Xã hội

Phát triển BHYT học sinh, sinh viên Cần sự phối hợp tích cực giữa các sở, ngành

Báo cáo thống kê mới đây của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam cho thấy, trong những năm qua, tỷ lệ học sinh, sinh viên (HSSV) tham gia Bảo hiểm y tế (BHYT) gia tăng đáng kể từ khoảng 85% năm học 2013-2014 lên đến 93,5% năm học 2017-2018. Tuy nhiên, hiện nay có một thực trạng là tỉ lệ tham gia BHYT của đối tượng này chưa đồng đều, tỷ lệ sinh viên các trường cao đẳng, đại học tham gia BHYT chưa cao, chỉ chiếm khoảng 70-80%.

Phát triển BHYT học sinh, sinh viên Cần sự phối hợp tích cực giữa các sở, ngành
BHYT góp phần chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho HSSV

Tăng tỷ lệ HSSV tham gia BHYT

Trong những năm qua, BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã tích cực phối hợp với các sở, ngành liên quan, đặc biệt là Sở Giáo dục và Đào tạo trong việc triển khai BHYT HSSV. Số lượng HSSV tham gia BHYT tăng đáng kể, từ khoảng 85% năm học 2013-2014 lên đến 93,5% năm học 2017-2018.

Đáng chú ý, từ năm học 2015 - 2016 mức đóng BHYT HSSV được điều chỉnh tăng từ 3% lên 4,5% mức lương cơ sở (theo Luật BHXH sửa đổi, bổ sung có hiệu lực từ ngày 1/1/2015) và giảm mức chi chăm sóc sức khỏe ban đầu tại y tế trường học (YTTH) từ 12% xuống 7% nhưng tỷ lệ HSSV tham gia BHYT vẫn đạt 90,5%, với khoảng 15,6 triệu HSSV.

Nói về quyền lợi của HSSV khi tham gia BHYT, ông Trần Đình Liệu, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho biết: “Nhóm HSSV có ưu thế lớn trong hưởng thụ các dịch vụ y tế từ quỹ BHYT. Bên cạnh việc được chi trả khi đi khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế,  HSSV còn được hưởng gián tiếp các quyền lợi thông qua công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu tại nhà trường. Hiện nay, khoản kinh phí trích lại từ số thu BHYT HSSV (chiếm khoảng 82%) là nguồn tài chính chủ yếu đáp ứng phần lớn của hoạt động YTTH, nhờ đó, nguồn kinh phí hoạt động trong lĩnh vực YTTH không ngừng được tăng lên. Cụ thể, trong năm học 2005 - 2006, kinh phí phân bổ cho công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu tại YTTH chỉ có 75 tỷ đồng, thì đến nay, con số này tăng hơn 500 tỷ đồng”.

Tuy nhiên, hiện nay có một thực trạng là tỉ lệ tham gia BHYT của đối tượng này chưa đồng đều, trong đó tỷ lệ sinh viên các trường cao đẳng, đại học tham gia BHYT chưa cao, chỉ chiếm khoảng 70-80%. Để khắc phục những tồn tại và tiếp tục triển khai hiệu quả BHYT HSSV, BHXH Việt Nam đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt như yêu cầu BHXH các tỉnh, thành phố báo cáo, tham mưu UBND tỉnh, thành phố có văn bản chỉ đạo thực hiện BHYT HSSV với các cơ sở giáo dục đào tạo. Trong đó, yêu cầu các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng và trung cấp trên địa bàn đẩy mạnh việc thực hiện BHYT cho sinh viên, nhất là sinh viên từ năm thứ hai trở đi. Đặc biệt là các cơ sở đào tạo cần đưa tỉ lệ tham gia BHYT HSSV là một trong các tiêu chí đánh giá, phân loại tổ chức cơ sở Đảng, đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ.

Nhà nước hỗ trợ 30% mức đóng BHYT HSSV

Theo quy định, mức đóng BHYT HSSV bằng 4,5% mức lương cơ sở (từ 1/7/2018 là 1.390.000đ) nhân với số tháng tương ứng, trong đó, Nhà nước hỗ trợ 30% mức đóng, HSSV đóng 70% và tham gia bắt buộc tại nơi HSSV đang theo học. HSSV có thể đóng cả năm học 12 tháng hoặc 3 tháng, 6 tháng, 9 tháng.

Cụ thể mức đóng là: (1.390.000 x 4,5% x 70%) x số tháng đóng. Đối với những em chưa có thẻ năm 2018 thì đóng từ 1/10/2018. Hàng năm mức đóng thay đổi theo lương cơ sở do Chính phủ quy định. HSSV có thẻ BHYT thuộc nhóm đối tượng khác (thân nhân sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ; thân nhân công an nhân dân, nghèo, cận nghèo,…) nếu hết giá trị sử dụng ghi trên thẻ và không tiếp tục tham gia theo nhóm đối tượng khác, thì tham gia BHYT theo nhóm HSSV ngay từ tháng tiếp theo, đến hết thời hạn chung của nhà trường.

BHYT HSSV là một chính sách an sinh xã hội quan trọng của Nhà nước, góp phần chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho thế hệ tương lai của đất nước. BHYT HSSV cũng là một trong những nhóm đối tượng bắt buộc tham gia BHYT từ năm 2010, đây là bước đột phá quan trọng trong thực hiện lộ trình BHYT toàn dân, tạo cơ hội cho mọi người dân trong việc tiếp cận, tham gia, thụ hưởng chính sách, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của người dân.

Theo Huyền Thanh (Tuổi Trẻ Thủ Đô)