Xã hội

Ông Nguyễn Thiện Nhân: 'Xây nhà hát không ảnh hưởng tiền đền bù cho người Thủ Thiêm'

TP HCM đang giải quyết đền bù cho người dân Thủ Thiêm bằng ngân sách, còn tiền xây nhà hát giao hưởng là từ nguồn bán đất nhiều năm trước.

Chiều 16/10, tại phiên bế mạc Hội nghị Thành ủy TP HCM lần thứ 18, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân đề cập đến dự án Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch mà HĐND vừa thông qua. Ông biết có nhiều ý kiến băn khoăn "tiền đền bù cho người dân Thủ Thiêm chưa có mà thành phố lại lo xây nhà hát 1.500 tỷ đồng".

"Tuy nhiên, đây là hai việc hoàn toàn khác nhau. Công tác đền bù cho người dân thành phố vẫn đang làm, nhưng phải theo quy trình", ông Nhân nói. Sau khi có kết luận của Thanh tra Chính phủ, Thường vụ Thành ủy đã họp nhiều lần, chỉ đạo UBND thành phố xây dựng 11 giải pháp để thực hiện theo kết luận. Khi xong, thành phố sẽ trao đổi với người dân Thủ Thiêm, sau đó mới ban hành giải pháp cụ thể.

"Tiền thành phố đền bù cho người dân sẽ lấy từ ngân sách. Còn xây nhà hát là bằng tiền bán đất từ nhiều năm trước, không ảnh hưởng gì đến chuyện đền bù cho người dân Thủ Thiêm", ông Nhân khẳng định.

Ông Nguyễn Thiện Nhân: 'Xây nhà hát không ảnh hưởng tiền đền bù cho người Thủ Thiêm'
Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân phát biểu bế mạc Hội nghị Thành ủy lần thứ 18 khóa X. Ảnh: Thiên Ngôn.

Chi xây trường, bệnh viện gấp 23 lần xây nhà hát

Dự án xây nhà hát nằm trong quy hoạch giai đoạn 2021-2025 của TP HCM, đã được Thủ tướng phê duyệt, bao gồm 7 công trình trọng điểm. Đây cũng là việc mà nhiều kỳ đại hội qua TP HCM đều nhắc chuyện phải xây dựng các công trình văn hóa tiêu biểu.

Bí thư Thành ủy cho biết, trong nhiệm kỳ này, riêng tiền xây trường học và bệnh viện thành phố đã chi 34.600 tỷ đồng - gấp 23 lần tiền xây nhà hát; còn so với chi phí thành phố chi trong ba nhiệm kỳ gần đây (khoảng 57.860 tỷ đồng) thì thấp hơn 38 lần.

"Như vậy là thành phố không phải không quan tâm xây trường học và bệnh viện. Nếu so với tổng chi ngân sách thành phố trong 3 khóa gần đây thì xây nhà hát chiếm 0,4%. Đây là số tiền không nhỏ, nhưng chúng ta đã có kế hoạch cho nó", ông Nhân nói.

Nhà hát giao hưởng phục vụ ai?

Người đứng đầu Thành ủy TP HCM dẫn chứng việc 100 năm trước người Pháp xây Nhà hát lớn khi dân số thành phố khoảng 100.000 người. Công trình này thành phố vẫn đang sử dụng - điều đó chứng tỏ người Pháp có tầm nhìn rất xa.

"Bây giờ thành phố có 10 triệu dân, 5 triệu lao động - cao gấp 3 lần năng suất lao động của cả nước. Ở đây còn có hơn 100.000 người nước ngoài sinh sống và làm việc. Việc xây nhà hát giao hưởng sẽ đáp ứng nhu cầu trực tiếp của người dân và dần hình thành nhu cầu cho những người chưa có nhu cầu", ông Nhân nói.

Công trình còn để phục vụ nhu cầu giao lưu quốc tế, bởi có rất nhiều đoàn văn nghệ nước ngoài muốn đến giao lưu nhưng TP HCM không có nhà hát để biểu diễn. Ngoài giao hưởng, múa ba lê... nhà hát còn để tổ chức các hoạt động văn nghệ khác.

"Hiện, thành phố có 200 nghệ sĩ nhưng các đoàn đều phải ở trọ: văn phòng thì dưới nhà hát thành phố, diễn tập ở rạp Thanh Vân, còn múa thì ở lầu ba Thư viện Khoa học tổng hợp. Mỗi năm ngân sách phải trả 900 triệu đồng để thuê chỗ. Thành phố cần phải có nhà để các nghệ sĩ có nơi biểu diễn và cũng là nơi bồi dưỡng cho thế hệ sau", ông Nhân cho biết.

Về việc chọn Thủ Thiêm để xây nhà hát, Bí thư Thành uỷ TP HCM nói rằng, thành phố đã tính toán một số vị trí ở quận 1 nhưng đều không phù hợp, phải ưu tiên giao thông và công viên phục vụ người dân. Quyết định đưa nhà hát về Thủ Thiêm vì có sự tương thích với nhiều công trình công cộng khác của khu đô thị như: trung tâm triển lãm, quảng trường trung tâm, công viên bờ sông...

"Thành phố dù đã thông tin khá đầy đủ về dự án xây nhà hát nhưng chưa lường hết được phản ứng của dư luận. Việc này lãnh đạo thành phố cần rút kinh nghiệm", ông Nhân nói và đề nghị Ban Tuyên giáo Thành ủy, Thường trực HĐND và UBND ký kết chương trình phối hợp truyền thông trước và sau các kỳ họp để chủ động cung cấp thông tin nhiều hơn đến người dân.

Ông Nguyễn Thiện Nhân cũng đề cập kết quả thực hiện Quy định 1374 của Ban Thường vụ Thành ủy TP HCM về giải quyết thông tin phản ánh tập thể, cá nhân suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Trong quý ba có 846 tin phản ánh - nhiều gần gấp đôi cả hai quý trước. Có 59 đảng viên bị xử lý trong ba quý đầu năm, gồm: một người bị khai trừ, ba người bị cách chức, cảnh cáo và khiển trách 47 người. Về mặt chính quyền có hai người bị buộc thôi việc, cách chức 10, cảnh cáo 20 và khiển trách 60 người.

"Tuy nhiên, những trường hợp vi phạm không phải phát hiện qua nội bộ mà qua phản ánh của người dân, báo chí. Đó là điều chúng ta phải suy nghĩ", ông Nhân nhìn nhận.

Theo Thiên Ngôn (VnExpress.net)