chỉ dành cho người nước ngoài đến vì công vụ, vì các dự án mà phía Việt Nam yêu cầu và phải trả chi phí hoặc do đối tác ở Việt Nam chi trả.

Ghi nhận đến sáng 20/3, Việt Nam đã có 85 trường hợp mắc COVID-19 (trong đó 16 trường hợp đã điều trị khỏi và xuất viện trong giai đoạn 1). Đã thực hiện tổng số 15.009 mẫu xét nghiệm. Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 38.081 người, trong đó có 7.316 người cách ly tập trung tại bệnh viện, 2.241 người cách ly tập trung tại cơ sở khác và 28.524 người cách ly tại nhà, nơi cư trú.

Về các ca bệnh đang điều trị: 69 bệnh nhân (45 người Việt Nam và 24 người nước ngoài) đang được điều trị tại 12 cơ sở khám chữa bệnh. Trong đó có 2 bệnh nhân tình trạng nặng đang được điều trị tích cực và 7 bệnh nhân có tiến triển nặng lên, các trường hợp còn lại sức khỏe ổn định.

Theo Việt Nguyễn (Giadinh.net.vn)




http://giadinh.net.vn/y-te/pho-thu-tuong-vu-duc-dam-toi-so-cam-giac-chu-quan-20200320092800104.htm